Thị trường ô-tô ảm đạm trước giờ G

Chí Công |

Thị trường ô-tô năm nay đang diễn biến hoàn toàn trái ngược so với thông thường. Trước đây, người dân thường có nhu cầu mua ô-tô mới để sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán, cho nên càng về cuối năm, sức tiêu thụ của thị trường sẽ càng tăng cao khiến giá xe tăng theo và thậm chí nhiều dòng xe được ưa chuộng còn khan hàng. Thế nhưng năm nay, sức tiêu thụ ô-tô về cuối năm lại có xu hướng giảm dần khi hầu hết người tiêu dùng đều cố chờ đến thời điểm sau ngày 1-1-2018, thuế nhập khẩu ô-tô từ ASEAN sẽ giảm về 0%, với kỳ vọng vẫn kịp mua xe đón Tết với giá thấp hơn.

Giá giảm, bán vẫn chậm

Càng về cuối năm, thị trường xe hơi trong nước càng có nhiều biến động. Trước hết, xu hướng nhập khẩu xe dưới chín chỗ đang giảm mạnh qua từng tháng.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, lượng ô-tô nhập khẩu dưới chín chỗ chỉ là 590 xe, trung bình mỗi ngày 20 xe, giảm hơn sáu nghìn xe so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, nếu lượng ô-tô nhập từ In-đô-nê-xi-a trong tháng 8 vừa qua là 2.053 xe thì tháng 9 đã giảm xuống còn 320 xe, tháng 10 cũng chỉ có 261 xe và tới tháng 11, con số tương ứng là 550 xe.

Nếu so với tổng số xe đã nhập khẩu nguyên chiếc trong 11 tháng qua từ In-đô-nê-xi-a là 16.694 xe, có thể thấy rõ xu hướng giảm nhập khẩu ô-tô nguyên chiếc. Cùng với đó, hầu hết các hãng xe đều đua nhau giảm giá kể cả những mẫu xe đang bán chạy. "Châm ngòi" cho cuộc chiến giảm giá xe dịp cuối năm chính là Toyota.

Ngay từ đầu tháng 11, hãng xe Nhật Bản này đã công bố giảm khá mạnh một số dòng xe ô-tô được sản xuất trong nước, như Toyota Vios phiên bản TRD có mức giảm giá mạnh nhất lên tới 58 triệu đồng/xe; Toyota Corolla 2.0V Sport giảm 31 triệu đồng so với giá cũ, mức giá mới là 936 triệu đồng/xe; Toyota Innova cũng có mức giảm khá sâu, rẻ hơn khoảng 50 triệu đồng so với giá cũ;…

Ðáng chú ý, những mẫu xe nói trên đều là những dòng xe "hot" nhất hiện nay của Toyota. Thí dụ, tính đến hết tháng 9 vừa qua, lượng xe Toyota Vios bán được hơn 15 nghìn chiếc, tăng gần 5.000 so với cùng kỳ năm trước.

Không chịu được sức ép, hai "ông lớn" khác của ngành ô-tô Việt Nam là Thaco Trường Hải và Hyundai Thành Công cũng đã phải giảm giá nhiều mẫu xe đang bán chạy.

Cụ thể, Hyundai Thành Công giảm 20 đến 40 triệu đồng cho mẫu xe cỡ nhỏ Hyundai Grand i10. Giá bán mới của mẫu xe này từ tháng 11-2017 thấp nhất sẽ là 315 triệu đồng/xe. Còn Thaco thì điều chỉnh gần như toàn bộ giá bán của các dòng xe Kia và Mazda.

Năm phiên bản hiện tại của mẫu xe Kia đều có mức giảm giá thêm ít nhất từ 8 đến 14 triệu đồng và còn tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm vào đầu năm sau. Bên cạnh đó, giá bán của mẫu Mazda 3 được điều chỉnh giảm xuống thêm từ 10 đến 25 triệu đồng; Mazda 6 2.0 giảm 21 triệu đồng xuống mức giá 849 triệu đồng so với trước đó.

Mặc dù giá xe đang giảm mạnh, nhưng thị trường lại có phản ứng hoàn toàn trái ngược, khác hẳn sự sôi động hồi tháng 7, tháng 8 vừa qua khi nhiều mẫu xe của Toyota, Thaco Trường Hải cũng được giảm giá.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 11, có tổng cộng 24.752 chiếc xe được bán ra trên toàn thị trường, giảm đến 13% so với cùng kỳ năm 2016.

