Thị trường vô vàn loại gạo ST25, khó biết thật giả

Đoàn Sao - Nguyễn Dung |

Danh hiệu gạo ngon nhất thế giới khiến ST25 nổi tiếng và được ưa chuộng. Tuy nhiên, sự chênh lệch giá bán mỗi nơi một khác cũng như chất lượng loại gạo này, làm sao mua đúng gạo ST25 xịn vẫn là băn khoăn nhiều người chưa biết.

“Ma trận” giá gạo ST25

Theo ghi nhận của PV Infonet, trên địa bàn TP. Hà Nội có rất nhiều loại gạo mang tên ST25, với nhiều mẫu mã, bao bì khác nhau có giá dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/kg. Chị D. - chủ một đại lý gạo trên phố Nghĩa Đô (Cầu Giấy) cho biết: “Gạo ST25 thường có giá 30.000 đồng/ kg rất được khách hàng ưa chuộng vì độ dẻo và thơm. Trung bình một ngày tôi bán được hơn 1 tạ gạo, là gạo bán chạy nhất ở đây”.

Thị trường vô vàn loại gạo ST25, khó biết thật giả - Ảnh 1.

Một cửa hàng tại chợ dân sinh, ngoài túi 5kg và 10kg, ở đây còn bán lẻ gạo ST25 bán lẻ cho khách dùng thử

Tại một siêu thị mini, loại gạo này được phân phối với giá 38.000/ kg. Quản lý siêu thị cho biết, đây là loại ST25 chính hãng do chính ông Hồ Quang Cua sản xuất.

Cụ thể, bao bì có đầy đủ tên và địa chỉ của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, cũng như số điện thoại liên hệ. Trên bao bì còn có logo hình tam giác “word’s best rice”, kèm năm 2019 là năm gạo ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới.

Còn tại chuỗi siêu thị Vinmart, gạo ST25 được niêm yết 60.000/kg, mang nhãn hiệu Thái Hồng Phú Hải. Giá cao gấp đôi.

Nhân viên siêu thị cho biết, với hóa đơn mua hàng tại siêu thị trên 300.000 đồng, khách hàng sẽ được mua một bịch gạo 3kg với giá 80.000 đồng, tức là khoảng 27.000 đồng/ kg.

Thị trường vô vàn loại gạo ST25, khó biết thật giả - Ảnh 2.

Một loại gạo ST25 có bao bì khác được bày bán tại siêu thị V.M

Lý giải về sự khác nhau của mẫu mã, bao bì gạo, nhân viên siêu thị cho hay, tùy thuộc vào từng đơn vị đóng gói mà màu sắc, kiểu dáng sẽ có sự khác biệt, tuy nhiên chất lượng thì vẫn giống nhau.

Theo ghi nhận của PV, tại một chuỗi siêu thị khác ngay gần đó, cũng phân phối loại gạo nhãn hiệu tương tự nhưng chỉ với mức giá 45.000 đồng/kg.

Khó phân biệt thật, giả

Không phải ngẫu nhiên mà giá gạo lại có sự chênh lệch lớn đến như vậy tại các đơn vị phân phối. Theo ghi nhận, trên thị trường xuất hiện loại gạo ST25 giả với bao bì được làm tinh vi, người tiêu dùng nếu không để ý sẽ rất dễ mua phải.

Chị Đỗ Thị Thu Hà (27 tuổi, Bắc Từ Liêm) cho biết: “Dạo gần đây loại gạo này đang được quảng bá rất nhiều, nên gia đình tôi cũng mua về ăn thử. Mới đầu tôi hay mua ở siêu thị, nhưng sau đó lại phát hiện cửa hàng gạo gần nhà bán với mức giá rẻ hơn và họ cam đoan đây cũng là sản phẩm chính hãng."

Theo ghi nhận của PV, tại một vài đại lý gạo khác ở phường Bưởi, Tây Hồ bày bán nhiều loại gạo ST25 với bao bì “tối giản”, vỏ bao trắng là phổ biến nhất. Chủ cửa hàng vẫn cam đoan đó là gạo ST25 chính hãng.

Thị trường vô vàn loại gạo ST25, khó biết thật giả - Ảnh 3.

Có những bao gạo không in logo hay thông tin, số điện thoại của đơn vị cung cấp

Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của thương hiệu gạo ST25 cho biết, mỗi năm chỉ có khoảng 3.000 tấn gạo ST25 được đóng gói với nhãn mác đầy đủ xuất ra thị trường. Đặc biệt, trên bao bì phải kèm 4 số điện thoại gồm của doanh nghiệp, vợ chồng ông Cua và bà Trịnh Kim Tuyến, cùng số điện thoại con gái. Người tiêu dùng cần quan sát kỹ để tránh việc mua nhầm hàng nhái kém chất lượng.

Thị trường vô vàn loại gạo ST25, khó biết thật giả - Ảnh 4.

Vì sao thị trường bán nhiều loại gạo ST25, làm sao mua được gạo ST25 xịn?

Gạo ST25 từng đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đang được 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ. Tuy nhiên lo lắng mất thương hiệu không có cơ sở.

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), việc bảo hộ của nhà nước theo bằng bảo hộ giống cây trồng là đối với bản thân lúa giống. Tuy nhiên, không ai có thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.

Ông Nguyễn Văn Bảy cho rằng, cần phân biệt giữa giống cây trồng và sản phẩm gạo từ giống lúa đó.

Giống lúa có tên ST25 đã được cấp Bằng bảo hộ số 21.VN.2020. Chủ bằng bảo hộ là doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương, Nguyễn Thị Thu Hương.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, người đăng ký phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng và tên đó phải không trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào có ký kết với Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng. Trong trường hợp cụ thể này, khi nộp hồ sơ đăng ký, giống lúa tương ứng được lấy tên là ST25.

Theo quy định tại Điều 186, Luật Sở hữu trí tuệ, chủ bằng bảo hộ giống cây trồng có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền: Sản xuất hoặc nhân giống, chế biến nhằm mục đích nhân giống, chào hàng, bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác, xuất khẩu…

Theo Khoản 4, Điều 163, Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng đúng tên giống cây trồng khi đưa sản phẩm (trường hợp cụ thể này là giống lúa ST25) là một nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ bằng bảo hộ, người được chủ bằng bảo hộ cho phép thực hiện các quyền của chủ bằng cũng như kể cả sau khi giống lúa này đã hết thời hạn bảo hộ.

Tuy nhiên, gạo lại là sản phẩm chế biến từ sản phẩm sau thu hoạch (thóc) từ cây lúa. Trong trường hợp Công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân trồng thì sau khi thu hoạch lúa, xay xát ra gạo thương phẩm đều phải sử dụng tên là "gạo ST25". Các doanh nghiệp thu mua thóc là sản phẩm thu hoạch từ lúa được gieo trồng từ hạt lúa giống ST25 để xay xát và sau đó bán gạo ra thị trường thì cũng đều phải gọi đó là gạo ST25. Điều đó có nghĩa là: ST25 là tên của loại gạo là sản phẩm chế biến từ thóc thu hoạch được từ giống lúa ST25.

Vì lý do là tên gọi chung của một loại sản phẩm nên bất kỳ ai kinh doanh sản phẩm (gạo) này cũng đều phải sử dụng đúng tên gọi đó nên Điểm b, Khoản 2, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định tên gọi thông thường của hàng hóa bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến sẽ bị coi là không có khả năng phân biệt và không được đăng ký làm nhãn hiệu. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp cụ thể này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.

Vậy trong trường hợp nhiều doanh nghiệp cùng đưa ra thị trưởng sản phẩm gạo ST25 thì đâu là dấu hiệu phân biệt để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo mà mình mua? Câu trả lời là các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường dưới nhãn hiệu của riêng mình. Đó là lý do chúng ta có thể mua được gạo ST25 mang nhãn hiệu "Bảo Minh" hoặc gạo ST25 của các doanh nghiệp khác với các nhãn hiệu khác nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại