Thiện xạ xe tăng "có một không hai": 4 phát đạn 85mm, 3 tàu địch chầu Hà Bá

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Có được thước ngắm cơ sở chính xác, Song dựa vào đó chuyển sang bắn mục tiêu thứ hai. Phát bắn này trúng đích ngay. Cánh bộ binh trên 2 xe thiết giáp vỗ tay reo hò vang dội.

LTS: Bộ đội Tăng - Thiết giáp Việt Nam luôn là mũi nhọn đột kích cực mạnh, góp công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ đã lập nên nhiều kỳ tích, trong số đó phải kể đến trận đánh "đặc biệt" chỉ với 4 phát đạn diệt 3 tàu địch của "thiện xạ" Trần Văn Song*.

Sự kiện xảy ra trong chiến dịch tấn công các căn cứ của Việt Nam cộng hòa (VNCH) tại Phan Rang, tháng 4/1975.

Tiến công Phan Rang, một trong những mục tiêu chủ yếu mà quân ta cần đánh chiếm là cảng Ninh Chữ. Đây là một quân cảng thường xuyên có hàng chục tàu quân sự neo đậu, là cửa ngõ tiếp vận hàng quân dụng cho "Lá chắn thép Phan Rang" của Quân lực VNCH và cũng là nơi tập kết đón tàn quân khi có tình huống xảy ra.

Gần trưa ngày 16.4.1975, xe tăng bơi K63-85 số 763 cùng 2 xe thiết giáp chở theo một số bộ binh đã hoàn thành nhiệm vụ đó. Không chỉ vậy, các anh còn làm được nhiều hơn.

ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập); Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập; 1 chọi 10, trận đấu tăng bi tráng...

 Từ trưởng xe "bất đắc dĩ"

Xe 763 thuộc biên chế Đại đội xe tăng (XT) 3, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 203 do Trung úy Nguyễn Văn Trạch, chính trị viên đại đội chỉ huy. Các thành viên của xe gồm lái xe Trần Huy Đức, pháo thủ Trần Văn Song, hai pháo hai Nguyễn Văn Hòa và Đoàn Văn Xiển.

Sở dĩ có 2 pháo hai là bởi đại đội có dư thành viên, trong khi xác định trận đánh Phan Rang sẽ có không quân địch từ sân bay Thành Sơn ngăn chặn rất quyết liệt nên bố trí thêm một pháo hai chuyên bắn cao xạ 12,7 mm để đánh trả máy bay.

Bởi đều đã trải qua trận mạc mấy năm rồi nên khi được giao nhiệm vụ đi đầu, làm mũi lao nhọn chọc thủng "Lá chắn thép Phan Rang" xe 763 cũng như toàn đại đội đều rất tự tin. Họ tin rằng không một sức mạnh nào có thể cản được thế tiến công như vũ bão của quân ta và chẳng mấy chốc, thắng lợi cuối cùng sẽ đến.

Trận tiến công trong hành tiến vào Phan Rang diễn ra vô cùng ác liệt. Dưới đất, quân địch dựa vào hệ thống công sự và các công trình kiến trúc vững chắc dùng hỏa lực chống cự quyết liệt.

Trên trời, hàng chục chiếc máy bay A-37 và trực thăng vũ trang từ sân bay Thành Sơn quần đảo ném bom, bắn súng, phóng tên lửa... vào đội hình tiến công của ta.

Tuy nhiên, với hỏa lực và xung lực mạnh mẽ, Đại đội XT 3 lần lượt tiêu diệt các mục tiêu từ Bà Râu, Ba Tháp đến Gò Đền, Hội Diên mở đường cho Thê đội 1 tiến lên. Gần đến Ngã ba Cà Đú, xe đại đội trưởng bị bắn cháy, đại đội trưởng Nguyễn Văn Tường bị thương, chính trị viên Nguyễn Văn Trạch phải lên thay.

Thiện xạ xe tăng có một không hai: 4 phát đạn 85mm, 3 tàu địch chầu Hà Bá - Ảnh 2.

Xe tăng ta đánh chiếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975.

Vì phải quan sát đội hình để chỉ huy, Trạch phải mở cửa trưởng xe nhô đầu ra ngoài. Trong khi đó, pháo hai Đoàn Văn Xiển cũng đang sử dụng 12,7 mm bắn trả máy bay mãnh liệt. Bỗng một quả bom bi nổ ngay trên tháp pháo, cả chính trị viên Trạch và pháo hai Xiển cùng bị thương mất sức chiến đấu.

Tình thế lúc này thật gay cấn. Theo thông lệ, trưởng xe bị thương thì pháo thủ sẽ lên thay nên pháo thủ Trần Văn Song trở thành trưởng xe "bất đắc dĩ". Tuy nhiên, anh chỉ có thể chỉ huy xe mình, còn quyền chỉ huy đại đội được giao cho chính trị viên phó Nguyễn Thanh Xuân.

Từ lúc đó trở đi, Trần Văn Song thêm bội phần vất vả, vừa phải quan sát chiến trường để chỉ huy xe, vừa phải chăm chút đường ngắm để bắn phát nào trúng phát ấy. Rốt cục, chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, quân ta đã làm chủ Thị xã Phan Rang.

Nhưng nhiệm vụ chưa kết thúc, xe 763 nhận lệnh cơ động ra đánh chiếm cảng Ninh Chữ. Cùng đi có 2 xe tăng K63 của Đại đội TTG 8.

Đến thiện xạ có một không hai

Nhận nhiệm vụ xong cũng chẳng còn ai để bổ sung nữa nên Trần Văn Song vẫn tiếp tục phải đảm nhiệm hai vai trò trưởng xe "bất đắc dĩ" và pháo thủ. Anh chỉ huy cho xe cơ động với tốc độ cao về phía cảng, còn mình thì nhô hẳn người lên cửa trưởng xe mắt không ngừng quan sát tình hình địch.

Dường như đã nắm được thông tin về sự thất thủ của "Lá chắn thép Phan Rang" bố trí dọc Quốc lộ 1 nên bọn địch ở cảng Ninh Chữ đã kéo nhau rút chạy. Cả khu quân cảng mênh mông không một bóng người, cửa các kho hàng mở toang nhưng trống rỗng - chắc đã bị bọn tàn quân vơ vét hết rồi.

Thiện xạ xe tăng có một không hai: 4 phát đạn 85mm, 3 tàu địch chầu Hà Bá - Ảnh 3.

Xe tăng của Đại đội XT 3 đánh chiếm Thị xã Phan Rang.

Ngoài biển, gần chục chiếc tàu, chủ yếu là tàu đổ bộ đang nổ máy lao hết tốc độ ra phía biển xa, chiếc gần nhất cũng khoảng hơn 1.000 mét. Hai chiếc xe tăng vừa chạy vừa bắn song những loạt đạn 12,7 mm của họ đều bị đuối tầm. Từ dưới biển, tàu địch cũng dùng pháo và trọng liên 12,8 mm bắn trả dữ dội.

Trần Văn Song cho xe mình tiến ra cầu cảng rồi chui vào xe dùng kính quan sát. Là một pháo thủ có kinh nghiệm, anh biết việc bắn pháo vào mục tiêu trên biển khó hơn mục tiêu trên mặt đất nhiều. Và cái khó khăn nhất chính là xác định khoảng cách để quyết định thước ngắm rất khó chính xác.

Vì vậy, anh quyết định sẽ phán đoán áng chừng khoảng cách để bắn phát đầu tiên. Sau đó căn cứ vào kết quả bắn sai lệch thế nào sẽ điều chỉnh. Ngoài ra, còn một lý do nữa để anh phải hết sức cẩn thận bởi cơ số đạn trong xe sau trận đánh ác liệt kéo dài 20 km từ Bà Râu đến thị xã Phan Rang đã bị tiêu hao gần hết.

Sau khi quan sát kỹ càng, Song quyết định lấy thước ngắm 1.200 mét rồi cẩn thận ngắm vào chiếc tàu đổ bộ gần nhất và bóp cò. Sau tiếng nổ, cả xe căng mắt nhìn. Một cột nước bùng lên ngay gần con tàu gần nhất.

Đạn gần! Ngay lập tức Song tăng thước ngắm lên 1.400 mét và bắn phát thứ hai. Một chớp lửa nháng lên trên boong tàu. Vài giây sau, ca-bin tàu bốc khói và một ngọn lửa bùng lên. Mấy tên địch sống sót cuống cuồng nhào xuống biển bơi sang tàu khác.

Có được thước ngắm cơ sở chính xác, Song dựa vào đó chuyển sang bắn mục tiêu thứ hai. Phát bắn này trúng đích ngay. Lại một tàu nữa bốc lửa. Cánh bộ binh trên 2 xe tăng vỗ tay reo hò vang dội.

Rất bình tĩnh, Song chuyển sang bắn mục tiêu thứ ba. Cũng giống như lần trước, phát này trúng đích ngay. Cánh bộ binh lại càng phấn khích, họ nhảy cả lên reo hò ầm ĩ.

Lúc này, ngoài 3 chiếc tàu đang bốc khói nghi ngút, số còn lại đã dong tít ra ngoài xa. Trong khi đó, đạn chỉ còn vài viên nên Song quyết định dừng bắn và quay về thị xã.

Với 4 phát đạn pháo 85 mm đã diệt 3 tàu địch, sau chiến dịch pháo thủ Trần Văn Song đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Và anh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Thiện xạ" mà anh em trong đơn vị đặt cho.

* Cuối năm 1978, đầu 1979 Trần Văn Song tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên cương vị trung đội trưởng của Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn xe tăng 203. Trong trận đánh gần Cô Công, xe anh bị trúng đạn, Song bị thương nặng vào đầu. Năm 1980, Trần Văn Song hy sinh do vết thương tái phát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại