Mưu tính trong màn trướng, quyết thắng ngoài chiến trường
Nguyễn Chích mồ côi từ nhỏ, không có ai để nương tựa. Nên ông phải đi làm người ở cho nhà phú ông để kiếm sống. Ngày ngày ông dẫn trâu đi ăn tại những đồng cỏ. Cho trâu ăn no ông lại đầu tắt mặt tối với những công việc trong nhà.
Chính công việc nhiều vất vả đã hun đúc ông sớm trở thành người có bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ hơn người.
Năm 1406, quân Minh tràn xuống xâm lược bờ cõi nước ta. Trước sự bạo tàn của giặc phương Bắc. Ông tập hợp trai tráng trong vùng đứng lên khởi nghĩa, lập căn cứ Hoàng – Nghiêu tại miền Nam Thanh Hóa để chống giặc.
Từ ngày dựng cờ khởi nghĩa, quân của Nguyễn Chích nhiều phen khiến quân Minh thua trận khốn đốn. Tài năng của ông nhanh chóng bay xa. Lê Lợi khi ấy biết tin, rất cảm phục tài năng của ông. Bèn sai người đưa thư mời Nguyễn Chích tham gia nghĩa quân Lam Sơn.
Lê Lợi họp bàn với các tướng sĩ
Nhận thấy Lê Lợi là bậc chủ tướng có tài năng hơn người, lại hết sức quý trọng hiền tài. Thực sự là lá cờ đầu trong việc đánh đuổi ngoại xâm. Nguyễn Chích quyết vì đại cục quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi mà chấp nhận đồng ý đứng dưới trướng của Bình Định Vương.
Cuối năm 1423, sau 6 năm khởi nghĩa chỉ quanh quẩn ở vùng miền Tây xứ Thanh. Lê Lợi muốn tạo bước ngoặt cho cuộc chiến bèn chỉ đạo họp bộ chỉ huy Lam Sơn nhằm tìm ra đối sách mới cho cuộc kháng chiến.
Cuộc họp diễn ra căng thẳng với nhiều nhiều ý kiến trái chiều. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép lại lời bàn của Nguyễn Chích trong cuộc họp:
"Nghệ An là nơi hiểm yếu: Đất rộng, người đông, tôi đã từng qua lại Nghệ An, nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta trước hãy nên đánh lấy Trà Long, chiếm giữ bình định cho được Nghệ An để làm chỗ đất đứng chân, rồi dựa vào đấy mà lấy tiền tài sức lực, sau sẽ quay cờ trẩy ra Đông Đô thì có thể tính xong được việc dẹp yên thiên hạ".
Lê Lợi nghe Nguyễn Chích phân tích thấy rất đúng đắn bèn quyết định thực hiện chiến lược do ông đề ra.
Sau gần một năm thực hiện chiến lược của Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa cho đến Thuận Hóa. Để từ đây, làm bàn đạp dẫn đến chiến thắng cuối cùng.
Nguyễn Chích vừa là một dũng tướng lại vừa là một mưu sỹ kiệt xuất bên cạnh Lê Lợi. Không chỉ vậy, Nguyễn Chích còn sở hữu riêng cho mình một đội quân thần tốc vang danh thời bấy giờ – bồ câu đưa tin.
Đội quân bồ câu đưa tin thần tốc
Cha của Nguyễn Chích có một thú chơi rất tao nhã, đó là chơi chim câu. Để thỏa mãn niềm đam mê, ông nuôi cả một bầy và coi chúng như con, hết lòng chăm sóc và huấn luyện chúng.
Ngày ông mất, ngỡ tưởng đàn chim câu sẽ tiêu túng vì không ai nuôi dưỡng. Nguyễn Chích lúc ấy còn nhỏ lại chỉ còn có một mình, bươn chải nuôi thân còn khó huống hồ là phải lo thêm cho bầy chim kia.
Nhưng không, Nguyễn Chích coi đàn bồ câu ấy như anh em trong nhà, vẫn hết lòng chăm sóc chúng như cái cách cha ông thường làm.
Ngày ngày săn sóc đàn bồ câu, ông chợt nhận ra khả năng tìm đường tuyệt vời của chúng. Lấy làm thích thú, ông quyết huấn luyện cho đàn chim câu này dù có bay đi đâu cũng tìm được đường về tổ.
Sau một thời gian dài kiên nhẫn huấn luyện, đàn chim câu của ông có thể bay đến những địa điểm cách điểm xuất phát hàng chục cây số rồi lại tìm được đường về. Và ông cũng chẳng thể ngờ thú vui thủa thiếu thời của mình sẽ giúp ông trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Sử cũ chép lại, một lần Lê Lợi cử các tướng dẫn quân chiếm cứ một vài địa điểm trọng yếu và chỉ giữ lại một ít tướng sỹ bên cạnh mình. Bất ngờ, giặc Minh kéo tới đánh úp đại bản doanh của của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Tình hình ngày càng nguy cấp, quân giặc vây chặt mọi ngả đường không để nghĩa quân còn đường thoát thân. Thấy vậy, Nguyễn Chích bèn thả ngay đàn chim bồ câu đưa tin xin cứu viện đến những địa điểm đóng quân của nghĩa quân gần đó.
Nguyễn Chích thả đàn chim câu đi báo tin cầu viện
Vòng vây càng lúc càng xiết chặt. Không thể chờ đợi thêm được nữa, Lê Lợi quyết tử chiến để thoát khỏi phòng vây. Tướng giặc thấy Lê Lợi đánh ra thì mừng lắm, phen này quyết giết chết Bình Định Vương.
Chưa kịp vội mừng, tướng giặc bỗng thất kinh, khi không biết từ đâu cả một đoàn quân lớn mọc lên đánh úp chúng từ phía sau. Còn phía trước là toán quân của Lê Lợi đang đánh ra mạnh như vũ bão. Gió chợt đổi chiều, quân địch đang trong thế hăng mà bỗng hoảng loạn, cuống cuồng lo chạy thoát thân.
Thắng trận ấy, Lê Lợi rất khâm phục khả năng huấn luyện những chú chim câu đưa tin của Nguyễn Chích. Bởi chính đàn chim ấy đã kịp thời đưa tin cứu viện đến các cứ điểm gần đó. Để rồi, quân Lam Sơn có được một trận thắng giòn giã.
Để tỏ lòng cảm phục của mình với bầy chim câu, Lê Lợi sai quân lấy thóc tẩm mật ong cho chim ăn để chim khỏe, chim giúp nghĩa quân đánh giặc.
Lời bàn:
Muốn dành chiến thắng cuối cùng trong chiến tranh, phải biết cách tận dụng tốt nhất mọi nguồn lực mà mình có, và danh tướng Nguyễn Chích là người thấu hiểu đạo lý đó.
Tham khảo từ::
-Khâm định Việt sử thông giám cương mục – NXB Giáo dục, ấn bản năm 2007; phần Chính biên – quyển thứ XIII, trang 755, 756
-Giai thoại lịch sử Việt Nam, Tập 2 – NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Trang 194, 195