Kem
Có thể nói, kem đang là mảng kinh doanh nổi bật nhất của Kido thời điểm hiện tại. Sau 9 tháng năm 2016, mảng kem và sữa chua đang chiếm tỷ trọng lớn tới 76% tổng doanh thu, đồng thời lại có biên lợi nhuận gộp rất cao, đạt 55-60%.
là nguyên nhân giúp tỷ suất lợi nhuận chung của Kido tăng mạnh trong năm nay, vượt qua những công ty thực phẩm hàng đầu như Masan Consumer hay Vinamilk.
Trong quý 3 vừa qua, doanh thu thuần của mảng kem cũng tăng mạnh. Theo ước tính của một công ty chứng khoán, doanh thu mảng kem & sữa chua của Kido đạt 371 tỷ đồng, tăng 47,7% so với cùng kỳ nhờ số lượng điểm bán hàng tăng từ 30.000 lên 40.000 điểm.
Mức tăng này đến chủ yếu từ khu vực nông thôn, cộng với tác động từ việc đưa sản phẩm sữa chua đá ra thị trường vào năm ngoái. Sự tăng trưởng tốt của ngành kem thể hiện rõ trước tin đồn Unilever muốn thâu tóm lại mảng này của Kido với mức định giá khoảng 200 triệu USD.
Thế nhưng, điều đáng tiếc cho Kido là mảng kem khó có thể trở thành một "bánh kẹo thứ 2". Lý do là vì quy mô của ngành kem khá bé.
Theo báo cáo của Euromonitor, quy mô toàn ngành kem chỉ trên dưới 2.400 tỷ đồng, còn chưa bằng một nửa doanh thu của riêng KIDO thời còn đi bán bánh. Có thể thấy, ở trong một thị trường ngách quá nhỏ thì cơ hội phát triển lớn cũng không nhiều.
Ngoài ra, thị trường kem có thể phát triển tốt ở khu vực phía Nam, nhờ thời tiết nóng quanh năm, nhưng khó có thể tạo đột phá ở khu vực phía Bắc, khi có mùa đông lạnh. Đây là lý do khiến thị trường kem bị bó hẹp, khó phát triển mạnh.
Đối với sữa chua, quy mô ngành lên tới 9.300 tỷ đồng, gấp gần 4 lần ngành kem nhưng đây lại không phải là điểm mạnh của Kido, nếu so sánh với các đại gia hiện diện tại mảng này. Riêng ông lớn Vinamilk đã nắm tới 90% thị phần ngành sữa chua.
Bánh bao
Bánh bao là mảng gây được nhiều chú ý trong thời gian vừa qua, khi Kido tuyên bố đã bắt đầu mở rộng hoạt động mảng này từ cuối năm 2015, đến nay công suất đạt 120 nghìn chiếc/ngày. Sản phẩm bánh bao sẽ được phân phối của 60 nghìn tủ kem trên cả nước.
Với 120 nghìn chiếc/ngày, bánh bao có thể đem về doanh thu khoảng 1-2 tỷ đồng cho Kido mỗi ngày, và doanh thu theo quý có thể lên tới cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của bánh bao vẫn là dấu hỏi, bởi đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu quý 3 vẫn là kem, sữa chua và dầu ăn.
Theo tính toán của ông Trần Lệ Nguyên, với 60 nghìn quầy bán kem, nếu mỗi điểm chỉ bán 10 cái bánh bao trong ngày thì mỗi ngày đã bán được tới 600 nghìn cái.
Ông Nguyên đánh giá đây là thị trường rất tiềm năng, bởi bánh bao không có yếu tố thời vụ. Nếu thực sự đạt được những con số này, doanh thu từ bánh bao của Kido thậm chí có thể vượt qua mảng kem.
Dầu ăn
Dầu ăn của Kido đang nổi lên nhanh chóng sau các thương vụ thâu tóm, từ Vocarimex cho tới Tường An. Mua bán & sáp nhập là một trong những cách đi nhanh nhất để gia tăng thị phần và Kido đang làm như vậy.
Cuối tuần trước, Kido đã chính thức hoàn tất mua 65% vốn Tường An, doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần dầu ăn tại Việt Nam với doanh thu lên tới 4.000 tỷ đồng/năm. Trước đó, tại cuộc họp Đại hội cổ đông đầu tháng 10/2016, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido đã được bầu làm Chủ tịch Tường An.
Bên cạnh đó, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kido hiện đang giữ ghế Chủ tịch Vocarimex, công ty nắm cổ phần lớn tại nhiều hãng dầu ăn như Cái Lân, Golden Hope Nhà Bè, Tân Bình... Dự kiến, Kido sẽ tiếp tục tăng thị phần tại Vocarimex để nắm quyền kiểm soát.
Với những thương vụ mua bán của mình, trong tương lai mảng dầu ăn có thể sẽ trở thành mảng đóng góp lớn nhất trong tỷ trọng doanh thu của Kido, vượt qua ngành kem.
Tín hiệu tích cực từ dầu ăn còn đến từ thương hiệu Đại Gia Đình của Kido, trong kỳ vừa qua, doanh thu mảng dầu ăn của thương hiệu Đại Gia Đình đạt 85,3 tỷ đồng.
Kết quả này của Đại Gia Đình không liên quan đến Vocarimex và Tường An, con số tuy chưa lớn nhưng đã tăng trưởng rất mạnh nếu so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng mảng dầu ăn Kido đang là 20-25%.
Khó khăn của mảng dầu ăn là thị trường rộng và cạnh tranh khốc liệt. Ngành dầu ăn cả nước có 450 nghìn điểm bán, cao gấp đôi so với mỳ gói và gấp 4,5 lần ngành bánh kẹo.
Vì vậy, để thành công ở mảng dầu ăn, Kido cần làm tốt khâu phân phối, nắm thật nhiều điểm bán hàng trong hệ thống khổng lồ trên thị trường.
Thực ra, điều này với Kido mà nói thì không quá khó. Với kinh nghiệm 20 năm xây dựng kênh phân phối bán lẻ cho bánh kẹo, Kido có đủ bản lĩnh và quan hệ để xây dựng một kênh phân phối vững chãi cho các sản phẩm dầu ăn.
Việc M&A cũng giúp cho công ty nắm lấy những doanh nghiệp lớn nhất, từ đó chi phối thị phần toàn thị trường dầu trong nước.
Có lẽ, thách thức lớn nhất với ban lãnh đạo Kido là cải thiện tỷ suất lợi nhuận của ngành dầu, vốn đang rất thấp.
Lợi nhuận của Tường An còn khá thấp so với quy mô.
Mỳ ăn liền
Mỳ ăn liền là mảng đáng thất vọng nhất của Kido trong năm nay khi doanh thu không đáng kể, chỉ đạt vài tỷ đồng và mức đóng góp chỉ 2% trong cơ cấu doanh thu.
Thậm chí, một công ty chứng khoán đã kỳ vọng Kido dừng mảng mỳ ăn liền trong tương lai sau những kết quả bết bát.
Thị trường mì ăn liền được coi là đã bão hoà và Kido từ đầu năm cũng xác định đây là mảng kinh doanh sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Kido đến nay vẫn chưa cho thấy chiến lược gì của mình tại mảng mì gói, ngoài việc định hướng chuyển sang phân khúc cao cấp, thay vì phủ khắp các phân khúc trước đó.
Bên cạnh đó, trong quý 3 vừa qua, nếu không tính khoản lãi từ việc bán nốt 20% cổ phần Kinh Đô Bình Dương, thì Kido đã phải ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 112 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí bán hàng liên quan đến sản phẩm mỳ gói.
Đây là lần đầu tiên Kido lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.