Bình minh của thần đồng có IQ vượt cả Albert Einstein
Kim Ung Yong sinh năm 1962 tại Seoul, Hàn Quốc. Cả bố và mẹ của ông đều là giáo sư đại học. Ngay từ khi còn nhỏ, Kim đã bộc lộ trí tuệ vượt trội của mình. Chưa đầy 12 tháng tuổi, ông đã biết nói, 2 tuổi đọc được tiếng Hàn, Nhật, Đức và Anh. 3 tuổi, Kim thông thạo Vật lý một cách siêu phàm và nhớ được khoảng hơn 2.000 từ vựng tiếng Anh và Đức ở tuổi lên 4.
Ngoài ra, ông còn biết làm thơ bằng tiếng Hàn và tiếng Trung, viết bài luận về thơ cho hai cuốn sách ngắn (ít nhất 20 trang). Cùng năm này, ông đã đạt được 210 điểm trong bài kiểm tra IQ cho trẻ 7 tuổi. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang nô đùa, tranh giành nhau những chiếc kẹo thì tên tuổi của Kim đã phủ sóng khắp các mặt báo, bản tin thời sự. Kim Ung Yong khi ấy khiến giới khoa học kinh ngạc bởi khả năng làm toán thần sầu của mình.
Khi mới lên 5, Kim đã giải quyết được nhiều bài toán tích phân khác nhau trên đài truyền hình của Nhật Bản. Cũng trong chương trình của truyền hình Nhật Bản, Kim đã thể hiện trình độ siêu đẳng khi nói tiếng Trung, Tây Ban Nha, Đức, Anh Nhật... một cách thuần thục như tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, ông còn có tài năng thiên phú về thơ ca, mỹ thuật và toán học.
Vào năm 7 tuổi, Kim kết thúc khóa học 4 năm tại Đại học Hanyang và được Tổ chức hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mời đến nước Mỹ. Tại Mỹ, Kim hoàn thành chương trình học đại học và thậm chí lấy được cả bằng tiến sĩ Vật lý của Đại học bang Colorado trước khi tròn 15 tuổi, độ tuổi mà những cậu bé như Kim thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học.
Với chỉ số IQ cao ngất ngưởng cùng con đường học hành bài bản, khi đó nhiều người tin rằng thế giới sắp đón chào một nhà khoa học vĩ đại. Còn người dân Hàn Quốc thì xem Kim Ung Yong như một bảo vật quốc gia.
Áp lực, cô đơn đẩy thần đồng trượt khỏi đường ray để rồi quyết định từ bỏ chốn xa hoa trở về nước học lại tiểu học
Sở hữu trí óc hơn người, con đường vươn đến thành công của ông Kim có vẻ như vô cùng dễ dàng nhưng không ai có thể hiểu được nỗi khổ của những người sinh ra ở vạch đích như ông.
Khi mới 8 tuổi, NASA mời ông về làm việc cho họ. Kim đồng ý và làm việc trong 10 năm tiếp theo ở đó. Không ai có thể tưởng tượng rằng một cậu bé 15 tuổi lại có thể làm những nghiên cứu hàng đầu cho NASA. Nó khiến tất cả các nhà khoa học kinh ngạc. Nhưng cuộc hành trình không bao giờ dải đầy hoa hồng đối với ông. Sau mười năm làm việc và cống hiến hết mình cho tổ chức, Kim cảm thấy NASA đã sử dụng công sức và kỹ năng của mình cho những mục đích không chính đáng.
Kim Ung Yong từng chia sẻ, trong 10 năm học tập và nghiên cứu ở Mỹ là khoảng thời gian cô độc và đáng buồn nhất trong đời. "Thời điểm đó, tôi sống chẳng khác gì một cỗ máy. Tôi thức dậy, giải quyết những việc được giao hằng ngày, ăn, ngủ và cứ thế, thời gian trôi đi. Tôi thực sự không biết tôi đang làm gì. Tôi vô cùng đơn độc và không có lấy một người bạn".
Vì vậy, năm 16 tuổi, thiên tài rời NASA trở về quê hương học tập như những người bình thường. Những người ca ngợi Kim vì thành công của ông lại bắt đầu gọi lật mặt gọi ông là 'thiên tài thất bại" vì quyết định này.
