Lợi nhuận tăng mạnh do hưởng lợi từ giá thép
Trong báo cáo tình kinh kinh doanh quý I vừa được công bố cách đây không lâu, TNA cho biết, đơn vị đã ghi nhận tổng doanh thu là 859,5 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm, tăng 82,6% so với quý I/2015.
Lợi nhuận trước thuế là 38,39 tỷ, đạt được 49% kế hoạch lợi. So với cùng kỳ, con số này đã tăng gấp 2 lần. Lợi nhuận sau thuế cũng ở mức 30,68 tỷ đồng, tăng 107,94% so với quý I năm ngoái.
Có được kết quả kinh doanh khả quan này là do mảng kinh doanh chính của công ty là thép đạt doanh thu cao, giá đã được phục hồi về sau thời gian dài giảm sâu.
Đồ họa: Đình Vượng
Trong quý I, giá nguyên vật liệu để sản xuất thép trên thị trường tăng so với đầu năm 2016 khiến cho giá vốn hàng bán ở mảng kinh doanh này tăng lên 601,5 tỷ đồng, tăng 11% so với quý gần nhất và tăng đến 80% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng cũng kéo theo giá thép thành phẩm tăng.
Theo đó, Thiên Nam hưởng lợi khi doanh thu ở mảng này tăng lên 644,56 tỷ đồng, tăng 12,56% so với quý 4/2015 và tăng đến 74,03% so với cùng kỳ. Chỉ riêng từ thép, Thiên Nam đã thu lãi hơn 43 tỷ đồng, hơn gần 7 tỷ đồng so với quý I/2015.
Ngoài ra, theo công ty này, kết quả này có được còn do trong quý công ty thu được khoản phải thu và lãi phát sinh từ Công ty cổ phần tập đoàn Thành Nam từ 3 năm trước với số tiền 1,63 tỷ đồng.
Điều này giúp TNA ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng giá trị 1,63 tỷ đồng vào lợi nhuận trong quý.
Hiệu quả kinh doanh cao nhất trong 5 quý gần nhất
Việc tăng trưởng mạnh trong quý I vừa qua đã đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp kinh doanh khởi sắc kể từ cùng kỳ quý 1 năm ngoái của TNA.
Với mức doanh thu thuần 846,09 tỷ, so với mức quý IV/2015, quý I/2016 đã cho mức tăng trưởng 16,37%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 quý gần nhât.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Thiên Nam cũng ở mức cao nhất trong 5 quý gần đây, đạt tăng trưởng so với quý gần nhất lần lượt ở mức 88% và 93,87%.
Đồ họa: Đình Vượng
Theo tính toán, chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Thiên Nam trong quý I đã đạt tới 9,84%, nghĩa là cứ 100 đồng vốn chủ sở hữu lại tạo ra 9,84 đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa so với quý gần nhất (5,31%) và cùng kỳ quý I/2015 (4,95%).
Thép vẫn là mảng kinh doanh chính
Thép vẫn là mảng kinh doanh chính của Thiên Nam khi doanh thu từ thép chiếm tới 76,18% trong cơ cấu doanh thu thuần. Trên cơ sở tât cả các nguồn lợi nhuận, thép mang về hơn 72% số tiền lãi của công ty trên tất cả các lĩnh vực.
Ở mảng công nghệ phẩm, doanh thu bán thành phẩm ở mảng này đạt 192,97 tỷ đồng, chiếm 22,8% cơ cấu doanh thu thuần. Mảng công nghệ phẩm đóng góp 13,85% tổng lợi nhuận.
Sử dụng lợi thế có hơn 6670,7 m2 bất động sản tại Quận 10, TP.HCM, Thiên Nam tạo doanh thu từ mảng này tăng 1,54% so với cùng kỳ lên 8,56 tỷ đồng, chiếm 1,02% doanh thu thuần. Bất động sản tạo lợi nhuận 6,15 tỷ đồng, chiếm 10,29% các khoản lợi nhuận.
Doanh thu từ tài chính đã đạt 10,05 tỷ đồng, tăng 5,66% so vơi quý I/2015. Tuy nhiên chi phí lên đến 9,78 tỷ đã ăn mòn doanh thu từ hoạt động này khiến lợi nhuận tài chính chỉ còn ở mức 0,27 tỷ đồng, chiếm 0,46% tất cả các khoản lãi của công ty.
Đồ họa: Đình Vượng
Ngoài ra trong kỳ, Thiên Nam đã thực hiện nhượng bán lại các bất động sản đầu tư của mình và thu về gần 30 triệu đồng.
Cùng với số tiền nhận bồi thường giá trị 1,42 tỷ, thu nhập từ các nguồn khác ngoài kinh doanh và tài chính đạt hơn 2 tỷ đồng, tăng tới hơn 6 lần so với quý I/2015. Các khoản thu này đóng góp 3,36% trong cơ cấu các nguồn lợi nhuận.
Thiên Nam là một doanh nghiệp được nhiều người nhắc tên kể từ đầu năm 2014. Bởi lẽ, đây là doanh nghiệp có nữ tỷ phú trẻ nhất trên sàn chứng khoán Việt, Nguyễn Trần Thảo Nguyên, ái nữ nhà ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Chủ tịch TNA.
Thảo Nguyên sinh năm 1992. Sau thương vụ mua 1 số lượng lớn cổ phiếu TNA, Thảo Nguyên đã nhanh chóng soái ngôi nữ tỷ phú trẻ nhất sàn chứng khoán Việt của Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh, ái nữ nhà bà chủ Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE).
Tính đến hết ngày 31/12/2015, Thảo Nguyên đang nắm 2.038.897 cổ phiếu TNA tương đương 136,6 tỷ đồng.