Bạn thấy tấm ảnh này, có lẽ điều đầu tiên bạn nghĩ đây là một sự đầu tư hơi quá: làm sao mà cây cầu vượt sông lại phải tốn diện tích và tốn kém tới mức ấy? Có lẽ bạn đã nhầm.
Đầu tiên, một cây cầu chia làn như thế này hiển nhiên sẽ có những lợi ích của một nút giao thông chia làn.
Đó là băng qua một nút giao thông mà không cắt dòng phương tiện nào, thông thường những nút giao thông này được sử dụng tại những điểm giao thông lớn hay nơi những đường quốc lộ lớn giao nhau. Bằng cách đó, luồng giao thông sẽ chảy liên tục, tránh tình trạng tắc đường.
Những nút giao thông thường áp dụng phương pháp chia mạng giao thông thành lưới, sắp xếp hai hoặc nhiều làn đường sang những độ cao khác nhau, nhằm tránh việc để các con đường ấy giao nhau.
Không nhất thiết một mạng lưới đường này phải là đường bộ, các kĩ sư có thể đưa vào đó đường cho mô tô, xe thô sơ hay thậm chí là đường sắt.
Nút giao thông I-110/105 tại Los Angeles.
Họ sẽ hoặc dùng cầu, hoặc dùng hầm ngầm để phân độ cao cho các làn đường hay thậm chí là kết hợp cả hai luôn. Khi mà những trục đường lớn không còn giao nhau nữa, giao thông giữa hai phía sẽ lưu thông cực kì thuận lợi.
Dù việc xây cất một nút giao thông chia làn theo nhiều tầng sẽ tốn kém, nhưng nó có những điểm lợi nhất định. Điểm đầu tiên, như đã nói ở trên, đó là tránh việc tắc đường tại các nút giao thông trọng điểm.
Thứ hai, một đường trên cao, và nhất là khi khi xoắn vòng lên cao như thế sẽ tiết kiệm được rất nhiều diện tích mặt đất. Những khu vực xung quanh nút giao thông này có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nữa.
Đã có những ví dụ cụ thể về thành công của một nút giao thông như thế. Gần ta nhất, đó chính là Trung Quốc với cây cầu Nam Phố - Nanpu, cây cầu xoắn ốc nằm ở phía Nam Thượng Hải được hoàn thành năm 1991, nối khu Thượng Hải cũ với khu Phố Đông mới đang phát triển nhanh chóng.
Đó là một khoản đầu tư không nhỏ, nhưng nó đã đem lại vô vàn giá trị, cả về kinh tế và thẩm mỹ, cho một khu vực đang trên đà phát triển.
Tổng cộng cầu dài tới 8346 m với được thiết kế hình xoáy ốc độc đáo. Nanpu cũng là cây cầu dây cáp đầu tiên của Trung Quốc có một nhịp cầu dài hơn 400 m. Dự án được khởi công vào ngày 15 tháng 12 năm 1988, hoàn thiện vào ngày 20 tháng 6 năm 1991.
Lượng phương tiện lưu thông một ngày thời điểm năm 1991 là 14.000 cho tới 17.000, đã tăng lên 120.000 lượt/ngày vào năm 2006. Chính nhờ thiết kế xoáy vòng lên cao ấy và việc chia làn hợp lý, nút giao thông quan trọng này có thể chứa được lưu lượng xe khổng lồ.
Việt Nam cũng ta cũng sắp có một cây cầu như vậy, đó là cầu Hoàng Văn Thụ được xây dựng bắc qua sông Cấm, nối phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên), chiều dài hơn 1,5km. Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành vào quý I/2019.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy thành phố Hải Phòng khẳng định:
“Đây là một công trình trọng điểm của thành phố mà lần đầu tiên thành phố sử dụng ngân sách địa phương lớn lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
Cầu Hoàng Văn Thụ không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về giao thông mà còn có ý nghĩa lớn, mở rộng sự phát triển đô thị thành phố.
Đặc biệt, đây là công trình khởi đầu cho việc xây dựng để di chuyển Trung tâm hành chính – chính trị thành phố sang vị trí mới, có quy mô lớn hơn, hiện đại hơn tạo nền tảng cho sự phát triển thành phố Hải Phòng trong tương lai”.
Ta sẽ sớm được thấy cây cầu tuyệt vời này xuất hiện ngay tại quê hương Việt Nam.