Giải thích hiện tượng này, anh Toàn Thắng, một người chuyên kinh doanh ô-tô cho biết: Diễn biến trái ngược của thị trường xe cuối năm nay là tất yếu, do phần lớn người tiêu dùng đang cố nán lại chờ đợi thời điểm giảm thuế nhập khẩu ô-tô vào đầu năm 2018 với kỳ vọng giá xe sẽ giảm mạnh.

Cơ hội cho xe "nội"

Trước kỳ vọng giá xe sẽ giảm mạnh của người tiêu dùng, một vài nhà nhập khẩu lại cho rằng, sang năm 2018 giá ô-tô sẽ khó giảm sâu, thậm chí là giữ giá do tình trạng khan hàng.

Cụ thể, với các điều kiện siết chặt nhập khẩu ô-tô theo Nghị định số 116/2017/NÐ-CP mới được Chính phủ ban hành, xe giá rẻ từ ASEAN sẽ khó có điều kiện nhập ồ ạt vào Việt Nam.

Xe ASEAN chủ yếu xuất xứ từ Thái-lan, In-đô-nê-xi-a hay Ma-lai-xi-a,… thường được cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nước sở tại với tay lái nghịch.

Muốn nhập khẩu về Việt Nam, theo Nghị định số 116/2017/NÐ-CP, các xe này phải có được Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho tay lái thuận, nhưng cũng phải do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp.

Trong khi đó, theo thông tin từ một số doanh nghiệp ô-tô khi làm việc với phía Thái-lan, In-đô-nê-xi-a,... để có được giấy chứng nhận mới cần phải sửa luật. Như vậy, sẽ phải chờ đợi và không biết đến khi nào luật mới được sửa.

Ðiều này khiến cho không ít hãng xe đã phải thay đổi kế hoạch nhập khẩu, thậm chí hủy đơn, ngưng ký hợp đồng bán xe đối với khách hàng đã đặt trước.

Theo đó, Ford Việt Nam đã yêu cầu các đại lý ngưng nhận đặt hàng hai mẫu xe Ford Ranger và Explorer vì chưa có đủ nguồn cung, đồng thời dự báo "hàng" vẫn sẽ rất khan hiếm trong quý I-2018 và chưa dám chắc chắn các mẫu xe này được nhập thế nào trong quý II hay quý III-2018.Toyota Việt Nam cũng thông báo nhiều loại xe nhập khẩu đang bị ảnh hưởng, lớn nhất là các mẫu xe Fortuner, Yaris và Wigo.

Một trong những mẫu xe được mong đợi nhất trong năm mới là Honda CRV bản năm 2018 cũng chưa thể nói trước về thời điểm giao bán.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích, nguyên nhân khan hiếm hàng còn là do một số doanh nghiệp đang tự cân đo bài toán lợi ích, không muốn tồn kho dồn sang năm mới sẽ lỗ nặng cho nên đã vin cớ vướng quy định để ngừng nhập xe mới và đẩy bán hết xe cũ.

Bên cạnh đó, các hãng xe đều có tâm lý "nín thở", chờ đợi thời điểm sau giảm thuế nhập khẩu vì khi đó giá xe sẽ giảm mạnh và cạnh tranh hơn. Do đó, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp vẫn chào xe rồi nhận đặt hàng sau 1-1-2018.

Về cách làm này của các doanh nghiệp ô-tô, nhiều chuyên gia cho rằng nó giống như "con dao hai lưỡi" vì dù có thể bù lợi nhuận trước mắt, nhưng lại có nguy cơ mất thị phần về lâu dài nếu như tình trạng hủy đơn khách hàng kéo dài, nguồn cung không có.

Với những khách hàng có tâm lý chờ mua xe trong năm 2018, nếu phải thất vọng vì xe khan hiếm hoặc giá không giảm có thể sẽ quay trở về tìm mua các dòng xe lắp ráp, sản xuất trong nước với nguồn cung dồi dào, đồng thời cũng có cơ hội giảm giá vì từ năm tới, thuế nhập khẩu hàng trăm linh kiện cũng được giảm về 0%.

Có thể nói, với khung chính sách mới cho ngành ô-tô như Nghị định số 116/2017/NÐ-CP hay Nghị định số 125/2017/NÐ-CP, cánh cửa thị trường sẽ ngày càng hẹp đối với các doanh nghiệp chỉ chú trọng nhập khẩu, nhưng lại mở rộng cửa cho các doanh nghiệp chịu đầu tư lớn, bài bản vào sản xuất, lắp ráp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Theo điểm a, khoản 2, Điều 6 của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, khi tiến hành kiểm tra, thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu ô-tô chưa qua sử dụng phải cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô-tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ngoài nước từ ngày 1-1-2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại