Thị trường xuất khẩu lớn duy nhất của Việt Nam tăng trưởng dương: 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu gần 60 tỷ USD

Dy Khoa |

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và láng giềng này đạt 155,58 tỷ USD trong 11 tháng 2023.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta sau 11 tháng đầu năm với kim ngạch ước đạt 55,98 tỷ USD, tăng 6,2%, chiếm 17,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng 2023.

Theo báo cáo trên, kết quả này có được nhờ những nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới, trong đó có Trung Quốc.

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới đầu năm nay, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Báo cáo cũng khẳng định: "Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm”.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hoá Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng như sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu…

Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết với Báo Công Thương: Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt trên 175 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ.

Hợp tác Việt Nam - Trung Quốc: Tiềm năng to lớn

Tờ Global Times (Trung Quốc) khẳng định Việt Nam - Trung Quốc có “tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại”, trong một bài viết đăng ngày 10/12.

Vào cuối tháng 11, cuộc họp lần thứ 12 của Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Thương mại Trung Quốc-Việt Nam nhằm thảo luận về sự phát triển chất lượng cao của quan hệ kinh tế và thương mại song phương đã được tổ chức tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, tiềm năng to lớn nằm ở hợp tác thương mại Trung Quốc - Việt Nam - điểm sáng trong quan hệ song phương.

Điều đó chứng tỏ những thành tựu trong hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc - Việt Nam được hai bên ghi nhận cao.

Thương mại biên giới đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng từ cả Trung Quốc và Việt Nam. Ví dụ, Đông Hưng, một thành phố cấp quận ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc, là thành phố cảng duy nhất ở Trung Quốc được kết nối bằng cả đường bộ và đường biển với Việt Nam. Móng Cái là khu kinh tế lớn nhất, cởi mở nhất và hứa hẹn nhất ở miền Bắc Việt Nam.

Theo thống kê của Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 3,18 tỷ USD, tăng 165% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt yêu thích.

Kể từ khi được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 7/2022, sầu riêng Việt Nam đã trực tiếp thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng đột biến. Một phụ nữ kinh doanh trái cây ở tỉnh Long An nói với Global Times: “Nửa đầu năm nay, gia đình tôi xuất khẩu hơn 3.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc và kiếm được rất nhiều tiền”.

Điểm nổi bật của hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc - Việt Nam không chỉ thể hiện ở lĩnh vực thương mại mà còn ở việc đẩy mạnh thúc đẩy đầu tư và hợp tác công nghiệp.

Trong nửa đầu năm 2023, phóng viên đặc biệt của Global Times đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu tại các khu công nghiệp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Hải Phòng ở Việt Nam và nhận thấy so với tình hình 5 năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp do Trung Quốc đầu tư tại các khu công nghiệp khác nhau đã tăng lên đáng kể. Hầu hết các đại diện được phỏng vấn của các doanh nghiệp có vốn Trung Quốc đều cho rằng quyết định đầu tư vào Việt Nam của họ là đúng đắn và lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam.

Theo thống kê từ Việt Nam, Trung Quốc là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ sáu của Việt Nam, với 3.949 dự án đang hoạt động và tổng vốn đăng ký vượt 25,8 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại