Thiên thạch mang tên 2002 AJ129 được NASA xếp vào loại "có tiềm năng gây thảm họa", hiện đang di chuyển với vận tốc 107.826 km/h hướng về phía Trái đất.
Tốc độ này cao hơn 15 lần so với máy bay siêu thanh nhanh nhất thế giới hiện nay - chiếc North American X-15, vốn có vận tốc chỉ khoảng 7.300 km/h.
Theo NASA cho biết, 2002 AJ129 dài tới 1,1km - nghĩa là lớn hơn chiều cao của Burj Khalifa - tòa nhà cao nhất thế giới tại Dubai với hơn 800m chiều cao. Các tính toán cho thấy viên thiên thạch sẽ đi ngang qua Trái đất vào ngày 4/2 tới đây, ở khoảng cách hơn 4,2 triệu km.
Nghe thì xa xôi diệu vợi, nhưng ở phạm vi không gian vũ trụ thì là cực kỳ gần. NASA sẽ xếp tất cả các thiên thể vào dạng "có thể gây thảm họa" nếu nó đi ngang qua chúng ta ở khoảng cách nhỏ hơn 7,4 triệu km.
Toà nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa tại Dubai
Đây là một trong những thiên thạch lớn nhất đi ngang qua Trái đất trong 2 năm trở lại đây, và theo các chuyên gia nhận định, nó sẽ đưa Trái đất về một kỷ băng hà mini nếu xảy ra va chạm.
Cụ thể thì theo như một nghiên cứu vào năm 2016 với một thiên thạch dài 1.000m, nhiệt độ toàn cầu sẽ giảm khoảng 8 độ C nếu xảy ra va chạm. Thế giới sẽ tối, lạnh, khô hơn và hiệu ứng sẽ kéo dài trong vài năm.
"Đó chắc chắn không phải là quãng thời gian dễ chịu đâu" - Charles Bardeen - chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Khí quyển Hoa Kỳ cho biết.
Theo ông thì trong tình huống xấu nhất, tro bụi sẽ đọng lại khí quyển lên tới hơn 10 năm, trong khi bụi đất phải tốn đến 6 năm để ổn định lại trên mặt đất.
Thật may mắn, vì NASA tin rằng thiên thạch này khó lòng va chạm với Trái đất.
Hơn nữa, dù hiện tại NASA chưa có cách nào để làm chệch hướng một thiên thạch hướng về phía Trái đất, chúng ta vẫn có thể tính toán để giảm nhẹ tác động cũng như thiệt hại về người và tài sản nếu có thảm họa xảy ra.
Nguồn: NASA.gov, Daily Mail