QL1 đoạn qua huyện Hà Trung (Thanh Hóa) ngập sâu trong nước lũ sáng 12/10 - Ảnh: Lê Hoàng
Các dự án cao tốc Bắc - Nam được nghiên cứu lựa chọn hướng tuyến đi trên những địa hình cao, nền đường được tính toán với tần suất trung bình 100 năm mới có một lần xuất hiện lũ hơn cao độ thiết kế, đảm bảo giao thông không bị chia cắt do mưa lũ gây ra.
Vì sao QL1 qua miền Trung hay bị ngập?
Sau gần hai năm hoàn thành nâng cấp, mở rộng, một số đoạn tuyến trên QL1 chạy qua dải đất miền Trung rơi vào cảnh chia cắt, ngập lụt do mưa lũ.
Gần nhất, trong các ngày 4-6/11, sau khi bão số 12 (Damrey - Con voi) đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ, nhiều đoạn tuyến QL1 ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế… bị ngập lụt cục bộ, có nơi chìm sâu trong nước trên 1m. T
uyến đường huyết mạch bị “chặt đứt”, giao thông bị chia cắt ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng kết cấu công trình và quá trình lưu thông của các phương tiện vận tải trên hành trình Bắc - Nam.
Cách đây tròn một tháng, chiều 11/10, mưa lũ lớn kéo dài, nước ở các sông dâng cao đã khiến tuyến QL1 (Km 296+500 - Km 298+00) qua huyện Hà Trung, TX Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) bị nước ngập sâu gần 1m làm giao thông hướng Thanh Hóa - Hà Nội bị tê liệt.
Hàng đoàn xe nối đuôi nhau kéo dài cả cây số nằm “bất động” chờ nước rút để lưu thông.
Mưa lũ khiến đường giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, mà còn là nguyên nhân dẫn tới những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhiều người.
"Khi các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thành không chỉ giảm tải lưu lượng cho QL1 đang chuẩn bị mãn tải, mà còn đảm bảo giao thông thông suốt trong trường hợp QL1 bị chia cắt do ngập lụt, nhất là các đoạn qua khu vực miền Trung”. Ông Phạm Hữu Sơn |
Lý giải về mặt kỹ thuật, trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, tuyến QL1 được cải tạo, nâng cấp trên nền đường cũ, nên trước đây, trong quá trình nghiên cứu nhiều đoạn tuyến đi qua khu vực dân cư, đô thị không đảm bảo tần suất lũ thiết kế theo quy định, nhất là các đoạn tuyến đi qua khu vực miền Trung.
“Theo tính toán, tần suất lũ thiết kế đối với tuyến QL1 là 1% (trung bình cứ 100 năm có một lần xuất hiện lũ lớn hay bằng với cao độ thiết kế - PV), nhưng thực tế, nhiều đoạn QL1 đi qua khu dân cư vẫn phải giữ nguyên cao độ 10%.
Chúng ta chấp nhận không đảm bảo tần suất lũ thiết kế, bởi nếu mình đưa cao độ nền đường lên, cốt nền nhà dân dọc hai bên sẽ thấp hơn so với cao độ nền đường”, ông Sơn nói và cho biết, đa phần tuyến QL1 hiện nay, cao độ thiết kế đảm bảo tần suất lũ thiết kế là 4%, riêng những đoạn làm mới, không đi qua khu dân cư vẫn đảm bảo tần suất 1%”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số đoạn QL1 khu vực miền Trung do đặc điểm tự nhiên của hệ thống sông ngòi trong khu vực.
Ngoài sông Mã và sông Cả, các sông khác ở miền Trung đều từ Trường Sơn chảy ra biển qua một dải đồng bằng hẹp, ngắn, đoạn thượng lưu lắm thác ghềnh, đoạn hạ lưu thường phình ra, độ dốc lòng sông giảm đột ngột.
“Nước sông lên xuống phụ thuộc vào lượng mưa rơi trên lưu vực và thời gian tập trung nước rất nhanh so với các sông Đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ.
Do đó, khi có mưa bão, lượng nước từ thượng lưu sẽ tác động rất nhanh xuống khu vực hạ du, kết hợp với triều cường từ việc các thủy điện xả lũ, khiến các sông không thoát được nước gây ra tình trạng ngập lụt, trong đó có các đoạn tuyến QL1”, ông Sơn lý giải.
Cao tốc Bắc - Nam sẽ khắc phục hạn chế của QL1
Đối với các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang chuẩn bị được triển khai xây dựng khi Quốc hội thông qua chủ trương, ông Sơn cho biết, qua nghiên cứu, các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi ngập lụt do mưa lũ gây ra.
Về hướng tuyến, các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam ở khu vực miền Trung được đưa lên phía Tây với địa hình cao. Vì thế, tình trạng ngập lụt sẽ không ảnh hưởng tới tuyến đường này.
“Quan trọng nhất, cao tốc Bắc - Nam là những dự án được làm mới hoàn toàn, nên cao độ thiết kế đường đỏ được làm theo thiết kế mới, tuân thủ quy định đối với tiêu chuẩn đường cao tốc, đảm bảo tần suất suất lũ thiết kế là 1%, đảm bảo tần suất trung bình 100 năm mới có một lần xuất hiện lũ hơn cao độ thiết kế”, ông Sơn nói và cho biết, cao tốc Bắc - Nam sẽ khắc phục được các hạn chế về cao độ nền đường, thiết kế ảnh hưởng đến khu dân cư của tuyến QL1.
Trao đổi với Báo Giao thông, GS. TS. Bùi Xuân Cậy, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đường cao tốc tại Việt Nam cũng cho rằng, để tránh tình trạng ngập lụt chia cắt, các dự án cao tốc Bắc - Nam cần phải nâng cao độ nền đường khi thiết kế đảm bảo trên mức nước lũ dự báo.
“Cao độ nền đường của nhiều đoạn tuyến QL1 không đảm bảo khi đi qua khu vực khu dân cư, tần suất lũ thiết kế đều dưới 2%, dẫn tới tình trạng ngập lụt khi mưa bão, đặc biệt ở khu vực miền Trung.
Đối với cao tốc Bắc - Nam, chúng ta phải nâng tần suất lũ thiết kế lên 1% để tránh ảnh hưởng của mưa lũ”, ông Cậy nói.
Tuy nhiên, ông Cậy cũng cảnh báo, khi nâng cao độ nền đường của toàn tuyến lên, cao tốc Bắc - Nam nguy cơ sẽ trở thành một cái đê chắn ngang dãy Trường Sơn, khiến khu vực thượng lưu sẽ bị ngập lụt nặng nề.
“Hướng tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam đi vào những khu vực địa hình cao đã hạn chế ảnh hưởng của ngập lụt rồi, vấn đề quan trọng là các đơn vị tư vấn thiết kế phải tính toán xây dựng nhiều cầu cạn trên tuyến để thoát nước ngang thật nhanh, khi đó sẽ giải quyết được tình trạng ngập lụt cho khu vực thượng lưu”, ông Cậy chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hữu Sơn cho biết, bài toán thiết kế cao tốc Bắc - Nam đã được nghiên cứu và xem xét một cách tổng thể, đảm bảo việc thoát nước sẽ không bị ảnh hưởng khi triển khai xây dựng các dự án.
“Đầu tiên về mặt trắc dọc cố gắng đi thấp. Do tuyến đường được lựa chọn đi trên địa hình cao nên có điều kiện thiết kế bám theo địa hình, tránh đào sâu đắp cao.
Thứ hai, về mặt thủy văn, thủy lợi, TEDI đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các khẩu độ phù hợp, đảm bảo thiết kế của tuyến đường không ảnh hưởng đến việc thoát lũ”, ông Sơn nói và cho biết thêm, với những đoạn cần thiết sẽ bố trí thêm cầu cạn để không ảnh hưởng đến việc thoát nước từ khu vực thượng lưu xuống hạ lưu.