Theo các chuyên gia, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, với nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều trẻ em đã không được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine phòng bệnh cần thiết, dẫn đến có thể mắc bệnh trong thời gian tới nếu không tiêm bù các vaccine đó. Trong đó, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây quá tải y tế nếu lây lan mạnh như sởi, cúm, thủy đậu, Rotavirus…
Thực tế đáng lo ngại là tình trạng “cạn kiệt” một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Ngay ở thành phố lớn như TP.HCM, cụ thể, Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước đã hết vaccine 5 trong 1 miễn phí để tiêm cho trẻ từ ngày 20/12/2022. Từ cuối tháng 4/2023, vaccine PDT (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho các trẻ từ 18-24 tháng tuổi cũng đã không còn.
Nhiều bậc phụ huynh đã không thể chờ đợi và buộc phải lựa chọn tiêm dịch vụ đắt đỏ cho con. Song chính các bác sĩ cũng phải trăn trở khi việc thiếu vaccine miễn phí sẽ ảnh hưởng lớn tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
(Ảnh minh họa)
Các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ em, cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng và cả những vaccine chưa có trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc tiêm chủng phòng bệnh không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.
Do đó, việc thiếu một số loại vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng do vướng thủ tục, cần sớm được giải quyết để mọi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ.
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ cần được tiêm phòng một số bệnh truyền nhiễm cơ bản như: Vaccine cúm; vaccine phòng sởi; vaccine phòng bệnh quai bị; vaccine phòng thuỷ đậu; vaccine phòng tiêu chảy do Rota virus; vaccine phòng viêm não Nhật Bản; vaccine phòng viêm màng não do não mô cầu; vaccine phòng viêm phổi, hội chứng nhiễm trùng, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm tai giữa cấp tính do phế cầu khuẩn…
“Nhiều bệnh truyền nhiễm hiện đã có thể phòng ngừa bằng việc tiêm chủng. Với một số bệnh, nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ”, TS.BS Lê Kiến Ngãi nhấn mạnh.
Trước thực trạng vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng đang thiếu trầm trọng hiện nay, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, tìm phương án đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán về giá. Các địa phương căn cứ vào đó để mua sắm; chấm dứt tình trạng thiếu vaccine đang diễn ra.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng vừa có hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cụ thể: Trẻ sơ sinh tiêm vaccine viêm gan B; trẻ dưới 1 tuổi tiêm vaccine: BCG, bOPV, DPT-VGB-Hib, IPV, Sởi; trẻ từ 1- 5 tuổi tiêm viêm não Nhật Bản B; trẻ 18 - 24 tháng tiêm vaccine sởi - rubella, DPT; phụ nữ có thai tiêm vaccine uốn ván.
Thời gian tới, một số vaccine khác cũng sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: Vaccine IPV mũi 2 (tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc) cho trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi; vaccine phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; vaccine Rota cho trẻ dưới 1 tuổi.
Riêng với vaccine phòng COVID-19, PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch trong đó có việc tiêm vaccine phòng COVID-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng và lịch tiêm tiêm nhắc, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo đợt hoặc định kỳ, tiến tới đưa vào tiêm chủng thường xuyên để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, đồng thời tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đạt được độ bao phủ vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao./.