Những người chiến thắng tuyệt đối
Thành công nhất chắc chắn là Arsenal. Với ngân quỹ chỉ 45 triệu bảng trong hè này nhưng với tài thương thuyết, đàm phán và mua bán xứng đáng được ghi vào sách kinh tế, "Pháo thủ" đã đón 5 tân binh chất lượng. Và họ dứt điểm được với nhiều trường hợp không còn hữu dụng.
Sau hàng loạt vụ mua bán, Arsenal vẫn lãi 5 triệu bảng, điều quá bất ngờ trong bối cảnh các đội lớn khác chỉ có lỗ chứ chưa dám mơ đến lãi ở mỗi phiên chợ cầu thủ.
Người có công lớn nhất trong chiến dịch này là Raul Sanllehi, người đứng ra dàn xếp thương vụ "bom tấn" Nicolas Pepe, tạo cầu nối với Real Madrid để mượn được Dani Cabellos. Cùng với đó, lý do chính khiến William Saliba đến Arsenal cũng nhờ Sanllehi.
Nhưng điều khiến người hâm mộ "Pháo thủ" ngả mũ trước Sanllehi là việc giúp CLB bán Alex Iwobi cho Everton với giá lên tới 35 triệu bảng, gần như không tưởng với một cầu thủ hiện vẫn chỉ dừng ở mức "ngọc thô".
Nicolas Pepe. Ảnh: Arsenal FC.
Giống với Arsenal, người cũng nở nụ cười là Romelu Lukaku. Sau quãng thời gian dài trở thành trò cười tại sân Old Trafford, anh đã rời M.U để đến Inter Milan . Với phong độ quá tệ hại trong mùa giải vừa rồi, Lukaku vẫn được định giá 73 triệu bảng và nhận lương lên tới 300.000 bảng/tuần, con số phá mọi kỉ lục của đội bóng thành Milano.
Romelu Lukaku. Ảnh: Inter Milan.
Đại kình địch của Arsenal là Tottenham cũng khép lại một mùa hè sôi động với 3 cái tên mới là Tanguy Ndombele, Ryan Sessegnon và Giovani Lo Celso. Với thành tích Á quân Champions League mùa trước, "Gà trống" có thừa sức hút để chiêu mộ nhân tài.
Điều đáng nói là những thương vụ họ theo đuổi, dù ít nhưng thành công gần như tuyệt đối (ngoại trừ vụ Dybala hỏng ở ngày cuối cùng).
Giovani Lo Celso. Ảnh: Tottenham Hotspur.
Những kẻ thất bại
Wilfried Zaha là trường hợp trái ngược với Lukaku. Zaha là ngôi sao số 1 của Crystal Palace nhưng lại không thể tìm được bến đỗ mới đẳng cấp hơn. Anh muốn đến Arsenal nhưng "Pháo thủ" lại nhanh chóng "đóng ván thuyền" cùng Nicolas Pepe. Anh muốn đến Everton để thử sức nhưng mức giá 80 triệu bảng là điều không tưởng với đội chủ sân Goodison Park.
Và thế là Zaha ở lại với Palace, một đội bóng luôn nằm trong nhóm có nguy cơ phải xuống hạng.
Wilfried Zaha. Ảnh: EMPICS.
Thất vọng nhất phải là Man United. Được duyệt chi tới 200 triệu bảng để mua sắm nhưng M.U vẫn bất lực. Daniel James, Aaron Wan-Bissaka và Harry Maguire là những cầu thủ tốt nhưng chưa thể đạt đến tầm "World Class". Dẫu biết cải thiện hàng thủ là điều tối quan trọng nhưng sau sự ra đi của Lukaku, việc M.U trao toàn bộ hàng công cho Rashford lĩnh xướng cũng là điều rất hên xui.
Nếu có Paulo Dybala, mọi chuyện sẽ được giải quyết nhưng tiền đạo người Argentina đã lắc đầu dù "Quỷ đỏ" sẵn sàng phá nhiều kỉ lục về tài chính với chân sút đang chơi cho Juventus.
Phó Chủ tịch Ed Woodward của Man United. Ảnh: Getty.
Nếu dùng từ "thất bại' để gán cho Liverpool là chưa đúng bởi họ vừa lên ngôi Champions League. Tuy nhiên, tính riêng trên TTCN, đội bóng của Jurgen Klopp là người thua cuộc. The Kop chỉ có 1 bản hợp đồng 1,3 triệu bảng với tài năng 17 tuổi Sepp van den Berg.
Dẫu biết với triết lý của mình, Klopp muốn duy trì sự ổn định và nâng tầm đội hình hiện tại. Tuy nhiên, Liverpool đang sống trong thời kì bóng đá kim tiền. Họ đang nằm ngoài cuộc chơi và khả năng thành công là điều khó có thể nói trước.
Trong khi đó, nhìn sang đại kình địch Manchester City, vừa có thêm Rodri và Cancelo - những cầu thủ có đẳng cấp và đã được rèn luyện đỉnh cao rất nhiều.
HLV Jurgen Klopp. Ảnh: Reuters.
Cuối cùng là Chelsea. Từ "thất bại" gắn với đoàn quân của Frank Lampard khá miễn cưỡng sau án phạt cấm chuyển nhượng 2 kì. The Blues đã để ngôi sao sáng nhất là Eden Hazard ra đi. Triết lý của Lampard trong giai đoạn này là vận dụng nội lực để vươn lên nhưng với một đội hình toàn cầu thủ trẻ, sự tự tin và khát khao là có thừa nhưng chưa đủ độ già dặn cùng kinh nghiệm nếu muốn thành công.
HLV Frank Lampard. Ảnh: REX.