Từ ngày 1/8/2020, ôtô nhập khẩu từ châu Âu đã được giảm 7% thuế theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, theo khảo sát của Tạp chí Kinh tế Việt Nam thì những chiếc xe đến từ châu Âu vẫn đang neo giá cao như thời điểm trước ngày 1/8/2020 mà không có dấu hiệu giảm giá.
Những chiếc xe ôtô đến từ châu Âu luôn nằm trong phân khúc giá cao tại thị trường Việt Nam mà nguyên nhân lớn nhất là do phải chịu mức thuế nhập khẩu cao nhất so với xe đến từ các thị trường khác ngoài châu Âu.
Đó cũng là lí do Hiệp định EVFTA được hy vọng sẽ kéo giá thành những chiếc xe đến từ châu Âu xuống để có thể tăng cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng Việt Nam.
THỊ TRƯỜNG CHƯA NGẤM CHÍNH SÁCH
Trên thị trường Việt Nam hiện đang nhập các dòng xe nhập của châu Âu là BMW, Volvo, Audi, Maserati, Volkswagen... Những mẫu xe nhập từ châu Âu phần lớn đều có giá trên 2 tỷ đồng/chiếc, một mức giá khá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân có thu nhập trung bình tại Việt Nam.
Do đó, những chiếc xe mang thương hiệu châu Âu vẫn được xem là dành cho phân khúc người có thu nhập cao.
Trước ngày 1/8/2020 ôtô nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam phải chịu mức thuế 70% tính theo giá trị khai báo hải quan áp dụng theo thuế suất tối huệ quốc (MFN) trong các thành viên WTO. Theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định EVFTA thì từ 1/8/2020 Việt Nam sẽ cắt giảm thuế trong vòng 10 năm, mỗi năm trung bình khoảng 7% và tiến tới sau 10 năm sẽ cắt giảm về 0%.
Trong quy ước của cam kết trong EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ theo lộ trình thuế nhập đối với các dòng xe có dung tích xilanh trên 2.500cc trong 9 năm, các dòng xe có dung tích xylanh dưới 2.500cc sẽ được bãi bỏ trong vòng 10 năm.
Như vậy, hiện nay thuế nhập khẩu xe châu Âu vào Việt Nam đang chịu mức thuế 63%. Tuy nhiên, nội dung Hiệp định EVFTA cũng nêu rõ và cam kết thuế của Việt Nam không áp dụng đối với xe đã qua sử dụng, xe 10 chỗ trở lên và xe chở hàng.
Nhìn vào cách tính thuế có thể thấy sau ngày 1/8/2020, xe châu Âu tại thị trường Việt Nam có thể giảm giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ví dụ, trước ngày 1/8/2020 một chiếc xe 7 chỗ ngồi, dung tích xi lanh 2.000cc nhập khẩu từ châu Âu có giá tham khảo khoảng 3 tỷ đồng, khi đưa về Việt Nam sẽ phải chịu thuế nhập khẩu khoảng 2,1 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 1,5 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 300 triệu (chưa tính thuế giá trị gia tăng) và giá xe sẽ lên tới khoảng gần 7 tỷ đồng.
Sau ngày 1/8/2020 giá chiếc xe này sẽ giảm được khoảng 200 triệu đồng, và nếu nhập khẩu chiếc xe này sau ngày 1/8/2030 giá sẽ còn khoảng 5 tỷ đồng.
Theo nhận định của nhiều nhà buôn ôtô, lộ trình giảm thuế dành cho ôtô trong Hiệp định EVFTA quá dài nên khó tác động đến thị trường. Trong 2 năm đầu giảm 15% thuế nhập khẩu dường như chưa tác động nhiều đến giá xe do tính ra mức tiền thực giảm quá ít so với chi phí bỏ ra mua chiếc xe châu Âu.
Thị trường xe châu Âu tại Việt Nam phải cần ít nhất 5 năm nữa khi mức thuế nhập khẩu giảm được tới 35% thì mới nhận ra được rõ những tác động từ Hiệp định EVFTA.
GIÁ TRÊN THỰC TẾ KHÔNG GIẢM
Theo khảo sát trên thị trường, giá xe nhập khẩu từ châu Âu sau ngày 1/8/2020 không giảm. Nguyên nhân là phần lớn hàng trên thị trường được nhập khẩu từ trước, khi vẫn chịu nguyên mức thuế nhập khẩu 70% nên các nhà nhập khẩu không giảm giá bán tránh ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Thực tế, ngoài thuế nhập khẩu thì ôtô nhập khẩu còn phải chịu khá nhiều mức thuế, phí cao như như thuế tiêu thụ đặc biệt từ 35% đến 150% tùy theo dung tích xilanh, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%.
Đây là những khoản thuế, phí mà doanh nghiệp nhập khẩu phải nộp rồi cộng thêm khoản chi phí khác như phí vận chuyển, kho bãi, chi phí bán hàng... và khi chiếc xe đến tay người tiêu dùng còn phải tính cả lợi nhuận của doanh nghiệp trong đó nên giá rất cao.
Thực tế chi phải sản xuất ra một chiếc xe và bán thị trường ở châu Âu vào khoảng 3 tỷ đồng nếu bán tại thị trường Việt Nam phải lên đến hơn 8 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến các khoản thuế, phí mà người mua phải nộp như lệ phí trước bạ 10% đến 12% tùy theo địa phương, phí cấp biển...
Những sắc thuế này cùng với chi phí đăng ký biển số khiến giá trị chiếc xe khi lăn bánh đội lên rất cao nên việc chỉ giảm khoảng 7% một loại phí là phí nhập khẩu thì cơ hội tiếp cận xe ôtô châu Âu của người Việt vẫn còn khó khăn.
Một nguyên nhân khác là xe ôtô nhập khẩu châu Âu còn phải cạnh tranh về giá với các xe nhập khẩu từ khu vực khác như ASEAN. Việt Nam đã ký Hiệp định Khu vực Mậu dịch thương mại tự do ASEAN (AFTA) và từ đầu năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN giảm về 0%.
Cùng với đó, thị trường ôtô không chỉ cạnh tranh về giá mà còn về công nghệ. Mỗi mẫu xe mới ra đều phải có những thay đổi theo hướng tăng tích hợp công nghệ kéo theo giá thành sẽ tăng thêm. Đây cũng là nguyên nhân của việc Hiệp định EVFTA chỉ giảm được 7% thuế nhập khẩu sau ngày 1/8/2020 không kéo được giá xe châu Âu giảm xuống.
VẪN CÒN RÀO CẢN XE NHẬP KHẨU
Một thực tế là mặc dù cả Hiệp định EVFTA và AFTA đều không tác động nhiều đến giá xe trên thị trường ôtô Việt Nam. Như Hiệp định AFTA được kỳ vọng giá xe ôtô sẽ giảm từ 20-25% so với trước đây nhưng thực tế giá xe đến tay người tiêu dùng đã không giảm.
Một nguyên nhân được Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (Vama) chỉ ra là tại thời điểm thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% cũng là lúc Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ôtô có hiệu lực.
Đáng nói là Nghị định 116 đặt ra nhiều điều kiện khiến doanh nghiệp khó nhập khẩu ôtô về. Trước khi có Nghị định 116 thời gian từ khi xe về cảng đến lúc thông quan khoảng 1 tuần nhưng sau khi ban hành Nghị định 116 sẽ kéo dài thời gian từ khoảng 2 đến 3 tuần.
Sau khi nghe phản ảnh, đầu năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020 sửa đổi một số điều của Nghị định 116. Tuy nhiên, năm 2020 lại là một năm khó khăn cho thị trường ôtô do những tác động từ dịch Covid-19 kéo theo khó khăn của nền kinh tế. Do đó, những thay đổi từ Nghị định 17 chưa thực sự có tác dụng với thị trường ôtô.
Bên cạnh đó, từ tháng 8/2020 đến nay các loại xe lắp ráp trong nước được hưởng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn các hãng xe nhập khẩu lại không được hưởng.
Để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước một số nhà nhập khẩu đã cắt lợi nhuận bằng việc tặng 50% thuế trước bạ. Tuy nhiên, một số ít xe lắp ráp trong nước lại đi "nước cờ" khác là tặng 50% thuế trước bạ còn lại cho khách hàng.
Như vậy, với bài toán được hưởng 100% thuế trước bạ người tiêu dùng đã chuyển lựa chọn của mình sang xe lắp ráp trong nước. Điều này thể hiện qua con số thống kê tổng sản lượng bán hàng của các loại xe lắp ráp trong nước tháng 10/2020 đạt 20.498 chiếc, tăng 15% so với tháng 9/2020.