Thiếu người làm việc do dịch, doanh nghiệp xoay đủ cách

Phạm Diệp |

Trước tình hình số lượng F0, F1 tăng cao khiến lực lượng sản xuất bị thiếu hụt nghiêm trọng, các cấp Công đoàn TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp tìm mọi giải pháp khắc phục, không để đứt gãy sản xuất.

Những ngày gần đây, số lượng ca mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội được ghi nhận mỗi ngày lên tới trên 20.000 ca. Do các ca F0 liên tục tăng cao, phải thực hiện cách ly điều trị, kéo theo các F1 phải cách ly theo dõi sức khỏe, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội đã bị thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực làm việc.

Cán bộ quản lý xuống làm công nhân

Ông Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội, cho biết các DN thuộc ngành đang "kêu trời" vì thiếu người làm. "Chúng tôi vừa xuống thăm một công ty có 1.200 công nhân (CN) thì khoảng 400 người F0.

Đơn vị nhiều nhất có 5.000 lao động thì hơn 1.000 người F0. Đã có 36 DN có CN mắc Covid-19. Tính đến thời điểm này, ngành Dệt - May Hà Nội có gần 6.000 CN là F0, 700 CN là F1 trên tổng số 18.000 CN. Tình hình các DN rất khó khăn vì thiếu nhân công" - ông Hoàng Thanh Sơn nói.

 Thiếu người làm việc do dịch, doanh nghiệp xoay đủ cách  - Ảnh 1.

Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam phải tuyển dụng thêm lao động, bù cho số nhân sự bị thiếu

Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) có 500 CN. Theo ông Nguyễn Minh Sơn - quyền Trưởng Phòng Sản xuất, Chủ tịch Công đoàn công ty - từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã có gần 50% CN phải tạm nghỉ việc do là F0, F1, hiện công ty chỉ còn hơn 200 CN làm việc, điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của DN khi mà các vị trí trong nhà xưởng đều bị thiếu hụt.

"Khắc phục khó khăn, công ty bố trí các cán bộ quản lý tham gia hỗ trợ một phần công việc phụ trợ, có người đứng vị trí thay CN nghỉ do F0 nhằm bảo đảm lượng hàng sản xuất bị thiếu hụt ít nhất. Đồng thời, công ty cũng điều chỉnh lượng xuất hàng, giảm đến 40%" - ông Sơn chia sẻ. Còn tại Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam (huyện Sóc Sơn), theo ghi nhận đã có 2.000/4.000 lao động là F0, chiếm khoảng 50%.

"Trước đây các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà nhưng do thiếu nhân lực nên tuần vừa qua các trường hợp F1 vẫn đến làm việc. Nhằm bảo đảm phòng chống dịch, hằng ngày công ty đều test nhanh Covid-19 để sàng lọc. Trong ca làm việc bảo đảm giãn cách trên 2 m, hạn chế giao tiếp" - ông Sơn thông tin.

Tại Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất, huyện Quốc Oai), do có hơn 1.000/5.300 CN là F0 nên nhà máy bị thiếu nhân lực trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Để duy trì sản xuất, công ty phải gấp rút tuyển dụng các vị trí quan trọng.

"Trước đây, công ty tuyển dụng theo tuần thì nay phải tuyển dụng hằng ngày cho bảo đảm số lượng lao động. Những vị trí có thể làm thêm được thì sẽ cho CN tăng ca để bảo đảm sản xuất".

Tái bố trí sản xuất "3 tại chỗ"

Ông Nguyễn Đức Thể, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm, cũng cho biết số CN nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, buộc các DN phải thay đổi các phương án sản xuất để bảo đảm các hợp đồng đã ký với khách hàng và đề ra giải pháp khắc phục sự thiếu hụt lao động.

Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam đóng trên địa bàn huyện hiện có 681 CN phải cách ly y tế, chiếm 29% tổng nhân sự của công ty, trong đó có 370 người là F0. Để khắc phục thiếu hụt lao động, công ty đã điều động nhân sự tại các bộ phận, phân xưởng hỗ trợ cho nhau, bố trí làm thêm giờ.

LĐLĐ huyện Gia Lâm chỉ đạo Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo công ty tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện lại phương án "3 tại chỗ" nhằm tránh CN bị lây nhiễm từ người thân trong gia đình. Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Sản phẩm da Ladoda (huyện Gia Lâm) có 200 CN thì hiện có 20 F0 và hàng chục F1 cách ly theo dõi.

"Dù có những ảnh hưởng về tiến độ đơn hàng nhưng công ty vẫn bảo đảm cho người lao động (NLĐ) điều trị khỏi Covid-19, sức khỏe ổn định mới đi làm. Ngoài tăng cường tuyên truyền về 5K, công ty cũng vận động NLĐ hạn chế di chuyển, tránh lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, công ty cũng bổ sung dinh dưỡng, đun nước chanh sả cho CN uống hằng ngày nhằm tăng đề kháng. Riêng đối với F0, công ty tích cực phối hợp giải quyết các thủ tục để NLĐ được hưởng chế độ BHXH" - bà Đinh Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho hay.

Công ty CP In và Bao bì Goldsun (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cũng đã có tới 60%-70% CN đã bị mắc Covid-19. Ngoài việc sắp xếp nhân sự thay phiên nhau làm việc, công ty phải tuyển thêm lao động thời vụ để thay thế các vị trí còn trống, bảo đảm sản xuất được thông suốt.

Ông NGUYỄN ĐINH THẮNG, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội:

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Tình trạng thiếu lao động trong các DN chỉ mang tính chất cục bộ. Công đoàn KCN-KCX Hà Nội đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở triển khai các giải pháp để chia sẻ, đồng hành cùng NLĐ và DN.

Trước mắt, các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động để tuyển lao động mới và hỗ trợ NLĐ nắm bắt thông tin về lương thưởng, chế độ, thủ tục ký hợp đồng lao động.

Các DN tổ chức làm thêm giờ, tăng ca, tổ chức đào tạo NLĐ có thể làm được nhiều vị trí công việc để bù đắp lại phần nhân lực đang bị thiếu hụt. Đối với những DN lớn có nhiều chi nhánh ở các tỉnh, thành sẽ thực hiện điều chuyển đơn hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại