Nguồn cung thịt lợn trong nước đang phải đối mặt với những khó khăn như: Đàn lợn nái, lợn con chết và bị tiêu hủy nhiều trong cao điểm dịch tả lợn châu Phi từ tháng 5 - tháng 7/2019. Những lợn nái không chết cũng bị hạn chế đưa vào phối giống trong giai đoạn này.
Hiện giá thịt lợn trên cả nước vẫn duy trì ở mức cao từ 81.000 - 92.000 đồng/kg. Theo Cục Chăn nuôi thì nguồn cung lợn giống vẫn còn thiếu và giá lợn giống vẫn rất cao từ 2,5 đến 3 triệu đồng/con nên nhiều người chăn nuôi e ngại tái đàn vì sợ rủi ro.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán lợn thịt (Ảnh minh họa)
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed… đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và xuất bán lợn hơi tại trại với giá từ 74.000 - 76.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cho biết vẫn còn một số doanh nghiệp chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán. Đồng thời có những thời điểm không xuất bán, mà nuôi thêm để tăng khối lượng nên ảnh hưởng đến nguồn cung, gồm các doanh nghiệp: Công ty CJ, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Japfa… Động thái này từ các doanh nghiệp góp phần làm cho giá lợn hơi bị đẩy lên cao.
Việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi/giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6 khiến giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm và hiện đang giao động quanh mức 88.000-90.000 đồng/kg tại miền Bắc, 84.000-89.000 đồng/kg tại miền Trung và 84.000-88.000 đồng/kg tại miền Nam.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước nhập khẩu 11.411 con lợn giống các loại (tăng 32,6 lần so cùng kỳ 2019), trị giá gần 8,1 triệu USD (tăng 15,3 lần).
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh tả lợn châu Phi từ 2019 gây khó khăn trong công tác tái đàn cũng như tình hình cung cầu thị trường. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm phải tập trung mọi nguồn lực từ con giống, nguồn vốn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để tái đàn.