Thổ Nhĩ Kỳ đang là 'cầu nối' giữa Nga và phương Tây?

Công Thuận |

Ankara tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng giữa Nga, Ukraine và phương Tây.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Anadolu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Anadolu

Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây dẫn nhận định của Giáo sư Mustafa Kibaroglu, Trưởng khoa Kinh tế, Hành chính và Khoa học Xã hội của Đại học MEF tại Istanbul, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vị thế trở thành một cầu nối để Nga và phương Tây chia sẻ quan điểm.

"Mặc dù phương Tây không muốn bày tỏ điều này và không muốn công nhận Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò như vậy, nhưng đến nay (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip) Erdogan đang tự đặt mình vào vị trí cầu nối để phương Tây và Nga chia sẻ quan điểm cũng như cách tiếp cận về một số vấn đề khi cần thiết", Giáo sư Mustafa Kibaroglu nêu rõ.

Bình luận của ông Kibaroglu được đưa ra sau khi Tổng thống Erdogan tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand, Uzbekistan, nơi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trên đường tới New York để tham dự khóa họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), ông Erdogan nói với các phóng viên rằng các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh SCO đánh giá cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giảm leo thang căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột Nga -Ukraine.

Bên cạnh đó, ông Erdogan đã được ca ngợi vì đóng góp của mình trong việc mở hành lang ngũ cốc giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hành lang ngũ cốc, Giáo sư Kibaroglu nói: "Vì phương Tây không đóng vai trò gì ở đây nên Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã thực hiện bước quan trọng để xây dựng một giải pháp giữa Nga và Ukraine".

Thổ Nhĩ Kỳ, LHQ, Nga và Ukraine đã ký một thỏa thuận tại Istanbul vào ngày 22/7 để nối lại xuất khẩu ngũ cốc từ ba cảng Biển Đen của Ukraine, vốn đã bị phong tỏa sau khi xung đột nổ ra. "Đáng lẽ phải có một số quốc gia đóng vai trò (hòa giải) này và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm điều đúng đắn ở đây", ông Kibaroglu nói.

Theo ông Kibaroglu, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thực hiện chính sách cân bằng giữa Nga và Ukraine. "Ankara đang cố gắng theo đuổi một chính sách mà vừa không hoàn toàn chống Nga vừa không hoàn toàn ủng hộ phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga, nhưng mặt khác, nước này cũng phản đối hành động quân sự của Nga, đồng thời công khai bày tỏ ủng hộ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", Giáo sư Kibaroglu kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại