Những ngày qua, thông tin cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào một số địa phương Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm. Cơn bão được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất năm, thậm chí là trong 20 năm trở lại đây tại Việt Nam, gây mưa lớn, gió giật mạnh, giông lốc...
BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai nước ta đưa ra khuyến cáo, người dân có thể tích trữ đồ ăn, nước uống, thuốc men hay các nhu yếu phẩm cần thiết trong những ngày mưa bão. Tuy nhiên, chỉ nên tích trữ vừa đủ dùng, không nên tích trữ quá nhiều.
Một số trường hợp do tâm lý, đã tích trữ số lượng lớn vượt xa với nhu cầu. Từ đó rau củ hay thịt bị lưu cữu thời gian dài trong tủ lạnh. Các chuyên gia về thực phẩm đánh giá, điều này là vô cùng không nên.
Bởi lẽ, dù đã được bảo quản trong tủ lạnh, được cấp đông ở nhiệt độ thấp, song các loại rau củ hay thịt vẫn có "hạn sử dụng nhất định". Người dùng nên lưu ý, nắm được các con số này để việc mua, tích trữ thực phẩm không vô tình trở nên lãng phí.
Hạn để rau củ trong tủ lạnh
Các chuyên gia đều có nhận định chung, không nên tích trữ quá nhiều các loại rau củ và không nên bảo quản chúng trong tủ lạnh quá 5 ngày. Việc bảo quản quá lâu cũng khiến rau củ bị suy giảm chất lượng, trở nên kém tươi ngon do nhiễm nhiều độ ẩm từ tủ lạnh.
Ngoài ra, nếu không được đóng gói cẩn thận, chúng còn có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập. Ở một số trường hợp đặc biệt như củ su su, cà rốt, súp lơ, thời gian bảo quản trong tủ lạnh có thể lâu hơn, lên tới 10 ngày.
Ngoài để trong ngăn mát, rau củ cũng có thể được bảo quản trong ngăn đông, thời hạn khoảng 3 tháng. Tuy nhiên không phải loại rau củ nào cũng áp dụng được cách làm này. Một số cái tên nằm trong danh sách phù hợp để cấp đông bao gồm: Ngô, đậu Hà Lan, bông cải xanh, bông cải trắng, cà rốt, đậu xanh, bí, cần tây, rau thơm...
Ngược lại, các loại có lượng nước cao như dưa chuột, bắp cải, củ cải, nấm... thì không nên trữ đông. Sau khi lấy ra từ ngăn đông, người dùng cần sử dụng hết ngay và không nên cho lại vào tủ lạnh.
Khi bảo quản rau củ trong tủ lạnh, tốt nhất người dùng cũng nên phân chia rõ ràng từng loại, đựng riêng trong các túi nilon, túi zip hay hộp nhựa phù hợp, an toàn. Trước khi trữ, không nên rửa rau củ với nước mà chỉ nên lược bỏ bớt những phần bị dập, héo, hỏng.
Hạn để thịt sống trong tủ lạnh
Tương tự như rau củ, dù được bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đông của tủ lạnh, thịt sống cũng có thời hạn nhất định để có hương vị và chất lượng tốt nhất. Nhiều người mặc định cứ bảo quản thịt sống trong tủ lạnh là có thể yên tâm để thịt bao lâu cũng được, song đây là một quan niệm rất sai lầm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: "Thịt để trong tủ đá càng lâu sẽ càng hao hụt dinh dưỡng. Do đó, thói quen để thịt quá lâu và bảo quản không đúng cách thì không chỉ hao hụt giá trị dinh dưỡng mà còn dễ phát sinh nhiều bệnh tật khi ăn”.
Theo các chuyên gia, thời hạn tối đa để bảo quản thịt sống trong tủ lạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như loại thịt, nhiệt độ bảo quản, tình trạng của thịt... Nếu chỉ bảo quản ở ngăn mát, nhiệt độ khoảng 2-4 độ C, thịt chỉ có thể để được tốt nhất trong 3-5 ngày. Tuy nhiên nếu trong ngăn đông, thời gian sẽ được kéo dài gấp nhiều lần. Dưới đây là một số con số người dùng có thể tham khảo:
- Sườn lợn, thịt lợn dính sườn: 4-6 tháng.
- Thịt lợn xay: 3-4 tháng.
- Thăn bò: 6-12 tháng.
- Sườn bò: 4-6 tháng.
- Gà đã chia phần: 6 tháng.
- Gà nguyên con: 12 tháng.
- Gà tẩm bột chiên: 1-3 tháng.
- Thịt nai, thịt hươu: 3-4 tháng.
- Xúc xích, thịt xông khói, giăm bông: 1-2 tháng.
- Nội tạng động vật: 3-4 tháng.
Bên cạnh các loại thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ, nhiều gia đình cũng có thói quen lưu cữu, để lại thức ăn đã chín trong tủ lạnh. Các bác sĩ, chuyên gia đến từ Hệ thống Y tế Thu Cúc đưa ra lời khuyên, lý tưởng nhất chỉ nên để thực phẩm đã chín trong tủ lạnh, nhất là thực phẩm đã qua sử dụng, còn thừa trong bữa ăn, khoảng 1-3 ngày. Đặc biệt nếu phát hiện thực phẩm có các dấu hiệu như mùi lạ, đổi màu, tốt nhất nên bỏ đi ngay.
Thức ăn đã chín khi để trong tủ lạnh cũng cần đặt ở khu vực riêng biệt hoàn toàn với các thực phẩm tươi sống để tránh việc nhiễm khuẩn, nhiễm mùi chéo, ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị dinh dưỡng của các món ăn.
Nếu muốn tích trữ các loại thực phẩm có hạn sử dụng lâu dài, đảm bảo, người dùng hãy tham khảo các loại đồ đóng hộp, đóng gói, trứng, đồ khô... Khi mua hàng cần để ý kỹ hạn sử dụng được ghi trên bao bì.