Đầu tuần này, thị trường vũ khí thế giới chấn động với thông tin Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ (CCS) chấp thuận hợp đồng trị giá 1,93 tỷ USD mua 464 xe tăng T-90MS cho quân đội nước này.
Đây được xem là hợp đồng xuất khẩu xe tăng lớn nhất của Nga và có lẽ cũng là lớn nhất thế giới trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tất nhiên, cũng chỉ có Ấn Độ là nước duy nhất dám "bạo tay" chi hàng tỷ USD mua "liền một lúc" gần 500 xe tăng.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ vẫn đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng với Pakistan sau vụ xung đột trên không hôm 27/2 dẫn tới một máy bay tiêm kích MiG-21 Bison của không quân nước này bị bắn rơi.
Do đó, theo giới chuyên gia động thái mua gần 500 xe tăng T-90MS nằm trong nỗ lực tăng tốc hiện đại hóa và bổ sung sức mạnh cho Lục quân Ấn Độ, sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai.
Bên cạnh đó, hợp đồng này cũng cho thấy xem ra New Delhi đã không còn niềm tin và hi vọng vào dự án "siêu tăng Arjun".
45 năm phí hoài, siêu tăng đấy lỗi
Thật vậy, được triển khai từ năm 1974 khi xe tăng T-90 còn chưa "nằm trên giấy", thế nhưng đến nay qua 45 năm chương trình phát triển xe tăng thế hệ 3 Arjun của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) vẫn chưa đi đến hồi kết.
Mặc dù từ năm 2009, sau nhiều cuộc cải tiến lớn nhỏ nguyên mẫu xe tăng Arjrun Mk1 đã được chấp nhận đưa vào sản xuất và sử dụng.
Nhìn vào tham số của Arjun Mk1 thì đây là cỗ xe tăng mạnh cả về thủ với giáp compostie có thể chống đạn 125mm bắn từ tăng T-72, và về công khi lắp pháo rãnh xoắn 120mm phóng được tên lửa qua nòng, lại thêm động cơ của Đức công suất 1.400hp. Thông số rất lý tưởng!
Thế nhưng, đó chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm", vấn đề là Arjun được phát triển với công nghệ "năm cha ba mẹ" do Ấn Độ không đủ khả năng làm từ A-Z.
Xe tăng Arjun Mk1.
Ước tính, Ấn Độ phải nhập khẩu tới 50% công nghệ cơ bản trên Arjun bao gồm động cơ, hộp số, hệ thống truyền động, pháo và hệ thống điều khiển hỏa lực.
Đó là chưa kể Ấn Độ cũng muốn "có phần trên Arjun" khiến cỗ tăng vốn phức tạp lại càng "hỗn loạn" hơn. Ví như động cơ của Arjun mua của Đức nhưng lại tích hợp tuabin tăng áp và hộp số của Ấn Độ.
Cho nên, chỉ 7 năm sau khi đưa vào hoạt động, năm 2016, các cơ quan hữu quan Ấn Độ ra báo cáo "gây sốc" rằng phần lớn các xe tăng Arjun đã không hoạt động từ năm 2013 do thiếu linh kiện.
Tình trạng này mãi tới năm 2017 mới có chiều hướng khả quan khi "cha đẻ" DRDO thông báo đã nhận được được phụ tùng nhập khẩu để sữa chữa loạt lỗi trên 75% số tăng Arjun.
Rốt cuộc chỉ khoảng 124 chiếc Arjun Mk1 (có nguồn cho là 248 chiếc) được sản xuất và sau đó thì dừng hẳn.
Hiện nay DRDO đang phát triển phiên bản Mk2 với 93 thành phần được cải tiến liên quan chủ yếu tới hệ thống hỏa lực, giáp bảo vệ và động cơ.
Phiên bản mới này được cho là nhận phản hồi tích cực từ giới chức Ấn Độ, 118 chiếc Mk2 đã được đặt hàng. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chúng sẽ đáng tin cậy hơn so với Mk1 khi mà Ấn Độ chưa khắc phục được việc nó dùng nhiều linh kiện nhập khẩu "chắp vá tứ tung".
Đó có lẽ là lý do dẫn tới việc Lục quân Ấn Độ cũng không mấy mặn mà với Arjun, thay vào đó họ khẩn thiết yêu cầu hãy mua T-90MS cho nhanh!
Thôi nghỉ, đi mua cho nhanh, "có tiền là có tất"!
Đúng vậy, thật khó mà có thể chấp nhận nổi khi mà phải ra trận với một chiếc xe tăng chưa kịp đánh đã hỏng. Đó là chưa kể với địa hình sa mạc ở vùng biên giới giáp ranh Ấn Độ - Pakistan thì rất khó để Arjun Mk1 nặng gần 60 tấn hay Mk2 nặng 68 tấn cơ động tốt.
Trong khi đó, những chiếc T-90S/MS nhẹ hơn nhiều, với trọng lượng chưa tới 50 tấn, động cơ đáng tin cậy thì việc cơ động nhanh đến tốc độ gần 70km/h trên địa hình bằng phẳng là không quá khó.
Xe tăng T-90MS được nâng cấp giáp, hệ thống hỏa lực, động cơ đảm bảo tăng cường sức mạnh lên nhiều lần cho Lục quân Ấn Độ.
Binh sĩ Lục quân Ấn Độ đã có kinh nghiệm lớn khi mà vận hành những chiếc T-90 gần 20 năm nay. Họ chắc hẳn biết rõ điểm yếu, mạnh của cỗ tăng Nga.
Về mặt hỏa lực và giáp bảo vệ thì miễn chê khi mà lớp giáp T-90 gần đây đã thử nghiệm thành công tại chiến trường Syria. Tất nhiên là có thiệt hại nhưng không chiếc T-90 nào bị "bay mất tháp pháo".
Thế nên, tháng 11/2016, trước tình hình "hàng nhà không ăn thua", cơ quan mua sắm vũ khí Bộ Quốc phòng Ấn Độ chấp nhận việc mua 464 chiếc T-90MS.
3 năm sau, Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ (CCS) thông qua hợp đồng T-90MS trị giá tới 1,93 tỷ USD. Một lần nữa Ấn Độ tiếp tục gửi "trọn niềm tim" vào dòng xe tăng Nga.
Dĩ nhiên, cũng như các thương vụ T-90S trước đây, Uralvagonzavod sẽ chuyển toàn bộ linh kiện để doanh nghiệp Ấn Độ Heavy Vehicles Factory (HVF) lắp ráp T-90MS trong nước.
Vậy là Ấn Độ có thể yên tâm rằng họ có một chiếc xe tăng tự lắp ráp trong nước mà vẫn đủ tin cậy.
Theo các nguồn tin, 464 chiếc T-90MS sẽ được trang bị cho 10 trung đoàn thiết giáp của Lục quân Ấn Độ.
Dự kiến, người Ấn sẽ đưa lực lượng T-90MS tới các bang Punjab và Rajasthan - giáp với biên giới Pakistan để sẵn sàng cho chiến tranh tổng lực khi cần.
Nói chung, giải pháp mua xe tăng T-90MS lúc này là đúng đắn nhất với New Delhi. Nên chăng ngay lúc này họ nên dừng dự án xe tăng Arjun tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc sản xuất T-90MS.
Ấn Độ có thể nuôi tham vọng phát triển xe tăng một lần nữa, nhưng thay vì độc lập rồi đi mua đủ thứ linh kiện "ngoài chợ" thì cần có sự hợp tác chặt chẽ với cường quốc quân sự như Nga.
Dự án tên lửa hành trình BrahMos là một ví dụ điển hình nhất mà xem ra các nhà phát triển tăng Ấn Độ nên nghiên cứu làm theo. Phát triển xe tăng mới trên cơ sở T-90 tích hợp công nghệ mà Ấn Độ muốn, tại sao không?
Video xe tăng T-90MS thể hiện sức mạnh.