Theo một nghiên cứu được CTCP vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) công bố vào năm 2018, thị trường đồng hồ đeo tay tại Việt Nam có giá trị gần 750 triệu USD, tương đương khoảng 17.000 tỷ đồng.
Trong “chiếc bánh” hơn 17.000 tỷ đồng rất “thơm” này, hiện chưa có nhà phân phối nào đáng mặt được gọi là “đại gia” với việc chiếm từ 20% thị phần trở lên. PNJ sau khi thử nghiệm và nhập cuộc thị trường này, hiện có khoảng 20 cửa hàng bán đồng hồ.
Một cái tên lớn thứ hai là Tập đoàn vàng bạc đá quí Doji cũng mới gia nhập thị trường đồng hồ đeo tay gần đây nhưng chưa đủ sức lan tỏa rộng.
Cả hai nhà bán lẻ trên chủ yếu bán các sản phẩm đồng hồ phân khúc giá thấp và trung bình, tập trung vào những dòng đồng hồ thời trang và đồng hồ thông thường chủ yếu dành cho nữ, có mức giá chủ yếu từ 10 triệu đồng trở xuống.
Ở phân khúc giá trung bình và cao có các chuỗi bán lẻ của Đăng Quang Watch và Galle Watch, với việc phân phối một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ, Nhật Bản… có mức giá từ 10 triệu đồng trở lên cho đến hàng chục triệu đồng/chiếc.
Thế Giới Di Động thử nghiệm bán đồng hồ. Ảnh: Hiểu Em/Ictnews.
Tuy nhiên theo đánh giá của CTCP chứng khoán Rồng Việt, thị trường đồng hồ đeo tay tại Việt Nam đang phân mảnh và bát nháo.
Trên thực tế cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít chuỗi bán lẻ đồng hồ đeo tay tại Việt Nam có được niềm tin tuyệt đối từ người tiêu dùng.
Anh P.Quốc trong một lần có dịp đi Thụy Sĩ đã mua một chiếc Rado giá hơn 700USD, trong khi cũng chiếc đó rao bán trên mạng tại Việt Nam chỉ hơn 15 triệu đồng. “Một mức giá rất đáng ngờ, vì vậy mua ở nước ngoài cho chắc ăn”, anh Quốc nói.
Lợi nhuận còn… “thơm” hơn
Cách lựa chọn như anh Quốc là khá phổ biến đối với những người có điều kiện đi nước ngoài, có thể mua đồng hồ ở Mỹ, châu Âu, Singapore… Giá thường cũng rẻ hơn so với tại Việt Nam, nhưng trên hết là sự yên tâm về chất lượng và hàng thật chứ không phải hàng nhái, hàng giả.
Một chuyên trang chuyên thẩm định đồng hồ từng đưa ra thông tin, qua 20.000 chiếc được thẩm định thì có tới 8.600 chiếc là giả, nhái trong đó có những chiếc nhái các thương hiệu nổi tiếng được bán tại các cửa hàng ghi rõ là “phân phối đồng hồ chính hãng” với mức giá hơn chục triệu đồng đến vài ngàn USD.
Đối với các dòng đồng hồ thời trang thì càng rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” với việc đóng thương hiệu nhiều hãng thời trang nổi tiếng nhưng mức giá chỉ từ vài trăm ngàn đến khoảng một triệu đồng đã có thể sở hữu được một chiếc.
Khi hai “ông lớn” chuyên kinh doanh vàng bạc đá quí nhảy vào thị trường đồng hồ đeo tay chưa gây chú ý quá nhiều, song đến lượt nhà bán lẻ số 1 về công nghệ là Thế Giới Di Động nhảy vào tiếp, thì vấn đề lợi nhuận bán lẻ đồng hồ đã được “soi” kĩ hơn.
Biên lợi nhuận gộp của ngành hàng đồng hồ và phụ kiện của PNJ.
Và cuối cùng, lợi nhuận của việc phân phối bán lẻ đồng hồ đã thực sự gây kinh ngạc. tỷ suất lợi nhuận của ngành bán lẻ đồng hồ vượt qua lợi nhuận của ngành hàng kinh doanh vàng bạc đá quí, điện thoại, điện máy…, thậm chí đạt ở mức 60-70%.
Trong khi dư địa thị trường còn rất lớn vì chưa có chuỗi nào chiếm thị phần hơn 20%, và tỷ suất lợi nhuận cao đến mức như vậy, đó chính là thỏi nam châm hút các “ông lớn” bán lẻ nhập cuộc.