TP - Giới quan sát nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực đi đầu để trở thành một trong những bên giành thắng lợi nhiều nhất về chính trị và tiền bạc từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Dù cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa chấm dứt, một số người đã tích cực đi trước để xác định xem sẽ làm gì sau khi tiếng súng chấm dứt và công việc tái thiết bắt đầu.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Postsen
Những thỏa thuận lớn
Tháng 7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ước tính việc tái thiết các thành phố, thị trấn và hạ tầng bị tàn phá sẽ tiêu tốn khoảng 750 tỷ USD. Sự tàn phá đó trở thành cơ hội cho những người khác, và Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực chuẩn bị để có thể tham gia tái thiết, nhất là nếu họ có thể giữ gìn quan hệ tốt đẹp với cả Mátxcơva và Kiev.
Từ khi xung đột nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải. Kết quả của các cuộc đối thoại do Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tại Istanbul hồi tháng 3 là Nga rút quân khỏi khu vực xung quanh thủ đô Kiev cùng 2 thành phố Chernihiv và Sumy.
Tháng 7 cũng tại Istabul, đại diện của Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận để Ukraine có thể xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận có tác động tích cực lên cả kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vì nước này giờ có thể mua ngũ cốc từ Nga và Ukraine với giá thấp hơn.
“Trong khi mọi người đang tập trung vào Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ táo bạo và quyết đoán hơn để thực sự cân bằng giữa những gì hợp pháp và bất hợp pháp”.
Maria Shagina - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ)
Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nâng cao vị trí của mình ở khu vực Biển Đen. Theo biên bản ghi nhớ ký giữa Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Mus và Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov tại Ukraine ngày 18/8, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết Ukraine sau khi chiến sự Nga-Ukraine chấm dứt.
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến làm lại cây cầu ở làng Romanivka để nối hai thành phố Bucha và Irpin với Kiev. Bước đi này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và mang tính biểu tượng: Nếu việc tái thiết diễn ra trước khi giao tranh chính thức chấm dứt, hoặc ít nhất trước khi Mátxcơva và Kiev ký thoả thuận ngừng bắn, điều này cho thấy Nga đã từ bỏ kế hoạch thu phục thủ đô của Ukraine, Asia Times nhận định.
Nếu công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự sẽ xây một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Ukraine, như gợi ý của Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar, đây sẽ là một chỉ dấu nữa cho thấy Ankara biết điều gì đó mà thế giới không biết. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đầu tư một dự án tốn tiền như vậy nếu không nhận được bảo đảm từ Mátxcơva rằng nhà máy sẽ không trở thành mục tiêu của quân đội Nga.
Một cư dân thành phố Bucha, Ukraine tìm kiếm đồ đạc trong tòa chung cư đổ nát do giao tranh Nga-Ukraine. Ảnh: AP
Ankara biết rằng hợp tác quân sự của họ với Kiev sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ với điện Kremlin. Việc Nga không ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái Bayraktar cho Ukraine cho thấy Ankara có vị thế mặc cả rất mạnh với Mátxcơva.
Bị cô lập khỏi phương Tây, Nga được cho là đang dùng Thổ Nhĩ Kỳ như một nơi trung chuyển và đang chủ động tăng cường hợp tác về kinh tế.
Đầu tháng 8, năm ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sử dụng thẻ thanh toán Mir của Nga, khiến phương Tây lo ngại Ankara đang giúp Mátxcơva lách các lệnh trừng phạt. Trong hoàn cảnh chính trị hiện nay, điện Kremlin có thể sẽ phải nhắm mắt cho gần như mọi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ukraine.
Thực tế là Thổ Nhĩ Kỳ coi Crimea, bán đảo của Ukraine mà Nga sáp nhập từ năm 2014, là vùng ảnh hưởng của mình. Về lịch sử, bán đảo có một thời gian dài là lãnh thổ bảo hộ của Đế chế Ottoman. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Ankara muốn bảo trợ cho người Tatar ở Crimea, một tộc người Turk bản địa trên bán đảo.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ gần đây bắt đầu cấp giấy cư trú dài hạn cho người Tatar Hồi giáo ở Crimea. Theo luật Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ những người nước ngoài sống liên tục ở nước này trong 8 năm mới được cấp giấy cư trú dài hạn.
