"Thịt giả" ở Triều Tiên

N. Thương |

Thức ăn đường phố phong phú đã giúp người dân Triều Tiên tồn tại trong nhiều thập kỷ qua nhưng lại khiến các quốc gia khác khó thấy được tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế lên những người dân thường.

Chỉ cần lấy những phần còn thừa lại sau khi chế biến dầu đậu nành, ép chặt và cuộn thành những mảnh dẹp có màu vàng như cát, nhồi cơm và phủ tương ớt lên, thế là người Triều Tiên có món "injogogi", nghĩa là "thịt tự chế biến".

Món "injogogi" này chính là công thức sinh tồn của người Triều Tiên trong rất nhiều năm. Ngày nay món này vẫn được bán phổ biến ở các khu chợ trời (chợ tự phát) mà người Triều Tiên gọi là jangmadang.

Những người Triều Tiên đào thoát kể rằng ở Triều Tiên có hàng trăm khu chợ như vậy. Chính sự ra đời và mua bán injogogi đã mở ra cánh cửa cho nền kinh tế hàng đổi hàng, giúp Triều Tiên tồn tại qua nhiều năm bị cô lập và trừng phạt.

Một người đào thoát khỏi Triều Tiên năm 2014 tên Cho Ui-sung kể với hãng tin Reuters: "Hồi đó người ta ăn injogogi để lấp đầy bụng thay thịt. Giờ họ ăn đơn giản chỉ vì thích hương vị".

Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã kéo theo sự kiệt quệ của nền kinh tế Triều Tiên và phá vỡ hệ thống phân phối lương thực - thực phẩm tập trung của nước này. Nhiều báo cáo cho rằng khoảng 3 triệu người đã chết đói, những người tồn tại buộc phải trao đổi và sáng chế ra món ăn từ bất cứ thứ gì họ tìm thấy.

Nhưng sự phát triển quá mạnh của các khu chợ trời ở Triều Tiên đã khiến các quốc gia khác không hiểu chính xác thực trạng của kinh tế nước này, đồng thời khiến việc đánh giá tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt lên người dân thường trở nên khó khăn hơn (mặc dù các lệnh trừng phạt không áp dụng đối với hoạt động nhập khẩu lương thực của Triều Tiên).

Các nhà chức trách Bình Nhưỡng nói rằng 70% người Triều Tiên vẫn lấy hệ thống phân phối lương thực tập trung của nhà nước làm nguồn lương thực chính, cũng chính là tỉ lệ mà Liên Hiệp Quốc đánh giá là "bất ổn lương thực".

Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP- chương trình viện trợ lương thực của Liên Hiệp Quốc), hệ thống phân phối tập trung thường cung cấp khẩu phần ăn thấp hơn mục tiêu hằng ngày của chính phủ. Liên Hiệp Quốc đã sử dụng thông tin này để kêu gọi các nước thành viên viện trợ lương thực cho Triều Tiên.

Tuy nhiên các cuộc điều tra và câu chuyện từ những người đào thoát khỏi Triều Tiên lại cho thấy chính những khu chợ tư nhân mới là nguồn lương thực – thực phẩm chính của người dân.

Benjamin Silberstein, một nghiên cứu viên thuộc Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, chuyên nghiên cứu về vấn đề phân loại lương thực ở Triều Tiên, cho biết: "Sẽ rất buồn cười nếu đánh giá việc phân phối thực phẩm ở Triều Tiên bằng cách dựa trên một hệ thống phân phối cũ kỹ đã mất đi tầm ảnh hưởng rất nhiều trong nhiều thập kỷ qua".

Thịt giả ở Triều Tiên - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm một trại trẻ mồ côi năm 2014. Khi lên nắm quyền ông từng tuyên bố rằng đã đến lúc "người dân không phải sống mà thắt lưng buộc bụng nữa". Ảnh: Reuters

Trong khi đó WFP và Tổ chức Lương thực và Nông nghiêp Thế giới (FAO) nói rằng Liên Hiệp Quốc đã và đang dựa trên tất các các nguồn tin có được, kể cả các số liệu thống kê chính thức của chính phủ Triều Tiên. Cả WFP và FAO đều có văn phòng ở Bình Nhưỡng và thường xuyên ghé thăm các nông trại và trạm phân phối lương thực ở Triều Tiên.

Cả 2 tổ chức lương thực lớn của Liên Hiệp Quốc cùng thừa nhận: "Chúng tôi nhận thức được rằng các nguồn tin và dữ liệu của chính phủ Triều Tiên rất hạn chế nhưng đó là những gì tốt nhất mà chúng tôi có hiện nay".

Bên cạnh đó, cả 2 tổ chức cũng cho biết vấn đề chính hiện nay của hệ thống phân phối lương thực chính là quá đơn điệu, lúc nào của chỉ gồm chủ yếu là gạo/ngô, kim chi và đậu nghiền, rất thiết chất béo và protein.

Sống nhờ chợ tư nhân

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, cuối năm ngoái kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,9% - tốc độ nhanh nhất trong 17 năm qua và nhanh hơn bất kỳ nước phát triển nào khác. Đó là nhờ ngành khai thác mỏ, cải cách thị trường và giao dịch với Trung Quốc - thị trường và đối tác lớn nhất của Triều Tiên hiện nay.

Những người đào thoát khỏi Triều Tiên nói rằng nguồn cung lương thực trong các năm gần đây đã cải thiện đáng kể. 8 người đào thoát kể khẩu phần ăn của họ không khác nhiều so với người dân Hàn Quốc. Thực đơn của họ chủ yếu gồm rau cải tự trồng, cơm và thực phẩm sản xuất tại địa phương, nếu nghèo đói thì họ ăn ngô vì giá rẻ hơn nhiều.

Một số người đào thoát có gia cảnh khá giả hơn kể rằng họ ăn khá nhiều thịt nhưng thường chỉ theo mùa vì nguồn năng lượng điện của họ không đủ cho các tủ lạnh bảo quản thịt dài ngày. Thịt heo phổ biến nhất nhưng những người đào thoát cho biết họ cũng từng ăn thịt chó, thịt thỏ và thịt chồn.

Mặc dù vậy, người Triều Tiên nhìn chung vẫn thiếu dinh dưỡng hơn so với người Hàn Quốc. Một nghiên cứu từ năm 2009 cho thấy trung bình trẻ em ở độ tuổi sắp đến trường ở Triều Tiên hiện thấp hơn 13 cm và nhẹ hơn 7 kg so với trẻ em được nuôi dưỡng ở Hàn Quốc.

Thịt giả ở Triều Tiên - Ảnh 2.

Injogogi (sau khi đã nhồi cơm và phủ tương ớt) được bán ở khắp các chợ tư nhân và chợ tạm ở Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Những người đào thoát cũng nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un sau khi lên nắm quyền đã âm thầm nới lỏng các quy định đối với các khu chợ tư nhân.

Một số khu chợ tạm phi pháp được mệnh danh là "chợ châu chấu" do tốc độ dựng và dọn dẹp chạy trốn nhà chức trách "siêu tốc" của họ. Nhưng bên cạnh đó cũng có các khu chợ được buôn bán chính thức miễn là người bán có đóng phí dựng sạp cho nhà nước.

Những món ăn được "sáng chế" như injogogi được bày bán khắp các quầy sạp ở các khu chợ này. Dù không giàu calorie nhưng món này lại được đánh giá giàu protein và chất xơ, giúp phát triển cơ bắp và chống đói. Một đầu bếp đến từ thị trấn Hyesan của Triều Tiên từng lấy bằng tiến sĩ về dinh dưỡng ở Seoul nhận định: "Món này rất giàu protein và lại dễ nhai nữa".

Cũng theo những người đào thoát, những người Triều Tiên sống ven biển thường dùng cá cơm làm nước chấm còn những người vùng nông thôn dùng tiêu cay.

Các khu chợ jangmadang hiện đang được theo dõi từ xa bởi một website Hàn Quốc tên Daily NK do những nhà báo từng đào thoát khỏi Triều Tiên lập ra. Theo trang web này, đến tháng 8 năm nay đã có 387 khu chợ được kinh doanh chính thức tại nước này với hơn 500.000 quầy sạp. Hơn 5 triệu người đang phụ thuộc trực tiếp hay gián tiếp vào các khu chợ này, làm cho vai trò của chúng trong xã hội Triều Tiên ngày càng quan trọng và trở thành phương tiện sống còn không thể tách rời.

Trong năm 2015, GS Byung-yeon Kim ở Trường ĐH Hàn Quốc đã thực hiện khảo sát trên 1.017 người đào thoát khỏi Triều Tiên và nhận thấy chỉ 23,5% người được hỏi nói rằng các kênh phân phối tập trung của chính phủ là nguồn thực phẩm chính của họ.

Có đến 61% những người được hỏi cho biết các khu chợ tư nhân mới là nguồn thức ăn chính của họ, còn 15,5% còn lại nói rằng họ sống nhờ nguồn thực phẩm tự trồng tự cấp. Nếu đúng thật như vậy, hệ thống phân phối tập trung trung tâm hiện tại không có mấy ý nghĩa đối với người Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại