Thiếu vắng T-14 Armata, Quân đội Nga nối lại "tình xưa" với T-90
Chia sẻ với kênh truyền hình Zvezda trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết, biến thể mới nhất của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 - T-90M "Proryv-3" đã hoàn tất các bài kiểm tra cấp nhà nước do Bộ Quốc phồng Nga đề ra.
Thứ trưởng Alexei Krivoruchko còn tiết lộ, trong thời gian sắp tới T-90M "Proryv-3" sẽ bắt đầu được đưa vào trang bị cho một số đơn vị thiết giáp chủ lực của Quân đội Nga.
Xe tăng T-90M "Proryv-3" (đi đầu) trong một cuộc tập trận của Quân đội Nga vào năm 2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Dự kiến lô xe tăng T-90M đầu tiên được chuyển cho Quân đội Nga sẽ gồm 60 chiếc, tuy nhiên phía Tập đoàn Uralvagonzavod lại không nói rõ số xe tăng trên được sản xuất mới hay nâng cấp từ những chiếc T-90 cũ mà Quân đội Nga đang sử dụng
Việc xe tăng T-14 Armata chưa thể được đưa vào trang bị chính thức trong tương lai gần đã buộc Bộ Quốc phòng Nga phải tìm đến T-90M "Proryv-3" như một giải pháp tình thế để có thể tăng cường sức chiến đấu cho các sư đoàn thiết giáp chủ lực của họ trong thời gian ngắn, với chi phí thấp nhất có thể.
Giải pháp này về cơ bản vừa giúp Quân đội Nga cải thiện khả năng chiến đấu tác chiến của đơn vị thiết giáp chủ lực, vừa đảm bảo ngân sách cho kế hoạch đưa vào trang bị xe tăng T-14 Armata trong tương lai khi nó đã sẵn sàng.
Mặt khác với T-90M "Proryv-3", Quân đội Nga có thể tha hồ thử nghiệm và đánh giá các công nghệ mới mà họ đã đưa vào T-14 Armata, bởi cấu hình vũ khí của hai dòng xe tăng này có nhiều điểm tương đồng.
Cần phải nói rõ là, không cần đợi tới bản nâng cấp Proryv-3, các phiên bản T-90 trước đây của Nga luôn nằm trong top 10 những dòng xe tăng tốt nhất thế giới bên cạnh những cái tên như Leopard-2 của Đức, Leclerc của Pháp, Merkava của Israel, Black Panther của Hàn Quốc và Abrams của Mỹ.
Biến thể mạnh nhất của dòng xe tăng T-90
Theo Thứ trưởng Alexei Krivoruchko, một trong những điểm tạo nên sự khác biệt của T-90M "Proryv-3" so với các phiên bản trước đó chính là việc nó được trang bị hệ thống truyền dẫn dữ liệu số theo thời gian thực, giúp kết nối mọi chiếc xe tăng vào bên trong một hệ thống quản lý tác chiến thống nhất, từ đó giúp chúng phối hợp với nhau trên chiến trường hiệu quả hơn.
Với hệ thống này kíp chiến đấu trên mỗi xe tăng có thể trao đổi về mục tiêu, chiến thuật và cách phân bố đội hình với trung tâm chỉ huy hoặc giữa các xe, thậm chí nó cũng có thể gửi các dữ liệu về mục tiêu cho các xe tăng "đồng minh".
T-90M "Proryv-3" hiện là biến thể mạnh nhất của dòng xe tăng T-90. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Xe tăng T-90M "Proryv-3" được trang bị pháo nòng trơn 125mm 2A82-1M giống như của siêu tăng T-14 Armata. So với mẫu pháo của 2A46M-5 của các phiên bản T-90 trước đó, 2A82-1M có kích thước nòng dài hơn, buồng đạn được mở rộng và máy nạp đạn tự động cũng được cải tiến cho phép T-90M có thể bắn được các loại đạn chống tăng nối tầng.
Để có thể mang theo pháo 2A82-1M cùng với sự thay đổi trong thiết kế buồng đạn và máy nạp đạn tự động, T-90M có thiết kế tháp pháo lớn hơn một chút so với phiên bản T-90A hay T-90MS nhưng về tổng thể vẫn đảm bảo nó không thành mục tiêu "dễ xơi" trên chiến trường.
Việc sử dụng pháo 2A82-1M cũng giúp T-90M có thể sử dụng các loại đạn pháo 125mm đặc biệt trên T-14 Armata, cụ thể như đạn dẫn đường với đầu nổ được lập trình.
Không chỉ sở hữu súng "to", T-90M còn được trang bị giáp "khủng", khả năng chiến đấu của nó chỉ xếp sau T-14 Armata. Ảnh: TASS.
Bên cạnh sức mạnh hỏa lực, khả năng phòng vệ của T-90M cũng cao hơn các phiên bản trước đó, các thiết kế sư của Uralvagonzavod đang trang bị cho mẫu xe tăng này hệ thống giáp phản ứng nổ (ERA) thế hệ mới "Relikt" thay cho mẫu giáp ERA "Kontakt-5".
Giáp "Relikt" được đánh giá có khả năng bảo vệ xe tăng tốt hơn "Kontakt-5" trước các loại đạn chống tăng xuyên giáp động năng mang đầu nổ kép, dựa trên các thử nghiệm với một số mẫu đạn xuyên giáp, khả năng bảo vệ của "Rellikt" cao hơn "Kontakt-5" từ 5-6 lần.
Ngoài biện pháp phòng vệ thụ động như sử dụng giáp "Rellikt", T-90M còn được trang bị hệ thống phòng vệ chủ động "Arena-M" với khả năng vô hiệu hóa các đòn tấn công bằng tên lửa chống tăng dẫn đường, đạn xuyên giáp, đạn chống tăng của đối phương trước khi chúng kịp chạm đến lớp giáp đầu tiên của xe tăng.
Cụ thể, "Arena-M" có khả năng phát hiện sớm các mối đe dọa đối với xe tăng từ xa sau đó tính toán đưa ra giải pháp đánh chặn các mối đe dọa này bằng các đầu nổ định hướng được bố trí xung quanh xe. Tuy nhiên, giống như nhiều hệ thống phòng vệ chủ động khác, "Arena-M" không có khả năng đánh chặn các mẫu đạn xuyên giáp động năng.
Điểm nhấn cuối cùng trong thiết kế của T-90M là việc nó được trang bị động cơ diesel mới V-92S2F có công suất 1130 mã lực. Với động cơ V-92S2F, xe tăng có tính cơ động tốt hơn và có khả năng hoạt động trên nhiều loại địa hình.
Một bổ sung quan trọng khác giúp tăng cường khả năng chiến đấu của T-90M chính là việc nó được trang bị thêm một máy phát điện diesel cỡ nhỏ có thể cấp điện cho các thiết bị điện tử trên xe trong trường hợp động cơ chính không hoạt động.
Trần Đại Nghĩa không sáng chế súng Bazooka, vậy thì ông làm gì?