Ở vùng đồng bằng châu Phi, không khí có thể nóng hừng hực khi nhiệt độ tăng cao. Để chống lại điều đó, loài voi ở châu lục này sở hữu một vũ khí bí mật: Đó là cơ chế độc đáo tựa như điều hòa không khí tự nhiên cho phép nó hạ nhiệt cơ thể.
Da voi được bao phủ bởi hàng triệu các rãnh nhỏ. Nguồn: Inverse
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Geneva (UNIGE) và Viện SIB Thụy Sĩ chuyên về thông tin di truyền học đã phát hiện ra rằng hàng triệu các rãnh bao phủ da của voi là những nếp gấp li ti trên lớp biểu bì của nó một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của voi.
Công trình của họ được công bố trên tạp chí Nature Communication
Voi hất đất ẩm ướt lên người để giảm sức nóng cho cơ thể. Nguồn: inverse
Trái ngược với con người, voi không có tuyến mồ hôi, vì vậy nó không thể đổ mồ hôi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Để chịu được sức nóng và hạn hán, nó phải thường xuyên tự phun nước lên cơ thể và lăn mình trong đất bùn để cảm nhận chút ít cảm giác mát mẻ.
Ngoài ra, "cấu trúc da của nó cho phép voi lưu trữ một lượng nước rất lớn", Michel Milinkovitch, tác giả chính của bài báo nghiên cứu và giáo sư tại Khoa Di truyền và Tiến hóa của Đại học Geneva, cho biết.
"Nước thẩm thấu rồi được giữ lại trong các kẽ nứt và bốc hơi chầm chậm, cho phép con vật giải nhiệt cơ thể trong một thời gian dài".
Khả năng này là đặc quyền riêng ở voi châu Phi. Đối với những con voi châu Á, do chúng sống trong một môi trường ẩm ướt hơn nhiều nên không cần phải lưu trữ một lượng lớn nước trong da của mình.
Da voi dày gấp nhiều lần so với da người. Nguồn: Inverse
Lớp biểu bì của voi châu Phi dày hơn 50 lần so với chúng ta. Ở voi, các lớp da được xếp chồng lên nhau như ở người.
"Ở người, lớp da chết sẽ bị loại bỏ", Michel Milinkovitch giải thích. "Ở voi châu Phi thì không phải như vậy".
Đó là một khiếm khuyết mà người ta có thể tìm thấy ở những người bị bệnh vảy cá bẩm sinh. Trong trường hợp này, nó không mang lại lợi ích gì cả.
Lớp vảy hay da chết này đạt gần 1 mm ở voi. Nó được bao phủ bởi một mạng lưới hàng triệu các khe nhỏ bé tí có vẻ ngoài trông rất giống với những vết nứt trên lớp bùn khô hạn lâu ngày.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng những đường rãnh này là những nếp gấp thực sự của các lớp sừng của biểu bì. Thông qua quan sát trực tiếp trên da voi, và cùng với những hình ảnh được chụp ở độ phân giải rất cao, chúng tôi đã có thể xác định cơ chế chịu trách nhiệm cho sự phát triển của chúng".
why do elephants have wrinkled skin- new study on cracks solves old mystery - inverse
Lớp chân bì (nằm sát ngay dưới biểu bì) của voi tạo thành một bề mặt nhiều vi thung (thung lũng siêu nhỏ) từ các nhú hay gai (như các gai trên bề mặt lưỡi), và từ các vết lõm rỗng. Do sự dày lên tự nhiên của lớp biểu bì trên lớp chân bì khiến những đường rãnh trên được hình thành ngay từ bên trong các vi thung trên bề mặt của chân bì.
Thật vậy, do lớp trên cùng không bị loại bỏ, nó bị gập lại dưới tác động của áp suất, điều gây ra những nếp gãy thực sự.
Để khẳng định điều này, các nhà nhiên cứu đã tiến hành quan sát trên một voi con mới chào đời.
"Chúng tôi đã có thể nghiên cứu trên một chú voi con ngay vừa mới sinh ra trong công viên African Safari ở Haute-Garonne", Michel Milinkovitch cho biết. "Lúc mới sinh, voi có làn da với nhiều vết lõm li ti nhưng không có nếp gãy nào."
Sự hình thành các nếp gãy ở da voi được gọi là "quá trình của cơ thể". Nếu không có sự dày lên của da thì quá trình này sẽ không xảy ra. Một quá trình như vậy không chỉ giúp làm mát cơ thể voi mà còn có thể giúp con vật đối phó với tia nắng mặt trời bằng cách bảo vệ nó khỏi tia UV.
Việc thiếu hụt hiện tượng tróc vảy da là một vấn đề ở một số người, nhưng là một giải pháp hữu ích cho voi!
Chú thích:
Lớp vảy sừng: Là lớp tế bào chết nằm ngoài cùng, được tạo thành từ những tế bào biểu bì bên dưới và được thay thế liên tục. Lớp vảy sừng có tác dụng che chở cho lớp tế bào sống bên trong.
Lớp biểu bì: Là lớp tế bào sống (còn gọi là tế bào sừng). Các tế bào này phát triển liên tục, tạo ra các tế bào mới và đẩy dần các tế bào bên trên ra ngoài để tạo ra lớp vảy sừng.
Lớp chân bì: Nằm sát ngay dưới biểu bì, là một mạng lưới các sợi liên kết, có nhiệm vụ nâng đỡ và nuôi dưỡng da. Đây là vùng có chứa các dây thần kinh, mạch máu, mạch bạch huyết, nang lông, tuyến nhờn và các tuyến mồ hôi.
Lớp hạ bì: Nằm dưới lớp chân bì, có chứa nước, các mô liên kết và mô mỡ. Lớp hạ bì đóng vai trò là lớp đệm giữa da và cơ thể.