Là một trong những điểm sáng của khu vực khi kiểm soát dịch tốt, Việt Nam năm 2020 là quốc gia duy nhất duy trì tăng trưởng GDP dương. Bước sang năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng GDP trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm với tốc độ gần 3%.
Song song, Chính phủ thực hiện đẩy mạnh đầu tư công, ban hành cơ chế chính sách thu hút làn sóng dịch chuyển FDI, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, rà soát điều chỉnh các gói kích thích kinh tế… đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK).
Ghi nhận tại hội thảo "Thị trường Chứng khoán năm 2021 – Cơ hội và Thách thức" mới đây, các chuyên gia nhận định việc VN-Index vượt ngưỡng cản 1.200 điểm ngày 18/3 vừa qua không chỉ tạo ra tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn trong bối cảnh sàn HoSE vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng nghẽn lệnh vào cuối phiên. Qua đó, phần nào phản ánh sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào xu hướng đi lên của TTCK trong thời gian tới.
Điểm lại năm 2020, không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, TTCK Việt Nam cũng trải qua một năm đầy biến động.
Sau những tháng đầu năm thị trường có sự sụt giảm nghiêm trọng và giảm xuống điểm đáy khi chỉ số VN-Index từ xấp xỉ 1.000 điểm (cuối năm 2019) xuống chỉ còn 659,21 điểm trong ngày 23/3/2020. Thì bước sang quý 2/2020, cũng như một số TTCK lớn, Việt Nam đã có sự phục hồi bền vững và tăng trưởng mạnh mẽ.
Với những tín hiệu tích cực từ kiểm soát dịch cũng như nền kinh tế, thống kê cho thấy, TTCK Việt Nam năm 2020 đã trở thành thị trường phục hồi mạnh nhất Đông Nam Á và nằm trong top 10 TTCK có sức phục hồi tốt nhất trên thế giới.
Mặc dù có nhiều cơ hội tốt, tuy nhiên thị trường năm 2021 vẫn còn đối mặt với những khó khăn, rủi ro, trong đó đáng chú ý là diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng trên thế giới, nguy cơ từ rủi ro lạm phát, tỷ giá, sự chuyển hướng của dòng đầu tư sang các lĩnh vực khác…
Đặc biệt, hệ thống CNTT cho toàn thị trường còn có những trợ ngại nhất định cho sự tăng trưởng của thị trường (hệ thống CNTT nghẽn lệnh; chậm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống mới, qua đó cho phép đưa vào các nghiệp vụ mới như giao dịch trong ngày (day trading); bán chứng khoán chờ về; thanh toán bù trừ đối tác trung tâm (CCP) vào vận hành.
Trao đổi thẳng thắn tại hội thảo, TS. Nguyễn Sơn – Chủ tịch HĐQT VSD – cho biết: "Câu chuyện nghẽn mạch, bảng điện đứng đang là quan tâm bậc nhất của toàn thị trường". Trong trường hợp này, ông Sơn nhấn mạnh cả HoSE và UBCKNN đều không thu lợi được.
"Vì sao nghẽn mạng, vì sao chưa xử lý được. Nguyên nhân tại phần mềm hiện tại khó can thiệp hay vì chúng ta đã lỡ mua phần mềm Hàn KRX…", vị này đặt vấn đề và phân trần thấu hiểu được việc nghẽn lệnh đang khiến dư luận rất bức xúc.
Minh chứng, nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng thời gian qua, khi hệ thống này không thông được dòng vốn thì họ buộc phải đầu tư sang hệ thống khác thông suốt hơn.
Nói đi cũng nói lại, dù gặp trục trặc về mặt kỹ thuật hệ thống, TTCK Việt Nam mặt khác còn rất nhiều tiềm năng trong thời gian tới.
Theo dự báo, bên cạnh tác động tiêu cực của dịch bệnh, việc tìm ra vacxin hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh Covid 19 và xu hướng dịch chuyển dòng vốn quốc tế từ kênh tín dụng ngân hàng (nơi có lợi suất thấp) sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và các tài sản có giá trị bao gồm vàng, bất động sản.
Khi mà, tác động của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng thông qua cắt giảm lãi suất cũng như các gói hỗ trợ tài chính lớn của hầu hết các nước trên thế giới dự kiến kéo dài trong năm 2021.
Sự tham gia kỷ lục của NĐT F0 cho thấy sự dịch chuyển mạnh dòng vốn sang TTCK.
Nói về mối liên quan giữa những cơ hội kinh tế gần đây cho Việt Nam như ngành cảng biển, dệt may (đặc biệt vải)… ông Sơn dẫn chứng sự tăng trưởng vượt bậc của mã TNG, TCM trong năm qua và khẳng định sự kiểm soát dịch tốt, linh hoạt trong kinh doanh cùng với dòng chảy nền kinh tế sẽ phản ứng rất mạnh lên thị giá trên TTCK.
Ngoài ra, ngày 11/11/2021, MSCI chính thức nâng hạng Kuwait từ cận biên lên mới nổi. Điều này giúp Việt Nam thu hút dòng vốn của các quỹ đầu tư vào nhóm thị trường cận biên nhằm tăng tỷ trọng thay thế cho Kuwait.
Thực tế, từ đầu tháng 12/2020, Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của MSCI. Như vậy, việc dòng vốn nước ngoài có khả năng quay trở lại vào năm 2021 với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI FM sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm 2021.
Tựu chung, những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế và TTCK Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo đan xen lẫn nhau và đòi hỏi cần có những quyết sách kịp thời và hợp lý.