Nhưng để có thể làm việc ở Hàn Quốc, Kim Ung Yong phải có bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học và đại học. Ông đã phải theo học từ đầu như bao người bình thường khác. Với một thiên tài, việc đó không chút khó khăn. Ông nhận bằng tốt nghiệp 3 cấp học chỉ trong 2 năm sau khi về nước. Ông còn tham gia học đại học tại một ngôi trường ở ngoại ô thành phố Seoul để tránh bị chú ý.
Hạnh phúc là điều quan trọng nhất
"Là người đặc biệt không quan trọng bằng việc sống một cuộc đời bình thường"
Do từ bỏ tất cả để về nước, Kim Ung Yong thường bị giới truyền thông mang ra so sánh với các thần đồng khác trên thế giới, nhưng ông đã khẳng định: "Tôi đang cố gắng nói cho mọi người rằng tôi hạnh phúc theo cách của mình".
Năm 1981 (khi đó 19 tuổi), Kim Ung Yong đăng ký vào ngành kỹ thuật dân dụng ở Đại học quốc gia Chungbuk. Sau khi tốt nghiệp, ông đi làm với vị trí là một nhân viên bình thường như bao người khác. Nhưng đây lại là quãng thời gian ông cảm thấy hạnh phúc nhất trong suốt nhiều năm qua, ngoại trừ việc thường xuyên bị truyền thông soi mói.
Từ năm 2007, ông Kim làm việc tại phòng phát triển kinh doanh đại học Chungbuk. Có hơn 90 bài nghiên cứu của ông đã được phát hành trên nhiều tờ báo khoa học chuyên ngành. Lúc đó, dù không nổi tiếng, không danh vọng nhưng ông vẫn hạnh phúc với sự lựa chọn của mình và tìm thấy sự bình yên trong công việc văn phòng.
Năm 2014, Kim Ung Yong đã chính thức trở thành giáo sư ở tuổi 52. Công ty bất động sản ở Chungbuk nơi ông Kim từng làm việc, khẳng định thần đồng một thời của Hàn Quốc đã nghỉ việc để trở thành giáo sư của đại học Shinhan ở tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc.
Hiện nay ông còn là diễn giả cho một số chương trình giáo dục trẻ em. Ông đưa ra nhiều lời khuyên dành cho cha mẹ về việc giáo dục con cái. Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử cao trên thế giới do sức ép học tập và rèn luyện từ nhỏ. Vậy nên, ông đang nỗ lực thay đổi quan điểm sai lầm trong giáo dục của đất nước. Nhiều bạn trẻ đã ủng hộ tư tưởng này của ông.
Giờ đây, vẫn còn có nhiều người gọi ông là "thiên tài thất bại" nhưng ông cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Thiên tài còn dành cả đời để khẳng định cuộc sống hạnh phúc của bản thân nhưng mọi người lại luôn chỉ trích niềm hạnh phúc đó. Ông phản bác, cuộc sống đó diễn ra theo đúng chuẩn mực cá nhân ông thì đó là thành công.
Ông tâm sự: “Mọi người hy vọng tôi trở thành chính trị gia xuất sắc hay nhà kinh tế đại tài. Nhưng tôi không nghĩ quyết định của mình là sự thất bại. Tôi thành công và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại”.
Ngoài ra, Kim Ung Yong luôn cảm thấy bản thân mình thành công hơn bao giờ hết khi tìm được cuộc sống hạnh phúc thực sự. Hạnh phúc, chính là một cuộc sống bình thường!
Suốt 10 năm ròng rã làm việc ở NASA, Kim nhớ gia đình, bố mẹ và độ tuổi chưa bao giờ được là chính mình. Và đó chính là lý do khiến người đàn ông thông minh nhất thế giới chấp nhận bỏ hết tất cả để hồi hương, sống cuộc sống mình mong muốn.
Đến cuối cùng, Kim nhận ra rằng: "Mọi người đã quá đặt nặng chỉ số IQ. Xã hội không nên đánh giá con người bằng tiêu chuẩn đơn lẻ như vậy bởi mỗi người đều có tài năng, đẳng cấp, hy vọng và ước mơ của riêng mình. Chúng ta nên tôn trọng điều đó".