Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mở cửa phục vụ miễn phí tham quan trong 3 ngày. Thời tiết ở Huế dịp Tết cũng khá đẹp khi nhiệt độ quanh ngưỡng 20 độ C. Trời se lạnh và không có mưa, rất thích hợp cho việc du xuân.
Các chương trình nghệ thuật được tổ chức trước điện Thái Hoà. Bên cạnh đó còn có các hoạt động hấp dẫn như múa ngũ hổ, lễ đổi gác, lễ hạ nêu. Dẫu vậy, lượng người người đến với Đại Nội Huế vẫn không đông như mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vì thế, người dân, du khách có thể thoải mái tham quan, chụp ảnh mà không phải chen chúc hay xếp hàng chờ đợi.
Du khách còn có thể thuê trang phục để hoá thân thành vua, chúa khi xưa. Trong ngày mùng một Tết Nguyên Đán, không khí diễn ra vui vẻ, bình yên.
Nguyệt Linh, 28 tuổi, sống gần Đại Nội Huế nên chọn du xuân một mình để cảm nhận không khí Tết cổ truyền của cha ông xưa. Do vắng vẻ hơn mọi năm nên Linh cảm thấy thư thái, thanh bình.
Nguyệt Linh có chút tiếc nuối vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có các trò chơi của các công chúa, hoàng tử khi xưa. Tuy vậy, cảnh sắc hoàng cung rực rỡ cùng hoa và cây cảnh đâm chồi nảy lộc giúp Linh như được tiếp thêm năng lượng.
Tương tự, không khí tại chùa Khánh Vân (Thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) cũng diễn ra khá thanh bình. Từ lâu, việc đi chùa đầu năm đã là một phong tục đẹp của người dân Huế.
Năm nay, chùa Khánh Vân được trang hoàng bằng những chậu hoa rực rỡ. Mọi người thoải mái chụp ảnh tại các tiểu cảnh mang đậm hương vị Tết.
Một sư thầy còn ngồi viết chữ thư pháp để tặng cho du khách vãn cảnh chùa.
Thuỳ Linh, 16 tuổi, cho biết em đã 3 năm liền đi chùa vào ngày mùng 1 Tết. Sau một năm đại dịch, tình hình kinh tế khó khăn hơn nhưng em vẫn cảm thấy vui khi đón Tết cổ truyền. Tới chùa, Linh cầu mong cho bản thân và gia đình sức khoẻ, hạnh phúc và mong cho mình được sống một cuộc đời an yên.