Thiếu ngủ tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ: Chuyên gia Harvard chỉ ra dấu hiệu

Mộc Miên |

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng giấc ngủ kém, thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tim mạch, bao gồm cả đau tim, đột quỵ.

Nghiên cứu về thiếu ngủ và nguy cơ đau tim đột quỵ

Một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu tại Đại học Galway, Ireland thực hiện đã phân tích dữ liệu từ 5.000 người và một nửa số này đã từng bị đột quỵ. Kết quả cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng/đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần.

Một nghiên cứu khác được thực hiện với sự tham gia của 650.000 người trưởng thành cũng cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng/đêm có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên - tình trạng các mạch máu ở chân bị tắc nghẽn - cao hơn.

Bệnh động mạch ngoại biên góp phần làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Cụ thể, 25% người mắc bệnh động mạch ngoại biên có nguy cơ cao bị hẹp động mạch cảnh không triệu chứng. Tỷ lệ người mắc bệnh động mạch ngoại biên bị bệnh mạch máu não đồng thời cũng cao gấp 3-4 lần so với người không bị bệnh động mạch ngoại biên. Tỷ lệ đột quỵ ở người mắc bệnh động mạch ngoại biên dao động từ 2-5%.

Thiếu ngủ tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ: Chuyên gia Harvard chỉ ra 9 dấu hiệu cảnh báo - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy những người ngủ ít hơn 5 tiếng/ đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần.

Chuyên gia Harvard chỉ ra 9 dấu hiệu cảnh báo bạn bị thiếu ngủ

Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyến cáo rằng người trưởng thành nên ngủ đủ giấc (từ 7-9 tiếng mỗi đêm). Tiến sĩ Amy Shah, bác sĩ y khoa và chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Harvard cho biết nếu cơ thể xuất hiện 9 dấu hiệu dưới đây có thể cảnh báo bạn đang ngủ không đủ giấc. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cụ thể, 9 dấu hiệu bao gồm:

- Thường mất 30 phút hoặc hơn 30 phút để chìm vào giấc ngủ.

- Thức dậy vào buổi sáng nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện cảm giác nghỉ ngơi chưa đủ.

- Thường xuyên thấy đói, thèm đồ ăn vặt.

- Bạn thức dậy sớm hơn vào buổi sáng dù không mong muốn.

- Cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi suốt cả ngày.

- Thường xuyên thức dậy một hoặc nhiều lần trong đêm.

- Thường thao thức vào ban đêm, và tâm trí luôn lo lắng với những suy nghĩ khác nhau.

- Mắt bị sưng húp, đỏ, có quầng thâm hoặc bọng mắt vào buổi sáng.

- Cảm xúc thay đổi thất thường (tức giận, cáu kỉnh, lo lắng, buồn bã,...).

Thiếu ngủ tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ: Chuyên gia Harvard chỉ ra 9 dấu hiệu cảnh báo - Ảnh 2.

Cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi suốt cả ngày là một trong các dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu ngủ.

Thiếu ngủ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe do đó khi xuất hiện các dấu hiệu kể trên, mọi người cần đặc biệt lưu ý. Chuyên gia khuyến cáo nếu bị thiếu ngủ, mọi người có thể thực hiện một số biện pháp sau để cải thiện giấc ngủ của bản thân.

4 thói quen giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ

1. Ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày

Tiến sĩ Amy Shah cho biết cô thường đi ngủ vào khoảng 9 - 10 giờ tối và thức dậy từ 5:30 - 7 giờ sáng. Đi ngủ và thức dậy vào khoảng thời gian giống nhau giúp củng cố đồng hồ sinh học của bạn và đảm bảo bạn ngủ đủ thời gian theo nhu cầu cơ thể.

2. Hạn chế sử dụng cà phê, rượu và thuốc lá

Các nghiên cứu chỉ ra rằng 1 tách cà phê vào buổi tối sẽ làm thay đổi nhịp sinh học, caffeine trong cà phê sẽ khiến bạn khó ngủ hơn.

Rượu có thể giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ nhưng nó ngăn chặn các giai đoạn của giấc ngủ sâu và thường khiến bạn thức giấc giữa đêm.

Nicotine trong các sản phẩm thuốc lá cũng là một loại chất kích thích có thể cản trở giấc ngủ. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc là thường ngủ trong một khoảng thời gian ngắn hơn và có giấc ngủ chập chờn.

Thiếu ngủ tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ: Chuyên gia Harvard chỉ ra 9 dấu hiệu cảnh báo - Ảnh 4.

Hạn chế sử dụng cà phê, rượu bia, thuốc lá, đặc biệt là vào buổi tối giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

3. Giữ phòng ngủ luôn mát mẻ

Nhiệt độ phòng ngủ mát mẻ sẽ giúp chúng ta ngủ ngon giấc hơn. Nhiệt độ tối ưu nên nằm trong khoảng 20 độ C.

4. Tập thể dục nhiều hơn và sớm hơn trong ngày

Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả cải thiện chất lượng giấc ngủ. Do đó mỗi ngày mọi người nên duy trì tập thể dục khoảng 30 phút để cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tuy nhiên chuyên gia Amy Shah cho biết mọi người nên tránh tập  thể dục vào buổi tối hoặc tập quá gần giờ đi ngủ. Bởi khi tập thể dục, cơ thể sẽ sản xuất adrenaline, làm tăng nhịp tim và sự tỉnh táo, có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Do đó, bạn không nên tập thể dục trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại