Thiếu nhạc trưởng phát triển ngành dược - Chậm nhịp, yếu thế

NHÓM PV |

LTS: Những năm gần đây, ngành dược Việt Nam có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ nguồn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp (DN) trong nước cũng như nước ngoài. Dù được đánh giá có nhiều cơ hội phát triển, nhưng ngành dược lại gặp nhiều thách thức khi nguồn nguyên liệu phụ thuộc từ nước ngoài, công tác nghiên cứu và phát triển các loại thuốc bằng sáng chế còn hạn chế và chỉ có thể sản xuất thuốc gốc… khiến ngành dược mãi chưa vươn tầm.

Các doanh nghiệp dược trong nước đã sản xuất được nhiều loại thuốc phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân nhưng giá trị sản phẩm, hàm lượng chất xám không cao.

Chủ yếu dừng ở mức… thử nghiệm

Đầu năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, nhu cầu thuốc cho điều trị dịch bệnh này tăng cao, Bộ Y tế đã quyết định cấp đăng ký lưu hành 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước cho 3 DN: Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty CP Hóa dược phẩm Mekophar và Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm - chi nhánh 1. Việc những DN này được ủy quyền và cấp phép sản xuất thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir là bước tiến mới của ngành dược Việt Nam, vì đây là một loại thuốc mới của thế giới vẫn trong đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm. Dù được sản xuất tại Việt Nam nhưng toàn bộ nguyên liệu để bào chế thuốc Molnupiravir phải nhập khẩu từ Ấn Độ, nên dù là sản phẩm mới của DN trong nước nhưng giá trị thực tế không cao.

Thiếu nhạc trưởng phát triển ngành dược - Chậm nhịp, yếu thế - Ảnh 1.

Nhân viên một công ty dược đang đóng gói thuốc thành phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cũng vào thời điểm đó, Viện Hóa sinh biển thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và công bố thành công việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot (quy mô lớn hơn so với phòng thí nghiệm, nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất). Tuy nhiên đến nay, hoạt chất Molnupiravir vẫn phải nhập khẩu, chưa thể sản xuất được dù Viện Hóa sinh biển đã ký kết hợp đồng chuyển giao quy trình sản xuất Molnupiravir quy mô pilot cho một công ty dược phẩm với mong muốn nhanh chóng có thuốc Molnupiravir của Việt Nam.

Trong khi đó, Viện Hóa học lại nghiên cứu tổng hợp thành công hợp chất Nitazoxanide ở quy mô pilot dùng để bào chế thuốc điều trị Covid-19 ở thể nhẹ và trung bình. GS-TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học, cho biết, quy trình tổng hợp Nitazoxanide đạt hiệu suất cao chỉ qua 2 bước phản ứng từ nguyên liệu giá rẻ. Đây là loại thuốc generic (thuốc gốc) với giá thành thấp, sử dụng đường uống, an toàn và phù hợp để thực hiện ở Việt Nam. Do đó, viện đã ký hợp đồng nguyên tắc để chuyển giao công nghệ cho một DN và đề xuất thử nghiệm lâm sàng thuốc Nitazoxanide giá rẻ để điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình tại nhà.

Nhiều sản phẩm chống dịch Covid-19 "made in Việt Nam" xây dựng được quy trình tổng hợp quy mô phòng thí nghiệm, thậm chí nghiên cứu thành công giai đoạn tiền lâm sàng thuốc thử nghiệm điều trị Covid-19 từ thảo dược… Song, kết quả nghiên cứu vẫn chỉ nằm ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa được đưa ra thử nghiệm thực tế.

Phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài

Nhìn nhận về thực tế ngành dược Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), đánh giá, một trong những thách thức khiến cho ngành dược Việt Nam chưa phát triển mạnh là do nguồn nguyên liệu. Hiện vẫn còn hơn 90% nguyên liệu hóa dược (kể cả hoạt chất và tá dược) tại Việt Nam đều phải nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Có rất ít đơn vị sản xuất được nguồn nguyên liệu để tạo ra dược phẩm, chỉ mới sản xuất dược một số tá dược, nguyên liệu hóa dược vô cơ, cao dược liệu, Terpin, DEP, Taurin, Berberin, Curcumin…

Thiếu nhạc trưởng phát triển ngành dược - Chậm nhịp, yếu thế - Ảnh 2.

Sản xuất thuốc tại Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam. Ảnh: PHAN LỘC

Ngay như Công ty CP Dược Hậu Giang - DN dẫn đầu thị trường dược phẩm Việt Nam, chiếm 14% thị phần thuốc sản xuất trong nước, cũng phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài; hay Công ty CP Imexpharm cũng phải nhập khẩu 50% nguyên liệu. Theo khảo sát của Vietnam Report - một công ty hàng đầu về báo cáo, đánh giá xếp hạng DN, cho thấy, 90% DN dược tại Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài và trở thành một trong những rào cản lớn nhất hiện nay. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành dược dễ chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như biến động tỷ giá hay những cú sốc về nguồn hàng cung cấp. Cùng với đó, nhập khẩu nguyên liệu khiến chi phí đầu vào cao, giá thành sản xuất cũng bị đội lên. Thực tế, giá thành thuốc của Việt Nam cao hơn 20%-25% so với Trung Quốc, Ấn Độ.

Mặt khác, khi phụ thuộc vào nguồn thuốc nhập khẩu thì ngành dược Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng lao đao trong trường hợp chuỗi cung ứng nguyên liệu, thuốc từ các nước bị đứt gãy. Đơn cử như mới đây, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương xảy ra tình trạng thiếu thuốc gây tê nha khoa - loại thuốc phải nhập khẩu từ Pháp và Canada. Trước đó, Việt Nam cũng khan hiếm dịch truyền Dextran 40 hoặc Dextran 70 trong điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết. Đây là loại thuốc Việt Nam chưa sản xuất được và việc nhập khẩu thuốc gặp phải nhiều khó khăn do nguồn cung từ Thái Lan bị gián đoạn.

Theo đánh giá của Cục Quản lý dược, hiện việc sản xuất thuốc trong nước vẫn còn một số hạn chế như các DN vẫn chưa có nhiều nghiên cứu sản xuất nguyên liệu với dược liệu trong nước, chủ yếu dưới dạng dược liệu chế biến thô hoặc dạng cao, cũng như chưa chiết xuất được các hoạt chất tinh khiết. Các cơ sở sản xuất thuốc chủ yếu đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế đơn giản, không đầu tư, áp dụng công nghệ để sản xuất các dạng bào chế hiện đại. Việc đầu tư còn trùng lắp, sản xuất thuốc có giá trị thấp, các dây chuyền sản xuất đơn giản, chủ yếu tập trung các loại thuốc thông thường và "nhái" mẫu mã…

Theo thống kê của Viện Dược liệu, hiện nước ta ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm. Song, dù có tiềm năng lớn, nhu cầu lớn nhưng ngành dược liệu phát triển chưa đúng tầm. Trong đó, khâu chế biến còn bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng, khai thác dược liệu còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động. Nhiều loại dược liệu được nuôi trồng không theo quy trình, quy hoạch làm giảm chất lượng. Việc khai thác quá mức theo kiểu tận diệt khiến nhiều loài dược liệu có nguy cơ biến mất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại