Ngoài đặc điểm sản phẩm, nhu cầu mua sắm mới, khoảng 40% nguồn cung iPhone trên thị trường hiện nay đến từ nguồn hàng xách tay, bởi vậy, "miếng bánh" iPhone tại Việt Nam được đánh giá còn nhiều màu mỡ cho cả người đang khai thác và những "tay chơi" mới.
Trên thị trường, một trong những trang thương mại điện tử lớn nhất hiện nay – Lazada – đầu năm 2018 đã được Apple ủy quyền để trở thành nhà phân phối trực tuyến toàn khu vực Đông Nam Á, qua đó chính thức khai thác "miếng bánh" iPhone nhiều tiềm năng tại thị trường Việt Nam.
Tiềm năng vì hàng xách tay còn lớn
Theo thống kê từ một số hãng nghiên cứu thì quy mô thị trường điện thoại di động tại Việt Nam năm 2017 rơi vào khoảng từ 3,6-3,7 tỷ USD (khoảng 82.000 tỷ đồng), trong số này gần một nửa cả về doanh số và giá trị là thuộc về Samsung.
Kế tiếp là Apple và Oppo, tổng cộng chiếm khoảng 40% về giá trị và 20% về doanh số (số lượng sản phẩm).
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - đơn vị đang vận hành hệ thống bán lẻ FPT Shop), cho biết, doanh số các sản phẩm của Apple tại Việt Nam (gồm iPhone, iPad, MacBook, Apple Watch) đạt khoảng 1 tỷ USD, trong đó 70% (tương đương 700 triệu USD) là thuộc về iPhone.
Tuy nhiên, theo đại diện hệ thống bán lẻ này, thị trường iPhone tại Việt Nam còn khá tiềm năng bởi nguồn cung lượng iPhone trên thị trường hiện nay 40% là hàng xách tay.
Trong khi số lượng cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple cũng như nhu cầu mua sắm của người dùng tại các cửa hàng chuyên Apple này còn tương đối thấp và đây chính là cơ hội cho các hãng bán lẻ đối với sản phẩm iPhone.
Thực tế so sánh số cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm Apple tại Việt Nam với một số nước trong khu vực còn khá thấp. Việt Nam mới chỉ có vài chục cửa hàng ủy quyền chính hãng Apple, trong khi Thái Lan có tới xấp xỉ 500 cửa hàng, Indonesia là 300 và Singapore cũng hơn 500 cửa hàng.
Đại diện nhiều hệ thống bán lẻ cho rằng, khi số lượng cửa hàng ủy quyền chính hãng Apple tăng lên, người tiêu dùng có thói quen đến cửa hàng chuyên sản phẩm Apple nhiều hơn thì "độ mở" thị phần cho các hệ thống bán hàng chính hãng sẽ tăng lên rất nhiều.
Điều này được thể hiện khá rõ ở FPT Retail khi hệ thống này tính toán sẽ kết hợp với Apple để mở 100 điểm bán chuyên kinh doanh sản phẩm của Apple tại Việt Nam trong 2 – 3 năm tới.
Trong trường hợp Apple đưa Việt Nam vào danh sách các nước bán sản phẩm iPhone sớm hơn (cụ thể là sớm hơn so với thời điểm hiện nay) hoặc tiến tới là những nước đầu tiên bán ra, khi đó, khả năng tồn tại của hàng xách tay là rất thấp và chỉ chiếm một số lượng nhỏ.
Lúc này, việc còn lại của các hệ thống bán hàng chính hãng hoặc các cửa hàng chuyên sản phẩm Apple là làm sao khai thác miếng bánh iPhone từ thị trường xách tay để lại.
Đại diện nhiều hãng còn cho rằng, tiềm năng của thị trường iPhone tại Việt Nam còn được cộng hưởng bởi đặc điểm của sản phẩm, là thương hiệu smartphone cao cấp hàng đầu hiện nay, cùng đó là nhu cầu mua sắm, sự yêu thích và đổi mới sản phẩm của người tiêu dùng Việt.
Bán iPhone online có dễ?
Có thể chính vì những tiềm năng trên nên hãng thương mại điện tử Lazada, sau khi được "đại gia" thương mại điện tử Trung Quốc – Alibaba – đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Lazada để tăng tỷ lệ sở hữu trong Lazada từ 51% lên 83%, nâng tổng đầu tư vào đây lên hơn 2 tỷ USD vào mùa hè năm 2017 thì Lazada, cụ thể tại Việt Nam, bắt đầu thực hiện mở rộng kế hoạch kinh doanh của mình, trong đó phân phối trực tiếp sản phẩm của Apple là một ví dụ.
Khi mở thêm mảng kinh doanh iPhone, đại diện Lazada cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường điện thoại smartphone lớn nhất Đông Nam Á, cụ thể đứng thứ hai về số lượng sản phẩm bán ra, vượt Thái Lan và Malaysia, chỉ đứng sau Indonesia.
Doanh số bán các sản phẩm điện thoại smartphone tăng trưởng mạnh mẽ từ các cửa hàng trực tuyến và các thương hiệu.
Lazada phân tích thị trường iPhone của Việt Nam hiện có 3 nguồn chính: hàng xách tay từ các nước khác; các sản phẩm của đơn vị nhập khẩu một các hợp pháp và dịch vụ bảo hành do đơn vị nhập khẩu cung cấp; và các sản phẩm được Apple ủy quyền cho cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên, theo hãng thương mại điện tử này, việc mua iPhone tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản với ít lựa chọn.
Lazada cho biết sẽ mua trực tiếp và phân phối tất cả các dòng sản phẩm của Apple (iPhone, iPad, MacBook, Beats, phụ kiện) từ Apple Việt Nam, đồng thời có thể cung cấp các sản phẩm chính hãng với mức giá hợp lý nhờ vào việc tối ưu hóa chi phí vận hành, ưu thế của thương mại điện tử.
Câu hỏi được đặt ra: việc Lazada phân phối các sản phẩm của Apple, đặc biệt là iPhone tại Việt Nam, có khiến xu hướng bán iPhone online tại Việt Nam sẽ thịnh hành và phát triển trong thời gian tới? Và đây sẽ là áp lực đối với các hệ thống bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động và FPT Shop?
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, cho rằng, chiếc điện thoại là số tiền lớn đối với người tiêu dùng Việt, vì chỉ 5 triệu đồng thôi đã bằng thu nhập của người công nhân bình thường.
"Liệu người công nhân có dám rủi ro bỏ ra cả tháng lương để đặt hàng ai đó mà mình không thấy và đến khi chiếc điện thoại bị làm sao cũng không biết làm gì với nó?", ông Tài đặt câu hỏi. Nên theo ông, với những chiếc điện thoại đắt tiền như iPhone, có giá lên tới 20 đến 30 triệu đồng, việc đặt mua online thì càng khó hơn gấp nhiều.
Tuy nhiên, ông lại cho rằng, những hệ thống như Thế Giới Di Động hay FPT Shop bán iPhone online tốt bởi có chuỗi cửa hàng nên người dùng sẽ tin tưởng hơn.
Trên là lý giải của ông Tài. Dù sao, sự xuất hiện của Lazada cũng như cuộc chạy đua mở các điểm bán chuyên kinh doanh sản phẩm Apple sẽ làm cho cuộc khai phá "miếng bánh" iPhone tại Việt Nam thời gian tới trở nên hấp dẫn và sôi động hơn.