Tuy nhiên, người Meskhenet, người Duy Ngô Nhĩ, người Turk từ Bulgaria và Hy Lạp, và giờ cả người Tatar Crimea đều là ngoại lệ. Ankara có thể muốn đồng nhất người Tatar Crimea với xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đồng thời cũng đang muốn gia tăng ảnh hưởng trong cộng đồng người Tatar Crimea vẫn sống trên bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, một số chính trị gia Tatar Crimea cho rằng, vào thời điểm này, hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở Crimea vẫn nhỏ. Trước khi Nga sáp nhập Crimea, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng này thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực, từ làm ăn kinh doanh đến tôn giáo. Nhưng sau khi sáp nhập bán đảo, Nga có vẻ không cho phép các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ “bén rễ” ở Crimea.
Dù mục tiêu của Ukraine về khôi phục chủ quyền ở Crimea có vẻ khó khả thi, thực tế là Kiev đã bắt đầu chủ động tấn công các vị trí của Nga ở vùng này, cho thấy sớm hay muộn các thành phố, thị trấn trên bán đảo cũng sẽ sớm hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Sau cuộc xung đột, nếu Ukraine có thể giành lại Crimea, bán đảo cũng cần được tái thiết, giống như nhiều vùng khác của Ukraine. Với mối quan hệ lịch sử với nơi đây, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rất quan tâm đến việc đóng một vai trò quan trọng trong tái thiết bán đảo.
Ankara sẽ vẫn giữ quan hệ tốt với cả Mátxcơva và Kiev, đồng thời củng cố vai trò trung gian hoà giải. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hy vọng sẽ khôi phục đàm phán giữa Nga và Ukraine dựa trên những thông số đã được thiết lập tại Istabul hồi tháng 3. Tuy nhiên, Kiev sẽ không sẵn sàng đàm phán cho đến khi Nga rút quân về nước, kể cả ở Crimea.
Chỉ sau khi Nga thất bại và bị đẩy khỏi hầu hết những vùng đất đã giành được ở Ukraine thì Tổng thống Erdogan mới trở thành người chiến thắng thực sự trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Khi có rất ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục điều họ đang làm: ủng hộ Ukraine trong khi duy trì quan hệ tốt với Nga. Bằng cách này, khi thời cơ đến, các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi đầu trong việc xây dựng lại những gì bom đạn đã phá huỷ.
“Hiệp sĩ đen”
Các chuyên gia về trừng phạt gọi Thổ Nhĩ Kỳ là “hiệp sĩ đen” - quốc gia giúp nước khác tránh cấm vận quốc tế vì lợi ích của chính mình. Thổ Nhĩ Kỳ “đang ủng hộ Ukraine nhưng không chống Nga”, Sinan Ulgen, nhà ngoại giao nghỉ hưu của Thổ Nhĩ Kỳ và hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Carnegie châu Âu, đánh giá.
Nhiều nhà ngoại giao phương Tây không thích kiểu chơi tay đôi của Thổ Nhĩ Kỳ. “Bạn không thể đứng về cả hai phe của cuộc chiến như vậy. Đó là một thành viên của NATO”, một nhà ngoại giao châu Âu phàn nàn với Politico.
Trên thực tế, các nước phương Tây không thể làm gì nhiều. Có thứ mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có thể mặc cả với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng rủi ro rất lớn. Hy Lạp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hành động ngày càng nguy hiểm khi điều máy bay chiến đấu xâm phạm vùng trời trên biển Aegea và đẩy người di cư ra biển.
Phương Tây cũng không muốn ông Erdogan đột ngột dùng quyền phủ quyết một lần nữa để ngăn Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Cho đến nay, Brussels và Washington đơn giản chỉ đang giám sát những bước đi của Ankara.
Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng mạnh từ hơn 417 triệu USD vào tháng 7/2021 lên 730 triệu USD trong tháng 7/2022. Nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Nga tăng từ 2,5 tỷ USD tháng 7/2021 lên 4,4 tỷ USD tháng 7/2022. Rõ ràng Nga đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của Thổ Nhì Kỳ. Nga chiếm 17% tổng nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn từ tháng 4-6 năm nay, trong khi giai đoạn cùng kỳ năm ngoái mới chỉ 10%.
Các công ty châu Âu sợ rủi ro nếu tiếp tục làm ăn trực tiếp với Nga, kể cả những mặt hàng không bị trừng phạt. Thay vào đó, họ dùng Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi trung chuyển để bán sang Nga. Các chuyên gia nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động trong vùng xám.
Maria Shagina, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ), nhận xét: “Trong khi mọi người đang tập trung vào Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ táo bạo và quyết đoán hơn để thực sự cân bằng giữa những gì hợp pháp và bất hợp pháp”.