Từ thành công trong chiến sự Idlib, Syria
Chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" diễn ra từ 27/2 đến 5/3/2020 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) là một phản ứng cực nhanh và dữ dội trước đà tấn công "như chẻ tre" của Quân đội Arab Syria (SAA) với hậu thuẫn của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria.
Trước ưu thế về phòng không của SAA cũng như sự thống trên bầu trời Syria của VKS, các lãnh đạo của TAF đã quyết định lựa chọn máy bay không người lái (UAV) là chủ lực trong việc yểm trợ đường không.
Theo thông tin mà Ankara cung cấp, bên cạnh một số lượng lớn xe cơ giới của đối phương, hỏa lực tên lửa từ những chiếc UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã vô hiệu hóa ít nhất 8 tổ hợp Pantsir-S1 và Buk-M1-2/M2E của Syria.
Kể từ sau những "chiến tích" ở Idlib tới nay, TAF tiếp tục duy trì song song 2 loại UAV Bayraktar TB-2 và ANKA-S trong các hoạt động quân sự, đặc biệt là chiến trường Libya, nơi Ankara cũng đang tiến hành một cuộc can thiệp rầm rộ tương tự như Syria.
Các hệ thống Pantsir-S1 của LNA bị UAV Thổ Nhĩ Kỳ săn đuổi ở Tarhunah.
Ưu thế của UAV Thổ trên chiến trường Syria và Libya
Với việc nội địa hóa hoàn toàn, Ankara có thể gia tăng nhanh chóng số lượng cũng như chất lượng sản xuất UAV và chủ động đưa chúng tiếp cận các chiến trường khi có yêu cầu.
Mặc dù khó có thể so sánh được với những UAV khét tiếng của Mỹ (MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper) nhưng Bayraktar TB-2 và Anka-S đều có khả năng duy trì độ bền bay trong vòng 24 giờ, cho phép chúng "lảng vảng" trong một thời gian dài "trên đầu" các mục tiêu.
Từ năm 2016, TAF đã triển khai giải pháp hợp nhất yểm trợ hỏa lực của các hệ thống pháo và tên lửa chiến thuật với UAV, theo cách mà người Nga đã thành công với UAV Orlan-10 và pháo 152 mm ở Syria.
Bayraktar TB-2 có tải trọng 55 kg còn ANKA-S, biến thể có khả năng SATCOM (truyền thông tin thông qua vệ tinh) có tải trọng gấp 4 lần, vào khoảng 200 kg.
Với tải trọng "nhỏ bé" nói trên (1/40 nếu so với Su-24 và A-10), UAV thường chỉ mang theo các loại "đạn dược thông minh" với độ chính xác cao. Trong các phi vụ chiến đấu, cả hai UAV đều mang theo đạn thông minh MAM-L và MAM-C do Roketsan chế tạo.
MAM-L, vũ khí mà Ankara tuyên bố sử dụng chính ở chiến trường Idlib nặng 22 kg, có tầm bắn từ 8 đến 14 km được dẫn đường quán tính và bổ trợ bằng định vị GPS với các loại đầu đạn khác nhau bao gồm xuyên giáp, nổ mạnh và nhiệt áp.
MAM-C là một bom thông minh có kích cỡ nhỏ hơn MAM-L, chỉ khoảng 6,5 kg, phù hợp với bộ mục tiêu "mềm" hơn (mục tiêu bộ binh đối phương).
Các tên lửa MAM-L và MAM-C trên UAV Bayraktar TB-2.
"Vỏ quýt dày - móng tay nhọn"
Mặc dù UAV Thổ đang hoạt động rầm rộ ở cả Syria lẫn Libya, nhưng ở cả hai chiến trường này chúng đều phải đối mặt với 2 "vấn đề" xuất phát từ người Nga.
Đầu tiên, các UAV Thổ phải hoạt động trong phạm vi tác xạ của tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga, một khẩu pháo tự hành mang tới 12 tên lửa 57E6 và hai pháo phòng không 2A38M.
Tên lửa 57E6 có tầm bắn tối đa 20 km và độ cao hiệu quả tối đa 15 km, trong khi pháo tự động có thể bao phủ khu vực có tầm bắn 4 km và độ cao hiệu quả tối đa 3 km.
Thực tế diễn ra ở cả Syria lẫn Libya cho thấy để đổi lấy các hệ thống Pantsir-S1 cũ mà Nga bán cho Syria và UAE (viện trợ cho Quân đội Quốc gia Libya - LNA), TAF cũng phải đổi lấy hàng chục chiếc UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Nga cũng không dễ dàng bỏ cuộc trước chiến thuật "bầy UAV" của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một bản nâng cấp gần đây của nhà sản xuất Pantsir-S1, tên lửa đánh chặn 57E6M-E đã được nâng cấp tầm bắn lên 30 km và độ cao tối đa lên tới 18km.
Khác với những tổ hợp Pantsir-S1 đã bị tiêu diệt ở Syria và Libya, tổ hợp Pantsir-SM được cho là đã xuất hiện tại Bani Walid, Libya được trang bị tên lửa có tầm bắn 30 km và hiện đang được sử dụng để phòng thủ căn cứ Khmeimim trước uy hiếp của các UAV.
Nhiều khả năng Nga chưa cung cấp tên lửa nâng cấp cho các đối tác Trung Đông, tuy vậy việc xuất hiện các tổ hợp Pantsir trên thân xe KAMAZ tại căn cứ Bani Walid hôm 25/5 gần như trùng với tin 13 UAV Thổ bị bắn rơi trong 72 giờ đã xác nhận phần nào ưu thế kỹ thuật của nó.
Với các đặc tính kỹ thuật nói trên, một kịch bản hàng loạt UAV Bayraktar TB-2 và ANKA-S bị tiêu diệt ngay trước khi chúng tiếp cận đủ gần để phóng các loại "đạn dược thông minh" MAM-L/C là khá dễ hiểu.
Hơn thế nữa, những chiếc tiêm kích MiG-29 của Không quân Arab Syria (SyAAF) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) cũng sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với UAV Thổ.
Di chuyển trước tiêm kích chiếm ưu thế trên không của Nga, các UAV Thổ trở thành "mục tiêu di động" do không được trang bị khả năng phòng thủ cũng như tấn công không đối không.
Dàn tiêm kích "sát thủ" MiG-29 và màn nhào lộn đỉnh cao trên bầu trời Nga
Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra kỷ nguyên của "UAV chiến"?
Khác với những chiếc UAV đắt tiền của Mỹ thường được sử dụng trong các nhiệm vụ trinh sát hoặc tiêu diệt khủng bố, việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng UAV như một nền tảng tấn công với ưu thế về số lượng đã mở ra cánh cửa để tiếp cận nghệ thuật chiến tranh không người lái thế kỷ 21.
Theo thời gian, các loại UAV hiện đại hơn, với tải trọng lớn hơn sẽ sớm được TAF đưa vào trang bị.
Có thể kể tới chương trình UAV Akinci (Raider) có trọng tải 1.350 kg đủ sức mang theo bom thông minh SOM-A ( nâng cấp từ bom thông thường Mk-82 và MKk-83) hay tên lửa hành trình có tầm bắn 250 km và các tên lửa không đối không Gotkdoğan và Bozdoğan.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều hơn vào Akinci, mở ra các đột phá mới về công nghệ.
Một nguyên mẫu của UAV Akinci.
Hay như UAV Aksungur, một "chân trời mới" giúp tăng vọt khả năng tác chiến chống ngầm của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ nhờ vào khả năng thả các phao sonobuoy và máy dò tìm dị thường từ tính (MAD).
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều vấn đề với các hệ thống không người lái để thay thế các sản phẩm nhập khẩu như UAV tự sát Harop/Harpy 2 hay đạn pháo tầm xa chính xác hơn để phối hợp với UAV trinh sát trong hoạt động quân sự như cách mà người Nga đã làm ở miền đông Ukraine.
Việc tung UAV ồ ạt tham chiến ở Syria và Libya cho thấy Thổ đã trở thành một "cường quốc không người lái" tuy nhiên hành động này cũng có thể trở thành "con dao hai lưỡi".
Các ưu thế hiện tại của Ankara liệu có được duy trì khi các đối thủ có đủ năng lực công nghệ lẫn tài chính đã bắt đầu nghiền ngẫm những "bài học xương máu" và tập trung phát triển các hệ thống "phản UAV" giúp khắc chế chiến thuật của Thổ.
Có lẽ chúng ta sẽ có được câu trả lời về đòn "hồi mã thương" của người Nga khi "giờ G" của cuộc quyết đấu ở tỉnh Idlib đang đến rất gần.
Hệ thống phòng không được cho là Pantsir-SM trên khung gầm xe KAMAZ tại sân bay Bani Walid, Libya hôm 25/5/2020.