Thiếu tướng Trung Quốc: Bắc Kinh còn có cách thứ ba để thống nhất Đài Loan

An An |

Giới chuyên gia cho rằng, ngoài thống nhất Đài Loan theo phương thức hòa bình hoặc sử dụng vũ lực, Bắc Kinh còn con đường thứ ba.

Bắc Kinh gần đây đã tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan, khiến thế giới lo lắng về việc liệu nước này có tấn công Đài Loan hay không. Ví dụ, máy bay quân sự của không quân Trung Quốc bay qua eo biển và đi vào vùng nhận dạng phòng không Đài Loan.

Ngoài ra, Thủy quân lục chiến Trung Quốc thường xuyên tiến hành huấn luyện tác chiến liên hợp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng yêu cầu lực lượng này dành toàn bộ tâm trí và sức lực để chuẩn bị cho chiến tranh và duy trì mức độ cảnh giác cao khi ông thị sát căn cứ quân sự ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Nhiều kênh truyền thông cho rằng, ông Tập đang yêu cầu quân đội Trung Quốc (PLA) chuẩn bị xung trận.

Đặc biệt, việc PLA triển khai tên lửa siêu thanh Dongfeng-17 tiên tiến nhất ở khu vực ven biển phía đông nam đã làm gia tăng đáng kể suy đoán của giới truyền thông rằng Bắc Kinh sẽ phát động chiến tranh với Đài Loan.

Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP-Hồng Kông) ngày 18/10, động thái quân sự Bắc Kinh nhằm vào Đài Loan không đồng nghĩa họ sẽ tấn công Đài Loan, mà chỉ là phát đi tín hiệu đe dọa.

"Trung Quốc đang thúc đẩy một chiến lược mới, thận trọng tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan nhưng không đến mức kích động một cuộc chiến thực sự", SCMP nhận định. "Sự thay đổi trong chiến lược quân sự của Bắc Kinh diễn ra khi Đài Loan và Mỹ đang xích lại gần nhau hơn, bao gồm chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar tới hòn đảo vào tháng 8. Ông là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan trong khoảng 40 năm, và Bắc Kinh cho rằng đây là hành động vi phạm lợi ích cốt lõi của nước này".

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Viện Rand, chỉ ra rằng các hành động quân sự của Trung Quốc phần lớn nhằm mục đích khiến chính quyền Đài Loan mất phương hướng, dẫn đến việc đưa ra chính sách hoặc phản ứng sai lầm. Ví dụ: máy bay quân sự Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan khiến hòn đảo rất khó xác định liệu các hành động quân sự cụ thể của Trung Quốc có thực sự gây ra chiến tranh hay không.

Ông cũng nói rằng các hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan mang tính đe dọa nhiều hơn, mục đích dần dần khiến Đài Loan phải "khuất phục".

Timothy R. Heath, một nhà phân tích cấp cao khác tại Viện Rand, cũng tin rằng Bắc Kinh hy vọng có thể dùng hình thức đe dọa hòa bình và an ninh, buộc hòn đảo chấp nhận thống nhất, như vậy nguy cơ chiến tranh sẽ giảm tới mức thấp nhất.

Tuy nhiên, theo ông Heath, Bắc Kinh không có động cơ để phát động một cuộc chiến tranh thống nhất Đài Loan do các vấn đề kinh tế và chính trị trong nước - một phần là do họ đang xử lý đại dịch Ciovid-19.

Ông nói: "Mặc dù Bắc Kinh có thể sẵn sàng phát động một cuộc khủng hoảng quân sự, nhưng điều đó hoàn toàn tách biệt với việc sẵn sàng mạo hiểm cho một cuộc chiến tranh lớn".

Theo ông, đối với Trung Quốc, vấn đề kinh tế và chính trị trong nước quan trọng hơn nhiều nên chiến tranh sẽ chỉ làm cho tất cả các vấn đề đó trở nên tồi tệ hơn.

Các nhà quan sát Trung Quốc đại lục cho rằng, việc tăng cường áp lực quân sự có thể giúp Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo, đe dọa hòn đảo và đáp lại tình cảm dân tộc trong nước.

"Tình hình của Đài Loan về cơ bản đã thay đổi, và khả năng thống nhất hòa bình ngày càng nhỏ… Nhưng giữa hòa bình và chiến tranh, có một cách thứ ba - dùng đe dọa vũ lực để buộc Đài Loan khuất phục. Điều này có thể làm giảm thương vong ở mức độ lớn và giảm thiểu chi phí quân sự", Thiếu tướng Vương Tại Hy, hiện là Hội phó Hội nghiên cứu Đài Loan toàn quốc Trung Quốc nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại