Thiếu tiền, dự án 41 nghìn tỉ có thể "đóng cửa" trong vài tháng tới?

Phạm Dung |

Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng mức đầu tư hơn 41 nghìn tỉ đồng đã đạt hơn 84% tiến độ công việc. Song dự án này đang đối mặt với nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ hoặc có thể phải đóng cửa do thiếu vốn.

Ngày 23.7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp tại Thái Bình về tìm giải pháp tháo gỡ cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, tổng thầu của dự án này là Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) “thực sự đã tan nát”. Nhiều cán bộ của đơn vị này liên tục dính phải lao lý, bị khởi tố trong thời gian qua.

Chính vì vậy, ông Thanh cho biết, thực chất tập đoàn PVN đang “nhảy vào cuộc” thay PVC để trực tiếp điều hành và vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Thiếu tiền, dự án 41 nghìn tỉ có thể đóng cửa trong vài tháng tới? - Ảnh 1.

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: PD.

Ông Trần Sỹ Thanh cũng nêu những khó khăn lớn nhất của dự án nhiệt điện Thái Bình 2 ở thời điểm hiện tại. Theo đó, PVN đang bị vướng Quyết định 2414/QĐ-TTg.

Điểm nổi bật nhất của QĐ 2414 chính là làm đến đâu thanh toán đến đó, hay còn gọi là cơ chế thực thanh thực chi.

Nghĩa là, dù doanh nghiệp có là tổng thầu EPC một dự án lớn nào đó nằm trong danh mục thực hiện theo QĐ 2414, thì cũng không có toàn quyền quyết định đối với các phần việc thi công lắp đặt của dự án.

"Không có một tổng thầu EPC nào trên thế giới giống Việt Nam, thực hiện cơ chế thực thanh thực chi.

Điều gây ra khó khăn cho quá trình thành toán đồng thời để lại hậu quả lâu dài, thậm chí kéo dài đến 5-10 năm nữa... Cơ chế hiện nay đang đẩy cán bộ của tập đoàn PVN luôn luôn ở trong tình trạng rủi ro pháp lý", ông Thanh nói.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là điển hình của một dự án trải qua nhiều thời kỳ, với sự thay đổi của hệ thống pháp luật, hồ sơ pháp lý không rõ ràng. Thêm vào đó, sự yếu kém của PVC đã dẫn đến việc thanh quyết toán rất khó khăn.

Về tài chính, dự án được cấp vốn theo cơ cấu 30/70 (vốn vay/vốn chủ sở hữu). Việc giải ngân vốn vay nhà nước ngoài còn lại và tìm kiếm nguồn vay gần như không thể. Trong quá trình thực hiện dự án, các lãnh đạo của Tổng thầu PVC có nhiều sai phạm hình sự hoá và bị khởi tố.

Theo điều lệ của hợp đồng tín dụng, bất kỳ dự án nào liên quan đến pháp lý thì sẽ bị cắt tín dụng, toàn bộ việc vay tín dụng của dự án này là không còn.

Vì vậy, PVN kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho Dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Tuy nhiên kiến nghị này của PVN vẫn chưa được chấp thuận.

Ông Sỹ Thanh khẳng định: “Nếu không có tiền thì dự án sẽ đóng cửa trong vài tháng tới.”

Trong quá trình dự án ngừng trệ, ông Sỹ Thanh cũng cho biết, các cán bộ thực hiện dự án đều rơi vào tình trạng hoang mang, đã có nhiều người tài bỏ đi.

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về sử dụng nguồn tiền này nhưng hãy bật đèn xanh cho chúng tôi đi…

Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương về mặt kỹ thuật, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước về nguồn vốn sử dụng. Nhưng hãy cho chúng tôi cơ chế để làm, cho đường để chúng tôi đi”, ông Sỹ Thanh khẳng định.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC.

Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỉ đồng (1,2 tỉ USD đội vốn thêm 6.000 tỉ đồng), thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-TTg, ngày 11.12.2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này cũng từng là tâm điểm khiến nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại