Với quân số hơn 400.000 binh sĩ, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành 3 thứ quân: Lục quân, Không quân và Hải quân. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có một Quân đoàn Đặc biệt trực thuộc sự quản lý của Bộ Tổng Tham mưu.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng đóng vai trò nòng cốt trong chiến lược đối phó với khối quân sự Warsaw thời Chiến tranh Lạnh.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lực lượng mạnh nhất trong khu vực với gần 300 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon. Hải quân nước này cũng là một trong những lực lượng lớn nhất ở phía Đông Địa Trung Hải với hơn một chục tàu ngầm và một lữ đoàn thủy quân lục chiến.
Phần lớn trang thiết bị quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là do nước ngoài sản xuất nhưng Ankara hiện nay cũng đang rất nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quân sự cho riêng mình như xe tăng hay tên lửa và đang mở rộng quan hệ với các nhà thầu quốc phòng nước ngoài.
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ là nhà thầu phụ trong chương trình chế tạo F-35 Joint Strike Fighter, bên cạnh đó Ankara cũng phát triển máy bay chiến đấu nội địa riêng.
Dưới đây là 5 trong số những vũ khí mạnh nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Tên lửa hành trình SOM-J
Nhà thầu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Roketsan phối hợp với hãng Lockheed Martin phát triển tên lửa hành trình SOM trong khuôn khổ chương trình hợp tác chế tạo F-35.
SOM là tên lửa hành trình đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, được thiết kế để tấn công cả các mục tiêu trên bộ và trên biển. Có nhiều phiên bản tên lửa đang được phát triển nhưng hiện đại nhất có lẽ vẫn là SOM-J.
SOM-J được thiết kế để mang theo bên trong khoang vũ khí của F-35, giúp dòng máy bay phản lực này tối đa hóa khả năng tàng hình trước radar kẻ thù. Tên lửa cũng được thiết kế để mang theo bên ngoài một số loại máy bay chiến đấu khác, đặc biệt là F-16.
Theo công bố của Lockheed Martin thì SOM-J được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt, các hệ thống phòng không được bảo vệ nghiêm ngặt và có giá trị cao như các tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM), các tài sản chiến lược, trung tâm chỉ huy - kiểm soát, cũng như tàu chiến hải quân.
Giống với hầu hết các tên lửa hành trình khác, SOM-J có động cơ phản lực và bay ở vận tốc cận âm. Tên lửa có phạm vi tấn công 155 dặm, trang bị đầu đạn nổ có sức không phá lớn đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu kiên cố.
Lockheed Martin và Công ty Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ cùng hợp tác chế tạo tên lửa hành trình SOM-J trang bị cho F-35. Ảnh: Lockheed Martin
Xe tăng Leopard 2
Dòng xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ là Leopard 2 do Đức chế tạo. Được phát triển từ những năm 1970, Leopard 2 chính là Abrams đương đại của Mỹ.
Leopard 2 sở hữu lớp giáp tổng hợp tiên tiến, pháo nòng trơn 120 mm và động cơ diesel 1.500 mã lực. Leopard 2 được thiết kế cho Quân đội Tây Đức giúp lực lượng này có một sức mạnh xe tăng đáng gờm để đối phó với Liên Xô và các nước trong Hiệp ước Warsaw. Ở thời kỳ đỉnh cao, các lực lượng vũ trang Đức vận hành tới 2.100 xe tăng Leopard 2.
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Đức thống nhất cấu trúc lại lực lượng xe tăng của mình và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong nhiều quốc gia đã mua lại Leopard 2.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang vận hành khoảng vài trăm chiếc Leopard 2A4 nhưng các xe tăng này vẫn chưa được cải tiến nhiều, đặc biệt là giáp bổ sung. Năm 2016, ít nhất 10 chiếc Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá hủy trong cuộc chiến với phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bằng tên lửa chống tăng có điều khiển.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2. Ảnh Army Recognition
Máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) vận hành một trong những phi đội F-16 lớn nhất thế giới ngoài nước Mỹ. TAF hiện đang có trong biên chế khoảng 270 F-16, trong đó 158 chiếc F-16C đảm trách vai trò máy bay chiến đấu và 87 chiếc giữ vai trò huấn luyện. Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu các máy bay F-16 Block 30, 40 và 50, chiếc mới nhất mới được đưa vào sử dụng năm 2012.
Các máy bay chiến đấu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ trang bị tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder và AIM-120 AMRAAM, tên lửa không đối đất Maverick và bom dẫn đường laser GBU-12 Paveway II.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ sở hữu F-16 mà còn là một trong số ít các quốc gia sản xuất dòng máy bay. Kinh nghiệm gặt hái được đã tạo động lực để Ankara bắt đầu phát triển máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên - T-FX. Máy bay đã được giới thiệu tại Paris Air Show vào mùa Hè năm 2019.
Ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thay thế F-16A Block 30 bằng các máy bay F-35A mới hơn nhưng việc nước này bị loại khỏi chương trình chế tạo chung với Mỹ có nghĩa là họ vẫn còn tiếp tục phải sử dụng các máy bay cũ và nâng cấp cho đến khi T-FX đã sẵn sàng.
Tiêm kích F-16. Ảnh: KQ Thổ Nhĩ Kỳ
Tàu ngầm Type 209/214
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang vận hành 14 tàu ngầm Type 209 và là một trong những hạm đội tàu ngầm lớn nhất Địa Trung Hải. Các tàu này được Thổ Nhĩ Kỳ hạ thủy từ năm 1972 đến 2002, chiếc cuối cùng vào năm 2008.
Lô 6 chiếc Type 209/1200 đầu tiên với lượng choán nước 1.285 tấn, được trang bị ngư lôi Mark 37 của Mỹ và có vận tốc khi lặn là 22 hải lý/giờ. Chiếc cuối cùng thuộc lớp tàu ngầm này được bàn giao năm 1990. Dù khá cũ so với thời điểm hiện tại nhưng khoảng một nửa trong số đó đã được Thổ Nhĩ Kỳ nâng cấp trong những năm 2010.
Đợt tiếp nhận thứ hai gồm 8 tàu ngầm Type 209/1400 diễn ra từ năm 1994 đến năm 2008. Số này lớn hơn một chút, với lượng choán nước khoảng 1.586 tấn khi lặn và được trang bị ngư lôi do Đức và Anh sản xuất.
Các tàu ngầm Type 209 cũ nhất sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ thay thế bằng 6 tàu ngầm Type 214 lớp Reis mới hơn. Xưởng đóng tàu hải quân Golcuk ở Izmir sẽ chế tạo các tàu ngầm này theo cấp phép từ Đức.
Type 214 có lượng choán nước 1.860 tấn, được trang bị 8 ống phóng 533 mm để phóng ngư lôi MK-48 và tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ.
Hạm đội tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ
Bom hạt nhân B61
Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, với tư cách là quốc gia tuyến đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh nên Ankara đã được tiếp nhận số lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.
Mỹ hiện đang lưu trữ khoảng 90 quả bom hạt nhân B61 tại căn cứ không quân Incirlik, trong đó 50 quả được phân bổ cho các phi công Không quân Mỹ và 40 quả được phân bổ cho các phi công Thổ Nhĩ Kỳ.
Bom hạt nhân B61 được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của quân đội Mỹ nên gần như không có bên tham gia nào ngoài các lực lượng Mỹ mới được sử dụng chúng. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền tiếp cận trừ khi xảy ra chiến tranh, và tất nhiên ngay cả khi đó cũng vẫn phải chịu sự giám sát của nhân viên Mỹ.
Một quả bom hạt nhân B61 cơ bản nặng khoảng 700 pound. Loại bom chiến thuật này có 3 phiên bản: B61-3, B61-4 và B61-10, mặc dù chưa biết loại nào đang được lưu trữ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sức công phá của B61 dao động từ 3 kiloton đến 50, 80 và 170 kiloton. Để dễ hình dung, một quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản có sức công phá là 16 kiloton.
Video giới thiệu tên lửa hành trình SOM-J