Nghiên cứu dẫn đầu bởi Bảo tàng lịch sử tự nhiên (Anh) cho biết thiên thạch Winchcombe rơi xuống nước Anh đầu năm nay là dạng thiên thạch cực hiếm thuộc nhóm CM của một nhóm thiên thạch lớn hơn gọi là chondrite carbon, những "hóa thạch" còn sót lại của buổi bình minh hệ Mặt Trời.
Thiên thạch quý hiếm rơi xuống nước Anh - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên
Theo Sci-tech Daily, vật chất bên trong thiên thạch này tương tự thứ mà các tàu vũ trụ của Mỹ hay Nhật Bản cố lấy về từ các tiểu hành tinh cổ đại, trong các nhiệm vụ không gian trị giá hàng trăm triệu USD. Các nhà khoa học anh đã "trúng mánh" khi báu vật này bất ngờ rơi xuống đất nước họ.
Thiên thạch này đã được phát hiện trước khi nó chạm đất nhờ một đoạn video từ Liên minh Quả cầu lửa Vương quốc Anh. Sau khi ghi nhận hình ảnh quả cầu lửa bừng sáng trên bầu trời, các nhà khoa học đã nhanh chóng định vị và thu thập trước khi nó bị nhiễm bẩn bởi môi trường.
Theo tiến sĩ Queenie Chan từ Royal Holloway - Đại học London, thành viên nhóm nghiên cứu, phân tích sơ bộ cho thấy thiên thạch Winchcombe chứa nhiều loại vật liệu hữu cơ và chưa bị ô nhiễm bởi môi trường Trái Đất.
Vật liệu hữu cơ sơ khai trong dạng thiên thạch này chính là hạt mầm của sự sống. Các nhà khoa học tin rằng nhiều thiên thạch như thế đã tìm đến Trái Đất sơ khai, cung cấp nước và vật liệu để tạo ra các "khối xây dựng sự sống" đầu tiên. Thiên thạch quý giá vẫn đang được nghiên cứu và các nhà khoa học tin rằng đó là "báu vật" để họ ngược thời gian về thời điểm Trái Đất mới hình thành.