Thị trường xuất hiện làn sóng mua bất động sản sau khi Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách với bất động sản

Hạ Vy |

Thị trường đất nền phía Nam rục rịch trở lại sau thời gian im ắng. Trong đó, đất nền tại các khu dân cư hiện hữu được nhà đầu tư săn đón. Đây được xem là động thái tận dụng lúc thị trường trầm lắng “bắt đáy” các sản phẩm giá trị thực của nhà đầu tư.

Tại buổi chia sẻ mới đây, ông Phạm Sỹ Hoàng, Tổng Giám đốc Thủ Thiêm Real cho biết, ngay trong thời điểm thị trường đóng băng, các sản phẩm liền thổ khu vực trung tâm và liền kề trung tâm Tp.HCM vẫn nhận được sự quan tâm đều đặn của nhà đầu tư. Minh chứng một dự án đất nền do doanh nghiệp này đang phân phối tại khu Nam Tp.HCM, ông Hoàng cho hay, hiện giao dịch vẫn đều theo tuần. Đặc biệt, hơn 3 tuần trở lại đây, lượng người mua quan tâm xuống tiền khá tốt. “Có thể do có dự án đã sổ đỏ, hạ tầng hoàn chỉnh, được ngân hàng liên kết hỗ trợ cho vay…nên thanh khoản tốt”, vị này chia sẻ.

Tương tự, một dự án đất nền khu Tây Tp.HCM quy mô 4ha đã hoàn chỉnh pháp lý có sức mua khá ổn lúc này. Môi giới đang tận dụng thời điểm giá tốt để tìm kiếm nhà đầu tư. Trong khi nhà đầu tư thay vì xuống tiền ồ ạt như trước đây đã kỹ càng và thận trọng hơn, họ ưu tiên sản phẩm có pháp lý và hạ tầng hoàn thiện; gần khu trung tâm; gần các khu vực có tiềm năng tăng giá trị trong tương lai.

Ghi nhận tại thị trường đất nền khu Đông Tp.HCM cho thấy, nhà đầu tư vừa ở trạng thái thăm dò, vừa xuống tiền mua vào các nền đất giá tốt. Đây là khu vực hiện rất khan hiếm quỹ đất dự án, chủ yếu là đất phân lô nằm trong các khu dân cư mới/hiện hữu được chào bán vài năm trước. Tại quận 9, các nhà đầu tư mang tâm lý “bắt đáy” với các sản phẩm đất nền có sổ hồng cần bán gấp, đón đầu cơ hội “tăng nhiệt” trở lại của thị trường đất nền.

Hiện, môi giới khu vực này có giao dịch đều đặn từ 1-2 nền trong vòng 1 đến 2 tuần. Đây là tình hình khá ổn so với giai đoạn thị trường cuối năm 2022.

Thị trường xuất hiện làn sóng mua bất động sản sau khi Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách với bất động sản - Ảnh 1.

Thị trường xuất hiện làn sóng "bắt đáy" của nhà đầu tư sau khi Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách với bất động sản. Ảnh minh hoạ.

Theo ông Sỹ Hoàng, trong bối cảnh quỹ đất hiếm hoi, các dự án đất nền chuẩn pháp lí chỉ đếm trên đầu ngón tay, cho nên việc nhà đầu tư xuống tiền mua vào là điều dễ hiểu. Đặc biệt, sau sốt đất nền diễn ra tại khắp các tỉnh thành, nhiều nhà đầu tư cẩn trọng hơn. Họ vừa thận trọng xem xét, vừa không để dòng tiền nghỉ ngơi mà tiếp tục chuyển vào những sản phẩm có tính an toàn cao. Theo đó, đất nền khu vực trung tâm hoặc cận kề trung tâm Tp.HCM đang có sức hút trở lại.

Việc chuyển hướng từ đất nền tỉnh về khu trung tâm thực tế đã âm thầm diễn ra từ giữa năm 2022 đến nay. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận mức lãi thấp hơn thời kì sốt đất nhưng an toàn. Đặc biệt, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt vẫn âm thầm gom đất nền dự án khu trung tâm để đón đầu nhu cầu ở thực; không lo tắc thanh khoản do tính đầu cơ cao của phân khúc này.

Theo ông Hoàng, việc “chia trứng vào nhiều giỏ” này đa số diễn ra ở các nhà đầu tư đã từng thắng đậm tại bất động sản tỉnh. Họ quyết định quay về trung tâm các thành phố lớn để tìm kiếm sự an toàn, giá trị sinh dòng tiền trên sản phẩm thay vì chỉ đầu tư lãi vốn.

Quan sát thị trường cho thấy, khi bất động sản trầm lắng, hoạt động lướt sóng gần như ngưng hẳn. Thay vào đó, các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực lại được quan tâm. Giao dịch mua bán, chuyển nhượng với các sản phẩm chung cư, đất nền liền kề đô thị lớn vẫn diễn ra. Đây là điều mà những nhà đầu tư có kinh nghiệm đã nhìn ra từ trước đó.

Thị trường xuất hiện làn sóng mua bất động sản sau khi Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách với bất động sản - Ảnh 2.

Ghi nhận cho thấy, đất nền tại các khu dân cư hiện hữu khu trung tâm hoặc ven trung tâm TP lớn vẫn được nhà đầu tư săn đón. Giao dịch xuất hiện đều đặn ở giai đoạn này. Ảnh minh hoạ.

Hiện tại, thị trường đất nền phía Nam xuất hiện làn sóng ngầm các nhà đầu tư sẵn tài chính tận dụng lúc thị trường trầm lắng “bắt đáy” sản phẩm giá trị thực tại khu trung tâm hoặc ven trung tâm.

Bởi, theo các nhà đầu tư, sự hồi phục của thị trường bất động sản luôn vận động theo chu kì từ khu vực trung tâm thuộc đô thị lớn mới lan rộng dần ra các khu vực tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị của bất động sản trung tâm đã được định hình trong chiến lược của nhà đầu tư.

Động thái “bắt đáy” của nhà đầu tư thời gian gần đây cũng đến từ các quyết sách liên tục được đưa ra thị trường. Việc giảm lãi suất đồng loạt của các ngân hàng đang tạo đà cho thị trường bất động sản ấm trở lại. Tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư được vực dậy từ thông tin này. Họ bắt đầu có động thái gom hàng. Những giao dịch đất nền xuất hiện thời gian gần đây được xem là kết quả của các thông tin tích cực.

Có thể thấy, chỉ trong vòng hơn một tháng vừa qua, Chính phủ liên tục ban hành nhiều chính sách để phá băng thị trường bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điển hình phải kể đến Nghị định 08/2023 hồi đầu tháng 3/2023, cho phép doanh nghiệp được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nghị định tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể kéo dài kì hạn trái phiếu tối đa thêm 2 năm so với kì hạn tại phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư.

Ngày 11/3, Chính phủ ban hành Nghị định 33, quy định một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển toàn diện, lành mạnh, bền vững, trong đó chú trọng 3 yếu tố: pháp lí, nguồn vốn và nhà ở xã hội.

Trước đó, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp cho thị trường bất động sản cũng được Chính phủ đưa ra. Trong đó có nhiều đề xuất được đánh giá sẽ giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp bất động sản như: Đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn; tiếp tục cấp tín dụng với dự án bất động sản có phương án vay vốn khả thi, khách hàng có tiềm lực tài chính…

Trong bối cảnh loạt doanh nghiệp lớn đang đứng trước áp lực lớn về dòng vốn và đáo hạn trái phiếu, các quyết sách trên của Chính phủ được coi là động thái “hồi sức” kịp thời. Từ đó, lan toả đến động thái vào thị trường của nhà đầu tư cá nhân.

Đi cùng với các chính sách khơi thông của Chính phủ, các ngân hàng cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm, nhằm nới lỏng nút thắt về dòng vốn đang bóp nghẹt không ít doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Một môi giới tự do lâu năm tại khu Nam Tp.HCM cho biết, ngay khi ngân hàng giảm lãi suất, thị trường đã xuất hiện giao dịch trở lại nhưng còn chậm. Với độ trễ của chính sách, trong vòng 3-6 tháng tới, chắc chắn thị trường sẽ ấm dần rồi sôi động trở lại. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư sẵn tài chính đã vào “bắt đáy”. Tuy nhiên, ở giai đoạn này họ chỉ ưu tiên các sản phẩm có pháp lý, hạ tầng hoàn chính, chính sách thanh toán hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay tốt…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại