Thổ Nhĩ Kỳ "chiêu mộ" Pháp-Đức cùng hợp lực, vị thế Nga ở Syria đang chao đảo?

Quốc Vinh |

Thổ Nhĩ Kỳ đang cho thấy một bước đi cao tay ở thời điểm hiện tại khi có được hai đồng minh châu Âu làm sức nặng trên bàn đàm phán với Nga.

Ngày 27/10, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh bốn bên với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Nga để thảo luận về tình hình cuộc nội chiến Syria.

Trong đó, hội nghị thượng đỉnh sẽ là nỗ lực tăng cường sự bền vững của thỏa thuận ngừng bắn giữa phiến quân Syria và lực lượng Chính phủ, được bảo đảm bởi Moscow và Ankara.

Đánh giá về sự kiện này, nhà cựu ngoại giao cấp cao người Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen cho rằng, chỉ riêng việc tập hợp cả bốn quốc gia nói trên đã là một thành tựu ngoại giao quan trọng cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

"Đó là một thành công của Tổng thống Erdogan khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh với một thành viên của thỏa thuận Astana và hai đồng minh NATO - Đức và Pháp", Selcen nói.

Hội nghị thượng đỉnh Istanbul là kết quả của thỏa thuận hồi tháng trước tại Sochi, Nga, nơi ông Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin đã đồng ý ngăn cản một chiến dịch tấn công quy mô lớn của quân Chính phủ nhằm giải phóng tỉnh Idlib.

Idlib hiện được coi là thành trì cuối cùng của phe đối lập. Sự tham gia của Berlin và Paris tại vòng đàm phán này được cho là giúp thắt chặt hơn nữa thỏa thuận với Moscow. Đó là một cam kết mà các nhà phân tích nói rằng Nga sẵn sàng tuân thủ, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Moscow cho biết, thỏa thuận Idlib đang hoạt động đúng hướng và Ankara cũng tuân thủ những gì mà họ đã cam kết trước đó. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Ankara đồng ý đảm bảo sự rút quân của các nhóm cực đoan, giải giáp vũ khí hạng nặng và thiết lập một khu phi quân sự mới ngăn cách giữa lực lượng nổi loạn và quân Chính phủ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến ​​sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh để hợp nhất thỏa thuận Idlib.

Với khoảng 3 triệu người ở Idlib, các nhà phân tích chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo châu Âu lo sợ bất kỳ cuộc tấn công nào ở Idlib có thể kích hoạt một làn sóng tị nạn mới tới châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ chiêu mộ Pháp-Đức cùng hợp lực, vị thế Nga ở Syria đang chao đảo? - Ảnh 1.

Châu Âu không muốn Idlib bị tấn công do lo ngại một làn sóng tị nạn mới.

Sự tham dự của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức được xem là giúp tăng cường cán cân cho Ankara trong việc cân bằng Moscow, đồng minh chính của Chính phủ Syria.

"Những gì sẽ diễn ra ở Istanbul có ý nghĩa biểu tượng rõ nét bởi vì Đức và Pháp sẽ là những thế lực mới cùng tham gia", Giáo sư quan hệ quốc tế Huseyin Bagci thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Đông (Ankara) cho biết.

"Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò cân bằng chính sách quyền lực giữa Nga và các nước châu Âu. Đó là một chiến thuật tốt của Thổ Nhĩ Kỳ để đưa tất cả những người này ngồi lại với nhau và cùng nói về Syria", ông nhận định.

Cũng trong sự kiện này, Tổng thống Erdogan dự kiến ​​sẽ tổ chức một cuộc họp song phương với người đồng cấp Putin. Trong khi hai nhà lãnh đạo đang ủng hộ các bên khác nhau trong cuộc nội chiến Syria, họ đã phát triển mối quan hệ song phương sâu sắc để nỗ lực giải quyết xung đột. Mối quan hệ này đã gây ra sự bất mãn giữa các đối tác NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc tái thiết Syria dự kiến ​​cũng là nội dung đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh. Ước tính của Liên Hợp Quốc cho kế hoạch tái thiết quốc gia Trung Đông là 250 tỷ USD, trong đó các trung tâm tài chính của châu Âu, đặc biệt là Đức có thể là yếu tố quan trọng trong việc cung cấp nguồn kinh phí.

"Mọi người đều biết rằng những quốc gia có ví tiền dày như vậy không tồn tại. Đó không phải là Syria, Nga hay Iran", nhà cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Selcen nói. "Trung Quốc có thể quan tâm nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. Vì vậy, không ai sẽ cung cấp cho Syria số tiền này. Châu Âu mới là đối tượng cần thiết nhất, cũng như Mỹ".

Selcen cho rằng Berlin có thể có đòn bẩy tiềm năng đối với Damascus và Moscow trong việc tìm kiếm sự nhượng bộ cho phe đối lập. "Nó giống như kiểu, nếu bạn muốn tiền bạn đáp lại bằng thứ gì đó công bằng hơn", ông nói thêm.

Mặc dù vậy, có ít kỳ vọng về việc hội nghị thượng đỉnh Istanbul sẽ đạt được bất kỳ bước đột phá quan trọng nào. Ngay cả Moscow cũng nhấn mạnh điều này.

"Chúng tôi không dự đoán rằng hội nghị thượng đỉnh được tổ chức với mục tiêu đạt được các thỏa thuận nhất định", phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitri Peskov cho biết hồi đầu tuần. "Nhưng hội nghị thượng đỉnh là một nền tảng tuyệt vời để so sánh các quan điểm, trao đổi ý kiến ​​và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác có thể".

Với lý do này, các nhà phân tích tin rằng sự tham gia của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức tại cuộc họp ở Istanbul vẫn chưa thể đánh dấu sự khởi đầu của một quy trình mới, mang lại động lực quan trọng để kết thúc cuộc nội chiến Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại