Quyết định được phía Nga đưa ra bất chấp tiếng nói phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ về sự tham gia của người Kurd trong tiến trình hòa bình Syria.
"Đại diện của người Kurd đã được bao gồm trong danh sách người Syria được mời tới tham dự Đại hội Đối thoại dân tộc Syria sắp tổ chức ở Sochi," Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
Nga, Iran - hai nước ủng hộ chính phủ tổng thống Syria Bashar al-Assad, cùng Thổ Nhĩ Kỳ - bên hậu thuẫn phe đối lập chống ông Assad, đã hợp tác với nhau thông qua các vòng đối thoại tại Astana và đi đến thỏa thuận tổ chức Đại hội nêu trên, với mục tiêu nhất trí về hiến pháp mới cho thời hậu chiến ở Syria.
Theo ông Lavrov, người Kurd cần có vai trò trong "tiến trình chính trị tương lai" của Syria.
Động thái của chính phủ Nga được cho là "gáo nước lạnh" nhằm vào Ankara, giữa lúc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh Quân đội Syria tự do (FSA) phát động chiến dịch tấn công thị trấn Afrin ở Syria, địa bàn do Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) - đồng minh của Mỹ - kiểm soát.
Trong diễn biến mới nhất, chiến dịch Cành ô-liu của Thổ Nhĩ Kỳ, với mục tiêu tốc chiến tốc thắng tại Afrin, đã gặp trở ngại lớn, khi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) - nòng cốt của SDF - tuyên bố đẩy lùi được lực lượng FSA khỏi cứ địa nằm gần ngôi làng Bulbul ở miền Bắc Syria, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm ngày 22, rạng sáng 23/1.
Người phát ngôn của YPG tuyên bố, "Vào khoảng 0h30 (giờ địa phương) của ngày thứ 4 trong cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Afrin, lực lượng YPG đã giải phóng hoàn toàn được làng Corna, đẩy lùi hoàn toàn lực lượng kẻ địch khỏi cứ điểm này trong một chiến dịch đặc biệt".
Đại diện YPG bổ sung, cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục nã đạn pháo với tần suất dày đặc vào các khu làng ở Afrin, kể cả trong đêm.
Người Kurd đang tăng cường thêm lực lượng từ các căn cứ ở Đông Bắc Syria, nơi SDF vẫn đang duy trì hàng nghìn quân để tiếp tục truy quét nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Liên minh quân sự do QĐ Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu tấn công vào khu vực Canton Afrin
Trước đó, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim xác nhận chiến dịch Cành ô-liu với sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria trên thực địa, đã được khởi động.
Tuy nhiên, truyền thông của SDF đưa tin, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể tạo ra bước tiến đáng kể nào trên chiến trường, ngay cả khi có sự hỗ trợ của không lực và "tung thông tin giả mạo để nâng cao tinh thần của lực lượng đánh thuê cho họ".
Bên cạnh đó, Bộ tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ còn xác nhận binh sĩ đầu tiên của họ đã thiệt mạng hôm 22/1 tại tỉnh Kilis của nước này, khi các quân nhân tham gia chiến dịch Cành ô-liu đụng độ với các tay súng của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng bị Ankara định danh là một tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Bất chấp trở ngại ban đầu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố "không lui bước tại Afrin".
Tờ Independent bình luận, Ankara rất cần một chiến thắng chóng vánh tại Afrin, bởi chiến dịch càng kéo dài lâu thì Thổ Nhĩ Kỳ càng đối diện với sức ép quốc tế phải chấm dứt can thiệp ở Syria.
Hội đồng bảo an đã thảo luận về vấn đề này trong phiên họp ngày 22, nhưng không thông qua quyết định chỉ trích hay yêu cầu Ankara kết thúc chiến dịch của mình.
Tổng thống Erdogan cho biết nước này đã thảo luận về chiến dịch ở Afrin "với những người bạn Nga, và có được đồng thuận với họ". Tuyên bố của ông được cho là hàm ý Moskva chấp thuận một phần hành động của Ankara tại Syria, như một cảnh báo gửi đến Mỹ rằng Washington không nên lợi dụng người Kurd làm lực lượng đại diện tại Syria.