Theo Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 236.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá hơn 464 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 32% về giá so với cùng kỳ năm 2020. 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, Nga, Ba Lan và Canada.
Riêng thịt lợn, trong tháng 4, Việt Nam nhập khẩu 16.520 tấn thịt ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 36,5 triệu USD, tăng 164% về lượng và tăng 138% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, giá thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam giảm gần 10% so với cùng kỳ, mức giá trung bình của tháng 4 là 2.212 USD một tấn. Tính trung bình mỗi kg thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam có giá hơn 2,2 USD/kg (chưa tính thuế phí), tương đương hơn 50.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa - Dân trí.
Trong 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam, Nga là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất. Theo nhiều doanh nghiệp, thịt lợn Nga nhập nhiều nhờ nước này có thêm nhà máy được vào danh sách được phép xuất khẩu sang Việt Nam. Hơn nữa, quy cách giết mổ, pha lóc thịt lợn Nga tương tự Việt Nam cũng như giá nhập khẩu cạnh tranh.
Liên quan đến tình hình nhập khẩu lợn, mới đây Việt Nam ra thông báo tạm ngừng nhập khẩu lợn sống để giết mổ làm thực phẩm từ Thái Lan vào Việt Nam khi phát hiện lô lợn sống nhập khẩu từ Thái Lan bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, quyết định tạm dừng nhập khẩu lợn từ Thái Lan không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung trong nước bởi lợn nhập khẩu từ Thái Lan chỉ chiếm khoảng 4 - 5% trong tổng đàn của cả nước.