Thổ Nhĩ Kỳ "chơi hiểm" để ép NATO đưa quân đến Syria

Đức Trí |

Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa biên giới để hàng triệu người tị nạn Trung Đông tràn vào châu Âu, hành động này được cho là nhằm gia tăng sức ép, buộc NATO đưa quân đến Syria để hỗ trợ Ankara.

Sau khi "thất thế" ở chiến trường Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi NATO đưa quân đến hỗ trợ nhưng đã bị NATO từ chối một cách quyết đoán và NATO đã đẩy "quả bóng" trách nhiệm hòa giải sang Liên Hợp Quốc.

Cảm giác bị "bỏ rơi" vào thời điểm quan trọng này đã khiến Ankara hoàn toàn tức giận. Theo hãng tin thông tấn Spunik của Nga ngày 1/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 29/2 đã hạ lệnh mở cửa biên giới của nước này với châu Âu để cho phép người tị nạn Syria tràn vào châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ chơi hiểm để ép NATO đưa quân đến Syria - Ảnh 1.

Dòng người tị nạn tràn về biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp hôm 1/3. Nguồn: jxcn.cn.

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu ngày 1/3 cũng xác nhận, Tổng thống Erdogan đã ra lệnh cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Cảnh sát Biên giới không ngăn người tị nạn qua biên giới nước này tràn vào châu ÂU.

Theo giám sát, hàng triệu người tị nạn Syria đang đổ xô từ các khu định cư tạm thời đến biên giới EU và dự kiến sẽ có hơn 100.000 người sẽ vượt biên giới bằng đường bộ và đường biển mỗi ngày trong thời gian tới.

Trong số các quốc gia giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho hầu hết người tị nạn quá cảnh.

Ngay sau khi Lệnh này được ban bố, khoảng 4 triệu người tị nạn Syria đã "ầm ầm" đổ về bức tường biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Chỉ trong 4 giờ vào buổi sáng ngày 1/3, hơn 76.000 người tị nạn Syria đã vượt qua bức tường và vào EU.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, NATO và Liên minh châu Âu đã không thực hiện các cam kết viện trợ kinh tế và quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ, do đó phía Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng các biện pháp thực thi theo kế hoạch chung đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư Syria đã ký vào tháng 3/2016, trong đó có việc mở cửa biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ chơi hiểm để ép NATO đưa quân đến Syria - Ảnh 3.

Người tị nạn xung đột với cảnh sát Hy Lạp. Nguồn: jxcn.cn.

Chính phủ Hy Lạp cho biết, nước này đã đóng tất cả các cửa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng một số lượng lớn người tị nạn đã vượt qua hàng rào thép gai trên tường biên giới để sang Hy Lạp. Cảnh sát Hy Lạp đã phải sử dụng hơi cay để ngăn chặn người tị nạn nhưng không hiệu quả.

Thủ tướng Hy Lạp đã đăng trên tweet rằng ông sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự nhập cư bất hợp pháp nào. Ông nhấn mạnh, Hy Lạp không chịu trách nhiệm về thảm kịch chiến tranh ở Syria và tất cả các hậu quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến cuộc xung đột Idlib phải do một mình Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm.

Đồng thời, ông hy vọng EU sẽ đưa ra những biện pháp nghiêm túc để ngăn chặn dòng người tị nạn càng sớm càng tốt.

Thổ Nhĩ Kỳ chơi hiểm để ép NATO đưa quân đến Syria - Ảnh 4.

Lực lượng cảnh sát Hy Lạp đã sử dụng hơi cay để ngăn chặn người tị nạn. Nguồn: jxcn.cn.

Biên giới đất liền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp dài 160 km, và biên giới trên biển dài hàng trăm km. Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã điều động 40 tàu tuần tra để chặn người tị nạn vượt biển vào nước này, và đã yêu cầu Liên minh châu Âu chi viện thêm nhiều tàu tuần tra.

Bulgaria, một quốc gia Đông Âu khác giáp Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố điều động 1.000 binh sĩ và 140 thiết bị quân sự tới biên giới và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ biên giới quốc gia và không cho phép bất cứ người nhập cư bất hợp pháp nào tràn vào Bulgaria.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ quan ngại về diễn biến này, đồng thời cho hay khối đang theo sát tình hình để kịp thời ứng phó. Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) cũng đang được đặt trong tình trạng "cảnh giác cao độ" tại khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang "gồng mình" đối phó với đại dịch virus corona, truyền thông châu Âu lo ngại rằng, hành động mở cửa biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo thành một "thảm họa" chưa từng có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại