Tính chung trong 11 tháng năm nay, làn sóng các “thiên đường thuế” như British Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Cayman, Bermuda, Panama, Luxembourg, Bahamas, Panama … rót vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng rõ nét.
Địa điểm lý tưởng
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm tại Việt Nam trong 11 tháng của năm 2016 là 18,103 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ. 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng, với Hàn Quốc dẫn đầu.
Singapore đứng vị trí thứ hai trong 11 tháng với tổng vốn đầu tư đạt 2,05 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Luỹ kế đến nay, Singapore là nhà đầu tư FDI lớn thứ ba tại Việt Nam với gần 38 tỷ USD, sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhiều năm qua, Singapore được coi là một “thiên đường thuế” đối với các doanh nghiệp muốn khởi nghiệp hay đặt chi nhánh, mở rộng kinh doanh tại quốc gia này. Các thủ tục thành lập được tối giản, chi phí thuế, duy trì doanh nghiệp ở mức thấp.
Đây là địa điểm lý tưởng của nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia từ Mỹ, châu Âu lập chi nhánh và từ đây đầu tư ra khu vực châu Á. Tại Việt Nam, nhà đầu tư Singapore nổi danh với 7 khu công nghiệp VSIP.
Vốn từ Hồng Kông (Trung Quốc) cũng đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng những quốc gia đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam trong 11 tháng, với số vốn khoảng 1,3 tỷ USD.
Luỹ kế đến nay, nhà đầu tư Hồng Kông đã rót khoảng 16,6 tỷ USD, thực hiện hơn 1.152 dự án tại Việt Nam. Vùng lãnh thổ có lợi thế nhờ môi trường kinh doanh thông thoáng, độ bảo mật cao và thuế suất thấp, nên được nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư chọn làm “cứ điểm”, từ đó, dòng vốn chảy sang các khu vực khác.
British Virgrin Islands (BVI) - hòn đảo nhỏ bé và cũng là một “thiên đường thuế” nổi tiếng - đã đầu tư khoảng 723 triệu USD trong 11 tháng, nâng tổng số vốn FDI tại Việt Nam lên 21,35 tỷ USD. Hiện BVI có hơn 850.000 doanh nghiệp, gấp nhiều lần dân số 28.000 người của nơi này.
Các doanh nghiệp mở trụ sở tại đây đương nhiên không chỉ hoạt động ở BVI. Họ mang những số tiền khổng lồ đi đầu tư khắp thế giới và trong những năm qua, đã có nhiều tỷ USD được đổ vào Việt Nam.
Các dự án lớn của các doanh nghiệp đến từ BVI tại Việt Nam là Công ty TNHH Trung tâm thương mại VinaCapital với vốn đầu tư 325 triệu USD; Công ty TNHH GVD Việt Nam 1 (300 triệu USD); Công ty TNHH Worldon Việt Nam (300 triệu USD); Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam…
Cục Đầu tư nước ngoài còn cho biết, luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam có phần lớn thông qua một số chi nhánh của họ hoạt động tại BVI như các trường hợp của Intel, Chevron, Procter & Gamble hay ConocoPhillips…
Samoa đầu tư khoảng 504 triệu USD trong 11 tháng năm nay, nâng tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam lên 6,5 tỷ USD, đứng thứ 12 trong danh sách các nước đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Samoa cũng được coi là một “thiên đường thuế” hấp dẫn.
Bảng xếp hạng FDI 11 tháng tại Việt Nam còn ghi nhận các nhà đầu tư đến từ các “thiên đường thuế” khác trên thế giới, như Cayman (419 triệu USD), Luxembourg (297 triệu USD), Panama (62,7 triệu USD), Bermuda (307 triệu USD), Seychelies (270 triệu USD)…
Trong số này, Seychelles là một trường hợp khá đặc biệt. Đây là quần đảo gồm 115 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở phía Tây châu Phi. Khu vực này tràn ngập các rạn san hô, những bãi biển hoang sơ với bờ cát trắng trải dài cùng các khu nghỉ dưỡng xa xỉ. Ở đây không có thuế thu nhập, thuế đánh vào thặng dư vốn, quà tặng cũng như bất động sản.
Không chỉ FDI
Ngoài vốn FDI, dòng tiền từ “thiên đường thuế” ngày càng lưu tâm đến sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo cơ quan quản lý, từ 1/7/2015 đến nay, đã có khoảng 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với giá trị khoảng 2.9 tỷ USD, với tâm điểm là các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, vận tải hàng không... Singapore là quốc gia dẫn đầu về lượng vốn góp.
Một quỹ đầu tư thuộc hàng lớn nhất tại Việt Nam, có tài sản lên tới vài tỷ USD, cũng được thành lập tại BVI. Hiện quỹ này đang sở hữu cổ phần tại một loạt các doanh nghiệp lớn như HPG, VNM, DPM, HSG, FPT, REE...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, luỹ kế đến tháng 11, các quốc gia trên thế giới đã đầu tư khoảng 292 tỷ USD vào Việt Nam. Trong đó, công nghiệp chế tạo là lĩnh vực thu hút lượng FDI lớn nhất với 172,5 tỷ USD rót vào 11.622 dự án.
Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng 52 tỷ USD. Tiếp đó là các ngành sản xuất, phân phối khí, nước, điều hoà với 12,7 tỷ USD; dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 11,2 tỷ USD; xây dựng 10,7 tỷ USD; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy đạt 5,2 tỷ USD; nông nghiệp đạt 3,5 tỷ USD; khai khoáng là 3,4 tỷ USD….
Trên thế giới, việc lập công ty ở “thiên đường thuế” của các tập đoàn đa quốc gia thường đối mặt với dư luận khá tiêu cực tại các nước châu Âu, Mỹ, do hệ quả là “nước mẹ” bị thất thu một nguồn thuế lớn.
Tại Việt Nam, để quản lý và hạn chế những rủi ro từ “thiên đường thuế”, Chính phủ đã ký kết nhiều hiệp định tránh đánh thuế hai lần với cùng một khoản thu nhập với các nước như Singapore, Mỹ, Pháp…
Các loại thuế được cam kết không đánh hai lần gồm thuế thu nhập cá nhân, lợi tức, lợi nhuận ra nước ngoài, thu nhập với các nhà thầu… Tuy nhiên, việc đánh thuế một lần cũng không đủ sức hấp dẫn so với việc miễn hoàn toàn từ các “thiên đường thuế”.