Thịt chim thối lên bàn nhậu thành đặc sản, 750 người ngộ độc tính đến hết tháng 4

Ngọc Vũ |

An toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nhức nhối khi hết thịt lợn ôi thiu lại đến thịt chim thối được đưa lên bàn nhậu. Hết tháng 4, cả nước có 755 ca ngộ độc thực phẩm, 15 người tử vong.

Những nội dung chính trong bản tin an toàn thực phẩm tuần này:

- Hết thịt lợn ôi lại đến chim thối đầu độc bữa ăn người Việt.

- Giải cứu thịt lợn hay giải cứu tầm nhìn?

- Phạt tiền đến 30 triệu đồng khi có hành vi bơm nước vào lợn.

- Tháng 4/2017, 114 người bị ngộ độc thực phẩm.

Thịt lợn hết thời đến chim thối đầu độc bữa ăn người Việt

Thịt chim thối lên bàn nhậu thành đặc sản, 750 người ngộ độc tính đến hết tháng 4 - Ảnh 2.

Những xe thịt lợn chết, thịt lợn hỏng, ôi thiu bị lực lượng chức năng bắt giữ trong quá trình mang đi tiêu thụ là những tin quen thuộc trên mặt báo. Tuần qua là một tuần im ắng của thịt lợn thối do thịt tươi sạch quá quá rẻ, giờ đến những loại thịt có giá trị cao hơn, đó là thịt chim.

Thông tin trên Trí thức trẻ, Công an tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ được gần 1 tạ chim trời không rõ nguồn gốc và bốc mùi hôi thối. Theo đó, tổ cảnh sát đang làm nhiệm vụ thì phát hiện xe khách mang BKS 38B - 010.49 có dấu hiệu nghi vấn.

Qua kiểm tra phát hiện trên xe có giấu 220 cá thể chim các loại có trọng lượng hơn 80kg. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất được giấy tờ kiểm dịch chứng minh nguồn gốc. Điều đáng nói, một số chim đã được làm sạch lông và bốc mùi hôi thối. Số khác thì còn sống nhưng lẫn nhiều cá thể đã chết và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Có lẽ do chế tài xử phạt chưa nghiêm, hoặc có sự buông lỏng của các cơ quan thực thi pháp luật nên chuyện đầu độc người dân qua bữa ăn vẫn ngang hiên tồn tại.

Thịt chim thối lên bàn nhậu thành đặc sản, 750 người ngộ độc tính đến hết tháng 4 - Ảnh 3.

Nhu cầu ăn là nhu cầu cơ bản của mỗi người mà giờ đây việc ăn khó quá, kiếm được đồng tiền đảm bảo nhu cầu bản thân đã khó, giờ đây đi chợ để mua được thực phẩm sạch còn khó hơn giữa mê hồn trận thực phẩm bẩn như vậy. Đã đến lúc cần đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự những vụ đầu độc giống nòi như vậy thì mới đủ sức răn đe, bảo vệ bữa ăn của người dân.

Thịt chim là món ăn yêu thích của nhiều người và nó cũng rất tốt cho sức khỏe. Có nhiều món ăn ngon có thể chế biến từ thịt chim như chim quay, chim hầm thuốc bắc, chim nướng... Những loài chim hay được sử dụng để chế biến món ăn là chim cút, chim bồ câu, chim sẻ.

Giải cứu thịt lợn hay giải cứu tầm nhìn?

Nghe tới từ giải cứu cứ ngỡ như đang có chiến tranh nhưng đây là chuyện có thật giữa thời bình. Những ngày qua, phong trào giải cứu lợn cho người chăn nuôi được nhiều người hưởng ứng.

Nhiều gia đình, trong những ngày nghỉ lễ đã mua hẳn một con lợn giết thịt để liên hoan, chế biến các món ăn hoặc để làm thực phẩm dự trữ ăn dần. Nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể cũng đã vào cuộc để giải cứu đàn lợn cho người chăn nuôi bằng cách tăng cường mua thịt lợn.

Trước đây, đã có lúc chúng ta nhập cuộc giải cứu hành tím, dưa hấu, cà chua, chuối..., đã có lúc bà con nông dân phải vặt chuối, đổ cà chua cho lợn ăn. Không biết có phải vì thế mà giờ lại phải giải cứu cho thịt lợn.

Thịt chim thối lên bàn nhậu thành đặc sản, 750 người ngộ độc tính đến hết tháng 4 - Ảnh 4.

Trớ trêu thay, khi tích cực đưa những chú ỉn lên bàn ăn thì lại là nỗi khổ của của những con vật khác như trâu, bò, cá, gà, vịt…Dạ dày mỗi chúng ta có hạn, ăn thịt lợn thì thôi ăn những con vật kia, chúng chả có tội tình gì.

Hay nên chăng lấy hẳn một tháng trong năm để làm tháng giải cứu, ví dụ như tháng 1 là tháng giải cứu thịt lợn, tháng 2 là tháng giải cứu thịt trâu, tháng 3 là tháng giải cứu dành cho cá…

Nông sản Việt Nam trong tình trạng phải trông đợi vào lòng thương hại của người tiêu dùng trong nước hiện nay lỗi do ai?

Một phần do các cơ quan quản lý đã quá chậm trễ trong việc cảnh báo về qui mô đàn lợn, biến động thị trường và việc quy hoạch các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Một phần nữa là do thói quen nhân đàn theo ý muốn của các hộ nên dẫn tới tình trạng tăng qui mô đàn lợn một cách chóng mặt ngoài tầm kiểm soát.

Khi thịt lợn giảm giá thì dân sẽ không nuôi nữa, số lượng đàn giảm mạnh, vậy đương nhiên mấy tháng nữa sẽ thiếu nguồn cung. Đứng dưới góc độ người kinh doanh thì có lẽ đây là thời điểm thích hợp nhất để thả lứa lợn mới đón đầu đợt thiếu nguồn cung sắp tới chăng?

Nhưng cũng chẳng biết thế nào khi các hộ chăn nuôi làm ăn theo kiểu tự phát. Và ai biết được, khi giá lợn hơi tăng lên, nhiều người lại đổ tiền vào chăn nuôi và cái vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại.

Phạt tiền đến 30 triệu đồng khi có hành vi bơm nước vào lợn

Thịt chim thối lên bàn nhậu thành đặc sản, 750 người ngộ độc tính đến hết tháng 4 - Ảnh 5.

Theo nghị định số 41/2017/NĐ-CP ban hành ngày 5/4/2017 có hiệu lực vào ngày 20/5/2017, hành vi bơm nước động vật trước khi giết mổ nhằm tăng trọng lượng bán kiếm lời sẽ bị xử phạt từ 20 – 30 triệu đồng.

Lợn trước khi đưa đi giết mổ được bơm nước qua đường miệng theo cách cưỡng ép, một lượng nước nhất định sẽ thẩm thấu qua đườn ruột vào máu và thịt. Mỗi con nặng chừng 100kg sẽ được bơm vào từ 10 - 20 lít nước, chủ lò giết mổ thu lợi bất chính khoảng 1-2 triệu đồng/con.

Đây là tin vui đối với người tiêu dùng cả nước bởi bây giờ ra chợ ngoài vấn nạn thịt ôi thiu bị phù phép bằng hóa chất thành tươi mới thì việc các lò mổ bơm nước vào lợn trước khi giết mổ nhằm tăng trọng lượng kiếm lời cũng khá phổ biến, đặc biệt là ở các tỉnh phía nam.

Vấn nạn này dai dẳng, nhức nhối bao năm nay mặc dù trước đó cũng có nghị định về xử phạt hành vi này nhưng chưa đủ sức răn đe. Hy vọng với nghị định mới tăng mức xử phạt sẽ làm chùn tay bơm của những người mổ lợn, nhen nhóm chút niềm tin cho người tiêu dùng trong bối cảnh thực phẩm bẩn lan tràn như hiện nay.

Tháng 4/2017, 114 người bị ngộ độc thực phẩm

Báo cáo công tác y tế tháng 4/2017 của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 4/2017, trên cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm làm 114 người mắc, 109 người đi viện, không ghi nhận trường hợp nào tử vong. Còn tính chung trong 4 tháng từ ngày 18/12/2016 đến 17/4/2017, trên địa bàn cả nước xảy ra 29 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 755 người bị ngộ độc, trong đó 15 trường hợp tử vong.

Nguyên nhân của các vụ ngộ độc có 3/8 vụ xảy ra do vi sinh vật, 2/8 vụ do độc tố tự nhiên, 3/8 vụ chưa xác định được nguyên nhân.

Trước đó, cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong quý I/2017, toàn thành phố có 750 đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP, tiến hành kiểm tra hơn 38.000 cơ sở, phát hiện gần 6.800 cơ sở vi phạm ATTP, xử lý hơn 6.200 cơ sở, trong đó phạt tiền 1.758 cơ sở với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP trị giá lên tới 1,3 tỷ đồng.

Riêng thanh tra chuyên ngành ATTP có 65 đoàn, tiến hành xử phạt các lỗi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; khám sức khỏe định kỳ, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, không đảm bảo ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại