Theo dòng chảy của lịch sử ngành xây dựng, cần cẩu hay cần trục đã có sự phát triển vượt bậc. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các kiến trúc đồ sộ và hoành tráng.
Ngoài ra, nhờ sự phát triển của công nghệ, ngành đã có thêm cần trục ô tô và tạo ra nhiều đột phá trong xây dựng và hậu cần. Hiện tại, nhằm hướng đến xu hướng phát triển bền vững, cần cẩu chạy bằng điện đã được hình thành.
Thời gian gần đây, chiếc cần cẩu chạy điện lớn nhất thế giới đã được chế tạo và có tên là SK6000. Chiếc cần cẩu này được phát triển với mục đích đáp ứng các yêu cầu của trang trại điện gió ngoài khơi trong tương lai, đồng thời hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Theo trang web Wonderful Engineering, SK6000 có thể nâng tới 6.000 tấn và đang được lắp ráp tại trung tâm kỹ thuật của Mammoet tại Hà Lan. Đây là công ty chuyên về kỹ thuật nâng/hạ và vận chuyển vật thể nặng.
Việc lắp ráp đang được tiến hành nhanh chóng để có thể đáp ứng lịch giao hàng vào năm 2024.
SK6000 được kỳ vọng sẽ tiến hành các dự án điện gió ngoài khơi ngay cả khi ở những khu vực thiếu kết nối với lưới điện.
Loại cần cẩu mới này được lấy cảm hứng từ thiết kế và kỹ thuật nâng của mẫu SK350 tiền nhiệm. Chiều dài trục chính của nó lên tới 171 mét và có thể đạt được hạn mức nâng là 274 mét khi được gắn thêm cần phụ.
Một tính năng đáng chú ý của SK6000 là có thiết kế dạng container, giúp di chuyển linh hoạt, lắp ráp tại chỗ và có khả năng nâng vật siêu nặng chưa từng có.
Với SK6000, trung tâm kỹ thuật Mammoet có định hướng sẽ phát triển nó một cách tân tiến nhất. Cần cầu này cũng đại diện cho bước đi quan trọng trong việc hướng tới một tương lai bền vững của ngành xây dựng và nâng vật nặng.
Bằng cách khai thác năng lượng điện, SK6000 khẳng định sẽ thực hiện các hoạt động thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon và bảo vệ hành tinh chung.
SK6000 là minh chứng cho sự cống hiến không ngừng của Mammoet trong việc vượt qua ranh giới trước đây của ngành. Dự kiến, sự xuất hiện của chiếc cần cẩu lớn nhất thế giới sẽ tạo ra một kỷ nguyên đổi mới và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Tham khảo Wonderful Engineering