Cuộc giải cứu 13 thành viên đội bóng nhí Lợn rừng của Thái Lan khỏi hang động ngập nước đã kết thúc thành công hơn một tuần trước. Có hơn 150 thợ lặn chuyên nghiệp của cả Thái Lan và nhiều nước tham gia cuộc giải cứu lịch sử gây chấn động cả các chuyên gia lặn chuyên nghiệp nhất.
Tối 16-7, trên chương trình truyền hình Four Corners của đài ABC (Úc), một số thợ lặn quốc tế đã chia sẻ về sự khó khăn, phức tạp và nguy hiểm của chiến dịch giải cứu.
Để ra được hang động, các thợ lặn và các cậu bé phải trải qua hành trình ba giờ nguy hiểm. Hành trình này được chia làm chín đoạn và các thợ lặn Anh phụ trách di chuyển các cậu bé qua những đoạn phức tạp nhất.
Một số đoạn không ngập nước, các cậu bé được tháo mặt nạ lặn ra và được đưa lên cáng di chuyển. Ở các đoạn ngập nước ngập bùn và địa hình eo hẹp, chúng được thợ lặn kèm sát di chuyển trong nguy hiểm. Mỗi cậu bé được hai thợ lặn kèm.
Một cậu bé được đưa lên cáng di chuyển qua đoạn không ngập nước trong hang động Tham Luang. Ảnh: THAI NAVY SEALS
Trước khi chính thức tiến hành giải cứu, các thợ lặn đã phải thực hành trước tại một hồ bơi với một số trẻ em tình nguyện địa phương để xác định các rủi ro có thể nảy sinh.
Anh Jason Mallinson người Anh là một trong những thợ lặn phụ trách đưa các cậu bé ra khỏi một trong số những đoạn nguy hiểm nhất của lối ra, trong tình trạng hang động ngập nước, ngập bùn, tối đen và địa hình cực kỳ phức tạp.
“Đây là một trong những công việc khó khăn, nguy hiểm và rủi ro nhất mà tôi từng làm, không chỉ nguy hiểm đến an toàn cá nhân mình mà cả người tôi có trách nhiệm cứu.
Tôi chưa bao giờ làm công việc nào nguy hiểm thế này và tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ làm điều tương tự. Nhưng đó là lựa chọn duy nhất chúng tôi phải chọn lúc đó và chúng tôi phải làm” – thợ lặn Mallinson nói với các nhà báo.
Một cậu bé được đưa lên cáng di chuyển qua đoạn không ngập nước trong hang động Tham Luang. Ảnh: THAI NAVY SEALS
“Chúng tôi lặn cùng tụi trẻ. Và tùy vào thực tế đoạn dây thừng được lắp đặt thế nào mà chúng tôi giữ chúng bằng tay phải hay tay trái, giữ lưng hay giữ ngực chúng” - thợ lặn Mallinson nói, cho biết tiến trình này “gây áp lực mệt mỏi rất lớn về tinh thần”, đặc biệt trong ngày giải cứu cuối cùng.
“Tôi phải giữ thằng bé sát bên mình vì nếu không đầu nó sẽ bị va vào đá. Nếu cú va mạnh và làm vỡ mặt nạ, nước tràn vào, thằng bé sẽ chết. Vì vậy chúng tôi phải rất cẩn thận bảo vệ đầu tụi nhỏ” – anh Mallinson nói.
Theo anh Mallinson, một cách để bảo vệ đầu tụi nhỏ là choàng đầu mình qua đầu chúng để đầu mình chịu rủi ro va vào đá thay chúng.
“Tầm nhìn rất tệ, không thể nhìn thấy đá cho đến khi va phải nó” – anh Mallinson nói.
Một cậu bé được đưa lên cáng di chuyển qua đoạn không ngập nước trong hang động Tham Luang. Ảnh: THAI NAVY SEALS
“Tôi tự tin sẽ đưa bản thân ra khỏi đó, tôi tự tin không mất lạc sợi dây thừng, tôi tự tin đưa các cậu bé ra khỏi đó nhưng tôi không tự tin 100% sẽ đưa được chúng ra còn sống an toàn” – anh Mallinson thừa nhận.
Thiếu tá Charles Hodges - Chỉ huy phái đoàn cứu hộ Mỹ cũng thừa nhận: “Khả năng thành công thấp. Chúng tôi hoàn toàn đã chuẩn bị tâm lý sẽ có thương vong . Có thể 3, 4, cũng có thể 5 cậu bé sẽ chết”.
Tất cả các cậu bé đều được cho dùng thuốc an thần để không phản ứng sợ hãi quá mức gây nguy hiểm trong quá trình giải cứu. Chi tiết chính phủ Úc phải đề nghị chính phủ Thái Lan miễn trừ trách nhiệm nếu lỡ có bất trắc gì xảy ra khi bác sĩ Úc Richard Harris cho các cậu bé dùng thuốc an thần cho thấy công tác giải cứu nguy hiểm và nghiêm trọng thế nào.
BS Úc Harris là người đã ở cùng đội bóng nhí từ ngày đầu tiên các cậu bé được phát hiện còn sống, phụ trách chăm sóc và kiểm tra sức khỏe các cậu bé.
Đội bóng đá nhí chụp hình cùng di ảnh phác họa của thợ lặn Saman Kunan, cựu đặc nhiệm hải quân Thái Lan thiệt mạng vì thiếu ôxy trong quá trình lặn lắp đặt bình ôxy dọc hang động chuẩn bị cho công tác giải cứu. Ảnh: AP
Truyền thông lúc trước đưa tin BS Harris là người quyết định cậu bé nào được cứu ra trước căn cứ tình trạng sức khỏe, tuy nhiên theo thợ lặn người Úc Craig Challen - bạn ông Harris và cũng tham gia cứu hộ, quyết định này tùy thuộc vào các cậu bé. Đội bóng được thông báo về chiến dịch giải cứu và tự chúng quyết định ai sẽ ra trước.
“Harry không chọn, như tin tức đã đưa. Vì thế tôi nghĩ những đứa trẻ dũng cảm hơn đã chọn ra trước” – theo thợ lặn Callen.
Các cậu bé cúi đầu tưởng niệm thợ lặn Saman Kunan, cựu đặc nhiệm hải quân Thái Lan, thiệt mạng vì thiếu ôxy trong quá trình lặn lắp đặt bình ôxy dọc hang động chuẩn bị cho công tác giải cứu. Ảnh: AP
“Không có ông ấy chúng tôi sẽ không thể thực hiện thành công cuộc giải cứu. Ông ấy sát cánh cùng tụi trẻ, nói chuyện với chúng, vỗ về chúng bình tĩnh lại. Vì thế có thể nói ông ấy là nhân tố cốt lõi làm nên thành công chiến dịch giải cứu” – theo thợ lặn Mallinson.
BS Harris là một trong những người cuối cùng ra khỏi hang sau khi toàn bộ 13 thành viên đội bóng được cứu và nhận được tin bố mình vừa mất trước đó vài tiếng.