* Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch ngày 20 tháng Chạp năm Nhâm Dần (2022) tại chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên Huế. Vào ngày 29/1 sắp tới là kỷ niệm 2 năm ngày mất của Sư ông Làng Mai.
Sáng nay trên đường vội tới công sở, tới trường, bạn có kịp nhìn ngắm bầu trời, để mắt tới những tàng lá xanh, hay liếc trông ngọn cỏ nhàn tản rung rinh ven đường không?
Loài người được xem là "tiến hóa" nhưng có phải với đời sống hiện đại này, chúng ta đang "tiến" sang trạng thái bất ổn và "hóa" ra ít còn thấy yêu mình, yêu người, yêu cuộc đời hơn chăng?
Chúng ta đua tranh trong công cuộc sáng tạo, đẻ ra thật nhiều sản phẩm dịch vụ để rồi lại mải miết đánh đổi thời gian, sức lực, bình an, chỉ để sở hữu những sản phẩm dịch vụ ấy. Ta đang sống nhưng có phải là mê ngủ? Khi để tiện nghi vật chất làm chủ đời mình, khiến ta luôn căng thẳng trong áp lực thời gian đè nặng, và để rồi khiến ta chỉ chăm chút cho lợi ích của mình, bất chấp hậu quả về sau, bất chấp số phận người khác, và bất chấp cả hành tinh Mẹ - nơi an trú của ta, của bao thế hệ cha ông và con cháu đời đời tiếp nối.
Trong cuốn sách "Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh" (bản gốc tiếng Anh: The world we have), Thiền sư Thích Nhất Hạnh chỉ cho chúng ta một sự thật tuy đau đớn nhưng không thể chối bỏ: "Chúng ta có khác gì những con gà đang bị nhốt trong chuồng và đang giành xé nhau một vài hạt bắp mà không biết rằng lát nữa mình sẽ bị giết làm thịt."
Bạn có thấy rằng khí hậu giờ ngày càng bất ổn hay không. Hà Nội nhiều năm trước bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông thật là rõ rệt. Giờ đây bạn tới Hà Nội có thể bắt gặp cả bốn mùa…trong cùng một ngày (sáng mưa lây phây, chiều nắng bỏng, đêm rét lạnh). Ở những nơi khác cũng bất ổn như thế. Khắp nơi trên thế giới thiên tai ngày càng dữ dội. Lũ lụt, hạn hán, sóng thần, sạt lở, động đất, xâm nhập mặn…Nó không còn chỉ xa vời ở tít vùng đất nào đó, cực nam cực bắc xa xôi nào đó, mà ngay đây, chính xung quanh nơi chúng ta đang sống.
Hệ sinh thái đã tổn thương là thế, còn xã hội chúng ta thì sao? Xung đột, chiến tranh vẫn diễn tiến và bùng phát ở nơi này nơi khác. Và kể cả đang được may mắn hưởng cuộc sống hòa bình, thì chúng ta có thật sự an bình trong tâm khảm hay chưa? Bây giờ công nghệ, mạng Internet và cuộc sống online trên mạng xã hội khiến mọi thứ lan tỏa rất nhanh và rất xa. Nhưng sóng bình yên thì ít mà những gấp gáp và giao tiếp bất bạo động thì nhiều. Chúng ta trở nên khó kiềm chế hơn, dễ cáu bẳn hơn, đánh mất lòng tin và ít đi sự hài lòng.
Nếu cứ tiếp diễn như thế, có vẻ những viễn cảnh như trong các bộ phim về tận thế của Hollywood cũng không phải chỉ còn trong tưởng tượng – dù có thể ở các hình thức biểu hiện khác đi.
Vậy là cứ ngồi chờ "ngày tận thế" hay sao? Mỗi người chúng ta có thể đóng góp đáng kể vào công cuộc bảo vệ hành tinh và môi trường sống cho loài người bao gồm chính mình trong đó không?! Hay nhìn một cách thiết thực và gần gũi hơn, bạn có muốn bản thân và gia đình sống an vui trong một môi sinh an lành hay không? Chúng ta hoàn toàn có thể bắt tay "làm điều gì đó" từ bây giờ! Hãy lắng nghe! Có tiếng chuông rung như lời nhắc chúng ta cần chậm lại để nhìn ra toàn bộ đời sống dài rộng nhưng lại nhỏ bé trong vũ trụ này, vừa như một tiếng gọi về với tỉnh thức để "tâm an vạn sự an".
Nếu chưa đủ tự tin và lạc quan, có thể những chỉ dẫn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (mà bài viết này chủ tâm mượn ý và dẫn lời của Thầy trong cuốn sách nhắc tới trên đây), có lẽ sẽ là nguồn động lực giúp chúng ta bắt đầu gầy dựng – từ tư duy và tiếp đó là hành động – một cuộc sống vui cho mình, lành cho người và trái đất thân thương, bởi tất cả chúng ta là không thể tách rời.
Ai trong chúng ta có thể tự tin khẳng định rằng mình tự sinh tự diệt, tồn tại độc lập không liên quan đến ai, cái gì.
Hãy thử nghĩ xem. Ta tiếp nối từ tổ tiên, và con cháu tiếp nối chúng ta. Cơ thể ta vun bồi từ khi bé xíu tới trưởng thành nhờ thực phẩm hàng ngày, tâm trí vun bồi từ tri thức và xúc cảm tiếp nhận hàng ngày. "Ăn cái gì là cái đó". Bởi thế ta – con người, trở thành như hôm nay là nhờ vào những yếu tố không phải con người. "Ta" với "người", con người với thiên nhiên, số phận mỗi người và số phận chung của nhân loại nằm trong nhau là thế.
Bởi vậy Thiền sư chỉ rõ để nhìn được thực tại, ta cần vượt qua được bốn ý niệm ngăn cản ta đó là ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả. Khi cởi bỏ bản ngã để thấy "tương tức", hiểu rằng tất cả tiếp diễn trong nhau; con người chứa đựng các yếu tố phi nhân; không còn thờ ơ với những vật mà ta cho là vô tri giác như đất đá, sông hồ; mọi sự vô sinh và bất diệt, ta cũng nằm trong tiếp nối liền mạch từ khi chưa có con người, tới tổ tiên và rồi con cháu chúng ta; thì ta sẽ hiểu và chấp nhận về mối tương quan mật thiết giữa ta với mọi người và mọi loài. Và như thế, ta sống an thì môi trường xung quanh sẽ lành, ta bảo vệ môi sinh cũng là để bảo vệ chính mình, bảo vệ các giá trị ta đã tiếp nối từ tổ tiên và vun đắp các giá trị cho đời sau đó.
Vậy có thể bắt đầu từ đâu?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra năm giới quý báu – năm thực hành mà chúng ta có thể áp dụng để trước nhất là chuyển hóa và trị liệu chính mình, từ đó chuyển hóa và làm lành môi sinh.
Giới thứ nhất, ta nguyện tôn trọng và bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài.
Giới thứ hai, ta ý thức được hạnh phúc chân thực là tự tâm chứ không đến từ bên ngoài, thực tập tri túc (biết đủ) để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà mình đã sẵn có, hiểu rằng hạnh phúc và khổ đau của "ta" và "người" có quan hệ mật thiết với nhau.
Giới thứ ba, ta ý thức nuôi dưỡng tình thương đích thực từ các yếu tố từ, bi, hỉ, và xả.
Giới thứ tư, ý thức dùng lắng nghe và ái ngữ để hiến tặng niềm vui, giảm bớt đau khổ.
Giới thứ năm, ý thức nuôi dưỡng và trị liệu sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực hành chánh niệm trong ăn uống và tiêu thụ.
Nếu so với trước đây, chúng ta ngày nay dường như dư thừa mọi thứ: Dư thừa của cải vật chất, dư thừa các món ăn tinh thần, dư thừa thông tin, dư thừa phương tiện. Nhưng chúng ta lại không dư thừa hạnh phúc – thậm chí là thường xuyên thiếu thốn niềm an lạc tự thân.
Chúng ta sản xuất và tiêu thụ một cách thiếu ý thức, có thể nhìn rõ nhất ở thực phẩm, quần áo và thông tin. Vật chất đầy đủ khiến đồ ăn không được quý trọng, không khó để gặp những bữa ăn bị bỏ thừa mứa tại nhà hàng. Thời trang nhanh, giá rẻ cũng kích thích lượng tiêu thụ khổng lồ, chúng ta mua sắm có khi chỉ để xả stress mà không hẳn do nhu cầu cần thiết. Mạng xã hội, rồi AI sinh ra các công cụ giúp ai cũng có thể sản xuất thông tin, bao gồm thông tin rác, chúng ta vừa làm nhà sản xuất vừa làm người tiêu thụ những thông tin vô bổ, tiêu cực, thậm chí sai lệch ấy.
Hệ quả là gì? Chúng ta đã trực tiếp và gián tiếp tạo ra chất độc cho môi trường từ các ngành công nghiệp phục vụ lối tiêu thụ quá mức của con người, chúng ta căng thẳng hơn vì phải đua chen trong dòng chảy vật chất, chúng ta bị quá tải thông tin và trở nên trì trệ hơn trong tư duy vì quá nhiều rác thông tin.
Nếu muốn quay trở về hạnh phúc tự thân, và để niềm an lạc thường trú trong tim, đã đến lúc ta học theo chỉ dẫn của Thiền sư mà vời đến năng lượng chánh niệm.
Hãy luôn tự nhắc nhở ăn cái gì – là cái đó:
Đoàn thực: Ăn thực phẩm vừa đủ, nhai kỹ càng. Thấy vũ trụ chứa đựng trong thức ăn nước uống. Ăn với lòng biết ơn và niềm vui.
Xúc thực: Những "thức ăn" qua đường mắt, tai, mũi, thân và ý. Nhiều nhất có thể, hãy tiếp nhận những xúc thực lành mạnh, ngắm nhìn bông hoa hay chiếc lá, lắng nghe bản nhạc êm dịu, ngửi những hương thơm của cỏ cây, xúc chạm với mặt đất nơi thiên nhiên an lành, ý thức luôn tràn đầy hiểu biết và thương yêu.
Tư niệm thực: Những ý nguyện, ước muốn sâu sắc. Nếu ta hun đúc những mong mỏi thiện lành cho mình và cho người, đó sẽ như dòng suối chảy mát lành hàng ngày tưới tẩm tâm hồn, mang lại năng lượng vững vàng để ta tiến về phía trước trong niềm an lạc.
Thức thực: Ý thức và tàng thức. Đó là tầng "tiêu thụ thức ăn" sâu nhất trong đời sống. Bởi tính chất tương tức mà tâm thức của ta và của tổ tiên, của con cháu hay của muôn loài có quan hệ mật thiết với nhau. Nên khổ đau "không của riêng ai". Như nỗi đau của quá khứ chiến tranh nơi ông bà cha mẹ thì vẫn còn in trong tàng thức của chúng ta. Nhưng cũng như một hạt gạo tắm trong ánh nắng, mưa rào, trưởng dưỡng lên từ đất Mẹ thì những giá trị an lành đó cũng đã lặng im chảy vào trong tâm tưởng của ta từ khi ta nhai hạt cơm trong chánh niệm. Biết được điều đó, ta sẽ có thể chọn sống trong thiện lành từ ngay bây giờ, từ chính mình, để sự an lành đó hòa vào tâm thức của cộng đồng, của toàn thể. Khi ấy, chính chúng ta – tưởng như bé nhỏ - lại sẽ gầy dựng nên "một sự tiếp nối đẹp đẽ".
"Hôm nay nếu ta có nói điều gì không hay lắm thì ta nên nói lại điều gì hay hơn, như thế mọi việc sẽ thay đổi. Một tư tưởng tích cực luôn đem lại lợi lạc cho thân tâm ta và giúp chữa trị những vết thương của xã hội."
Nếu chỉ ở đó than phiền, chê trách, và sợ hãi, không có điều gì xảy ra. Thậm chí mọi thứ có thể lại tệ hơn do dòng tâm thức bất lành ấy. Chi bằng ta chọn thức tỉnh và hành động từ ngay lối sống hàng ngày, mỗi ngày một chút ít thay đổi và lan tỏa tới người trong gia đình, tới bạn bè, cộng đồng...
Khi hành động, khi suy nghĩ, khi nói năng, hãy có ý thức về tác động của những việc làm, nghĩ suy, lời nói ấy tới mình và mọi người, tới môi sinh nơi mình đang sống. Như thế mỗi chúng ta sẽ góp vào một hạt giống cho giấc mơ lớn, giấc mơ tất cả chúng ta, con cháu chúng ta, mở rộng là cả hành tinh này, sống trong an vui, trong một môi trường xanh tươi lành mạnh.
Sống chung an lạc với đất Mẹ
- Đi bộ hoặc đi xe đạp đến những nơi có đoạn đường từ ba kilômét trở xuống.
- Kết hợp cùng đi xe với nhiều người khác hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
- Dùng cầu thang, không dùng thang máy.
- Kiểm tra nghiêm túc việc sử dụng điện trong nhà và cải thiện năng suất của nó.
- Đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời ở trong nhà.
- Phơi quần áo ngoài nắng gió (không dùng máy sấy).
- Hạn chế sử dụng máy sấy tóc và những đồ dùng bằng điện trong gia đình.
- Mua thực phẩm trồng tại địa phương để yểm trợ người nông dân, hạn chế mua những thức ăn vận chuyển từ xa.
- Trồng hoa màu tại nhà.
- Không sử dụng thuốc trừ sâu và diệt cỏ.
- Mua phần trăm thức ăn trồng theo lối hữu cơ.
- Tham gia những nhóm yểm trợ ngành canh nông gần nhà.
- Chỉ dùng thức ăn chay tịnh.
- Tránh mua những sản phẩm đóng gói nhiều bao bì.
- Thay khăn, dĩa giấy bằng những thứ có thể dùng lại được.
- Sử dụng những sản phẩm lau chùi không hại cho môi sinh.
- Chuyển hóa thành phân bón những thức ăn dư thừa của nhà bếp.
- Khuyến khích các cơ quan, trường học đóng góp vào việc tái chế rác.
- Tái chế để dùng lại những thứ có thể dùng lại được.
- Trồng những cây quen thuộc của địa phương, và ít cần tưới nước.
- Trồng cây quanh thôn xóm.
- Thiết kế các ổ cắm điện riêng cho các thiết bị gia dụng để tránh thất thoát điện.
- Tắt máy vi tính khi không sử dụng.
- Cài đặt chương trình tắt máy vi tính sau mười phút không sử dụng.
- Giảm dùng nước nóng.
- Không tắm quá lâu khi tắm nước nóng.
- Tắt vòi nước khi đang đánh răng hay cạo râu, tóc.
- Nhặt rác trên đường đi.
- Khuyến khích bạn bè cam kết thực hiện một vài mục trong bảng đề nghị này.
- Tìm cách học hỏi về môi sinh.
- Viết báo hay viết truyện để giúp người khác tiếp xúc với vấn đề môi sinh.
- Tập quán chiếu một lần trong tuần về mối quan hệ giữa ta và môi trường nơi ta đang sống.
- Một lần trong tuần tập nhìn sâu để tìm cách giảm mức tiêu thụ và thực hành cho được.
- Yểm trợ những tổ chức bảo vệ môi sinh trong địa phương.
(Lược dịch từ Hiệp ước sống chung an lạc với đất Mẹ - sách Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và môi sinh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)