Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử

Thu Hằng |

Vào năm 1946, chính phủ Mỹ đã đưa 167 cư dân bản địa của đảo san hô Bikini đi sơ tán trước khi họ bắt đầu phá hủy hòn đảo “thiên đường” này bằng 23 vụ thử hạt nhân.

Đảo san hô Bikini, thuộc quần đảo Marshall, là một chuỗi 23 hòn đảo nhỏ với những bãi biển cát trắng và rặng dừa đu đưa, vây quanh là những vũng biển xanh ngắt, yên bình.

Nhưng đảo san hô nhỏ nằm giữa Thái Bình Dương này đã nhiều lần bị rung chuyển dữ dội bởi 23 vụ nổ bom nguyên tử và bom hydro của Mỹ vào những năm 1940, 1950. Và dù ngày nay Bikini đã trở lại với thiên nhiên hoang sơ đẹp đẽ, nhưng ẩn sau đó vẫn là mối lo sợ kinh hoàng về nguy cơ nhiễm phóng xạ.

Bão táp bắt đầu xảy đến với đảo Bikini ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vào tháng 12/1945 khi Tổng thống Mỹ Harry Truman ban hành một chỉ thị cho giới chức lục quân và hải quân rằng việc thử nghiệm chung vũ khí hạt nhân là cần thiết "để xác định hiệu quả của bom nguyên tử trên tàu chiến Mỹ".

Do vị trí nằm cách xa các tuyến đường hàng không và đường biển thông thường, Bikini được chọn là địa điểm thử hạt nhân mới cho Chính phủ Mỹ.

Trở ngại duy nhất với Mỹ và chương trình thử nghiệm hạt nhân là cộng đồng gồm 167 người dân đảo Bikini. Tháng 2/1946, Thống đốc quân sự của Quần đảo Marshall, Commodore Ben H Wyatt đã đến Bikini để giải quyết vấn đề nan giải này.

Vào một ngày Chủ nhật yên tĩnh, ở sân sau nhà thờ, ông tập hợp những người dân Bikini đến để hỏi liệu họ có sẵn sàng tạm thời rời đi để Mỹ có thể bắt đầu thử bom nguyên tử vì "lợi ích của nhân loại và chấm dứt mọi cuộc chiến tranh thế giới".

Vua Juda, thủ lĩnh của người Bikini, sau khi cân nhắc rất lâu với người dân của mình, đã đứng trước phái đoàn Mỹ và trả lời: "Chúng tôi sẽ tin rằng mọi thứ đều nằm trong tay Chúa."

Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 1.

Thống đốc Wyatt nói chuyện với người dân đảo. Ảnh: Wikimedia Commons


Khi những người bản địa đã sẵn sàng cho cuộc di cư của họ, thì công cuộc chuẩn bị cho chương trình thử nghiệm hạt nhân của Chiến dịch Crossroads cũng tiến triển nhanh chóng.

Khoảng 242 tàu, 156 máy bay, 25.000 thiết bị theo dõi bức xạ và 5.400 con chuột thí nghiệm, dê và lợn của Hải quân Mỹ đã được đưa đến đảo để thử nghiệm. Hơn 42.000 nhân viên quân sự và dân sự Mỹ cũng liên quan đến chương trình thử hạt nhân tại đây.

Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 2.

Tàu USS Saratoga của Mỹ bị đánh chìm trong một vụ thử hạt nhân thuộc Chiến dịch Crossroads ở đảo Bikini. Ảnh: Wikimedia Commons


Vào tháng 3/1946, người bản địa được tàu Hải quân đưa đến hòn đảo san hô Rongerik nằm cách đó 125 dặm về phía đông, nơi không có người ở và thảm thực vật thưa thớt.

Chính quyền Mỹ để lại thực phẩm cho người Bikini trong vài tuần, nhưng họ sớm phát hiện ra rằng dừa và các loại cây lương thực địa phương khác cho rất ít trái so với cây trên đảo Bikini và cá trong đầm không thể ăn được: Người dân đảo bắt đầu bị đói Trong hai tháng sau khi đến, họ bắt đầu cầu xin các quan chức Mỹ đưa trở về Bikini.

Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 3.

Người dân đảo tập trung nghe thông báo của Hải quân Mỹ. Ảnh: Getty Images


Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 4.

Người dân đảo sơ tán để mở đường cho Chiến dịch Crossroads năm 1946. Ảnh: Getty Images


Vào tháng 3/1948, khi cuối cùng giới chức Mỹ hiểu rằng người dân ở Rongerik có nguy cơ tử vong vì thiếu lương thực, cộng đồng này mới được chuyển đến đảo san hô Kwajalein. Rồi vào tháng 11/1948, sau 6 tháng trên đảo Kwajalein, 184 người dân Bikini lại ra khơi một lần nữa. Lần này đích đến là đảo Kili, nơi tái định cư thứ ba của họ chỉ trong 2 năm.

Trong khi người dân đảo phải vật lộn để sinh tồn thì đảo quê hương họ đang trong quá trình bị phá hủy. Sau nhiều vụ thử bom nguyên tử kể từ Chiến dịch Crossroads năm 1946, vào tháng 1/1954, không quân và quân đội Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho Chiến dịch Lâu đài.

Đây là một loạt các vụ thử hạt nhân bao gồm thử bom hydro (còn gọi là bom H hay bom khinh khí) mạnh nhất từng được Mỹ kích nổ (quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki là bom A).

Sáng sớm ngày 1/3/1954, quả bom hydro mang mật danh Bravo đã được kích nổ trên bề mặt rạn san hô ở góc tây bắc của đảo Bikini. Hàng triệu tấn cát, san hô, thực vật và sinh vật biển từ ba hòn đảo, rạn san hô và vùng đầm phá xung quanh bị bắn vọt lên không trung. Trên đảo Rongelap (nằm cách đó khoảng 200km về phía đông), những lớp tro bụi trắng như tuyết bắt đầu rơi từ trên trời xuống 3-4 giờ sau khi vụ nổ, phủ đầy lên 64 cư dân sống ở đó và cả 18 người sống trên đảo san hô Ailinginae.

Xem video vụ nổ bom H có mật danh Bravo trên khu vực đảo san hô Bikini:

Trẻ em chơi trong bụi phóng xạ và khi màn đêm buông xuống, chúng bắt đầu có dấu hiệu phơi nhiễm phóng xạ. Chúng bị nôn mửa và tiêu chảy nghiêm trọng. Người dân bắt đầu rụng tóc hàng loạt. Hòn đảo rơi vào tình trạng hoảng loạn. Chỉ vài ngày sau, họ được chuyển đến đảo Kwajalein để chăm sóc y tế.

Bravo mạnh hơn gấp 1.000 lần so với hai quả bom nguyên tử được thả xuống Nagasaki và Hiroshima, Nhật Bản. Các bức ảnh chụp từ trên không xuống đảo Bikini đến nay còn cho thấy "vết sẹo" vật lý lớn nhất còn sót lại từ thời kỳ thử nghiệm hạt nhân: nơi từng có các đảo và rạn san hô giờ đây là một miệng núi lửa màu xanh rộng 1,6km và sâu 60 mét.

Sau 23 vụ nổ, các vụ thử hạt nhân trên đảo Bikini kết thúc vào năm 1958

Trong khi đó, trở lại đảo Kili, cuộc sống của những người dân gốc Bikini đã trở thành một trận chiến sinh tồn. Năm 1967, các cơ quan chính phủ Mỹ cuối cùng đã bắt đầu xem xét khả năng đưa người dân Bikini trở lại đảo của họ dựa trên những gì đánh giá khi đó về mức độ phóng xạ trên đảo.

Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 7.

Đám mây bụi khổng lồ từ vụ nổ hạt nhân vào ngày 25/7/1946 trong Chiến dịch Crossroads trên đảo Bikini. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ


Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 8.

Hình ảnh một vụ thử hạt nhân khác của Mỹ ở khu vực đảo Bikini. Ảnh: Getty Images


Vào tháng 6/1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B Johnson hứa với 540 người dân Bikini sống ở đảo Kili rằng giờ đây họ có thể quay trở lại hòn đảo quê hương.

Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ trấn an người dân đảo rằng những nỗ lực làm sạch phóng xạ của họ đã thành công. "Hầu như không còn bức xạ và chúng tôi không thể tìm thấy ảnh hưởng rõ rệt nào đối với đời sống thực vật hoặc động vật", Ủy ban này đưa ra tuyên bố.

Vì thế, khoảng 150 người đã tái định cư tại đảo Bikini vào đầu những năm 1970. Tuy nhiên, đến tháng 9/1978, giấc mơ sinh sống trên đảo quê hương của họ đã chấm dứt. Người dân lại buộc phải sơ tán khi giới chức phát hiện ra rằng nguyên tố phóng xạ phổ biến nhất trên Bikini là Caesium 137 đã đi qua chuỗi thức ăn và vào cơ thể của người dân đảo.

Các quan chức Bộ Nội vụ Mỹ gọi mức tăng khổng lồ về nồng độ Caesium trong cơ thể người dân đảo là "không thể tin nổi".

Do Caesium 137 đã làm ô nhiễm chuỗi thức ăn trên đất liền, nên kể từ cuộc di cư thứ hai vào năm 1978, không một người dân nào còn sinh sống trên đảo Bikini.

Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 10.

Một ngư dân trên tàu đánh cá Nhật Bản vô tình bị nhiễm xạ từ vụ thử bom H "Bravo" trên đảo Bikini. Ảnh: Wikimedia Commons


Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 11.

Quang cảnh vụ nổ quả bom "Baker" sức công phá 21 kiloton vào ngày 25/7/1946. Ảnh: Quân đội Mỹ


Ngày nay, không có nguy cơ phóng xạ xảy ra với con người nếu như họ chỉ đi lại trên đảo và sử dụng thức ăn, nước uống được đưa từ đất liền ra. Trong khi đó, người dân Bikini vẫn sống rải rác trên Quần đảo Marshall và những nơi khác trên thế giới.

Mặc dù đảo Bikini không còn người bản địa sinh sống, nhưng nó không bị bỏ rơi. Đầu những năm 1990, khi các thợ lặn và doanh nhân du lịch bắt đầu quan tâm đến môi trường nguyên sơ và những cảnh quan tuyệt đẹp trên đảo, chính quyền địa phương bắt đầu xem xét mở một khu nghỉ dưỡng cho khách du lịch.

Sau nhiều kế hoạch và hoạt động xây dựng, đảo san hô Bikini đã mở cửa đón du khách vào tháng 6/1996, nhằm mục đích tạo cơ sở kinh tế cho việc tái định cư trong tương lai.

Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 12.

Thợ lặn tiếp cận gần một con tàu bị đánh chìm trong các vụ thử hạt nhân. Ảnh: Wikimedia Commons


Thiên đường đã mất ở hòn đảo Mỹ thử hàng chục quả bom nguyên tử - Ảnh 13.

Một phần đảo san hô Bikini. Ảnh: Getty Images


Hai vụ nổ bom nguyên tử trong Chiến dịch Crossroads đều có sức công phá tương đương với quả bom hạt nhân rơi xuống Nagasaki ở Nhật Bản. Trong đó, vụ thả quả bom Able ngày 1/7/1946 từ máy bay, đã đẩy trôi mục tiêu nửa dặm và đánh chìm một vài con tàu được đặt sẵn để thử nghiệm.

Vụ thử quả bom Baker ngày 25/7/1946 được kích nổ ở độ sâu gần 30 mét bên dưới các con tàu, tạo ra một làn sóng thủy triều khổng lồ và đẩy nhiều tàu chìm xuống các vũng ven biển.

Có thể nói Chiến dịch Crossroads đã để lại những gì ngày nay trở thành "mỏ vàng du lịch" cho người dân Bikini: một hạm đội bị đánh chìm của một số những tàu chiến mang dấu ấn lịch sử nhất thế giới: tàu USS Saratoga là tàu sân bay duy nhất có thể lặn được; tàu Nagato của Đô đốc Nhật Bản Yamamoto, từ đây vị đô đốc khét tiếng đã nghe được những tiếng thét "Tora! Tora!" báo hiệu cuộc tấn công ở Trân Châu cảng.

Quanh đảo còn là hạm đội gồm 7 tàu khác bao gồm 2 tàu ngầm, một tàu chiến, hai tàu khu trục và hai tàu vận tải tấn công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại