Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới hiện có khoảng 528,7 triệu phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, chiếm khoảng 29,4%. Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện dinh dưỡng, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu, trong đó tập trung cao hơn ở miền núi và nông thôn.
Thiếu máu dinh dưỡng đang là vấn đề nghiêm trọng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Bởi phụ nữ ở độ tuổi này nếu bị thiếu máu là nguy cơ hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai cũng như các tai biến sản khoa.
Khi thiếu máu, khả năng vận chuyển khí ôxy của hồng cầu bị giảm làm thiếu ôxy ở các tổ chức, đặc biệt là tim, cơ bắp, não, gây nên các hiện tượng tim đập mạnh, hoa mắt chóng mặt, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mỏi mệt, giảm khả năng lao động chân tay và trí óc, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày.
Để phòng ngừa nguy cơ thiếu sắt thiếu máu, có thể bổ sung sắt qua những thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
1. Cải bó xôi
Cải bó xôi là một loại rau lá xanh rất phổ biến giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Cải bó xôi giàu canxi, vitamin A, B9, E và C, sắt, chất xơ và beta carotene. Nghiên cứu cho thấy một nửa chén cải bó xôi luộc chứa 3,2 mg sắt và chiếm khoảng 20% nhu cầu sắt cho cơ thể của người phụ nữ. Vì vậy, nên bổ sung cải bó xôi trong chế độ ăn uống hàng ngày.
2. Quả lựu
Lựu giàu sắt, canxi, chất xơ và khoáng chất thiết yếu như magiê và đồng. Ăn lựu hoặc uống một ly nước ép lựu thường xuyên giúp tăng mức hemoglobin, ngăn ngừa thiếu máu.
3. Thịt bò
Thịt bò là nguồn cung cấp sắt vô cùng phong phú, giúp cải thiện lượng Hemoglobin cho cơ thể. Phần nạc của thịt bò thường giàu sắt hơn phần chứa gân hoặc chứa mỡ. Trong 100g thịt bò nạc có thể cung cấp 3,1mg sắt tương đương 21% lượng sắt cần thiết.
4. Đậu
Đậu là nguồn cung cấp sắt và các vitamin giúp chống thiếu máu tốt cho cơ thể. Một số loại đậu giàu sắt là: Đậu xanh; đậu nành; đậu đen; đậu hà lan.
5. Củ cải đường
Củ cải đường được biết đến như một loại rau rất có hiệu quả trong cuộc chiến chống bệnh thiếu máu. Loại củ này có hàm lượng sắt cao, giúp sửa chữa và kích hoạt lại các tế bào hồng cầu. Một khi các tế bào hồng cầu được kích hoạt, lượng oxy cung cấp cho tất cả các bộ phận của cơ thể tăng lên. Thêm củ cải đường trong chế độ ăn uống hàng ngày sẽ giúp bạn dễ dàng chống lại căn bệnh thiếu máu.
6. Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt không chỉ nhiều chất xơ mà còn chứa lượng sắt và axit folic tốt giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
7. Gan
Gan của các loài động vật như gà, lợn, bò đều chứa hàm lượng sắt cao. Trong 100g gan lợn cung cấp 12mg sắt, 100g gan gà cung cấp 10mg sắt và 100g gan bò cung cấp 6,5mg sắt. Tuy nhiên, để loại bỏ phần nào các chất độc có thể tồn tại trong gan, cần rửa thật sạch, bóp sạch máu đọng, nấu chín hẳn mới được ăn.
8. Cà chua
Vitamin C là thành phần chính trong cà chua cùng với lycopene. Vitamin C trong cà chua giúp hấp thu dễ dàng các chất sắt. Cà chua cũng rất giàu beta carotene và vitamin E, do đó có lợi cho sức khỏe tóc và da.
9. Trứng
Trứng có tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần như sắt, protein, canxi, phốt pho, vitamin và khoáng chất. Do đó, trứng là loại thực phẩm giúp hạn chế nguy cơ thiếu dinh dưỡng, bổ sung sắt, tăng cường lượng máu đi nuôi cơ thể. Một lòng đỏ trứng cung cấp 0,4mg sắt.