Sau khi tham quan thực địa kính khổng lồ nằm trên miệng núi lửa tự nhiên giữa các dãy núi hoang vắng, kỳ bí, du khách tham quan bảo tàng được hướng dẫn viên giới thiệu về quá trình con người khám phá văn minh ngoài Trái đất, những tiến bộ của Trung Quốc trong chinh phục không gian, vũ trụ.
Chị Ngô Trần - Hướng dẫn viên Bảo tàng tỉnh Quý Châu cho biết: "Hầu hết du khách đến đây muốn tận mắt tìm hiểu về thiên nhãn, từ đó mà nhiều người khám phá thêm các điểm du lịch liên quan đến thiên văn để mọi người hiểu hơn".
Kính viễn vọng vô tuyến có đường kính 500 mét, tương đương 30 sân bóng được đầu tư 1,2 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 170 triệu USD đưa vào hoạt động năm 2020.
Với độ nhạy tốt hơn 2,5 lần so với kính lớn thứ hai thế giới, FAST khám phá các ngôi sao với tốc độ nhanh hơn các kính thiên văn khác. Những ngôi sao quay này có thể trả lời một số câu hỏi quan trọng về vũ trụ, có ích như đèn hiệu dẫn đường cho tên lửa, vệ tinh hoặc tàu vũ trụ.
Theo Giáo sư Trương Đồng Kiệt - phụ trách nhóm nghiên cứu tìm kiếm văn minh ngoài trái đất - Đại học Sư phạm Bắc Kinh, các nhà khoa học đã hai lần phát hiện các tín hiệu đáng ngờ có thể đến từ nền văn minh ngoài Trái đất, cần tiếp tục nghiên cứu.
Ông Chu Trần - Khách du lịch Thành phố Trùng Khánh: "Tôi thấy con người khám phá nhiều điều kỳ bí về thiên văn vũ trụ mà mình không tưởng tượng nổi. Khoa học kỹ thuật về Trái đất, vũ trụ ngày càng phát triển".
FAST được kỳ vọng đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu nguồn gốc của các lỗ đen siêu lớn, xác định các sóng vô tuyến mờ nhạt để tìm hiểu đặc điểm của các hành tinh bên ngoài hệ Mặt trời. Ngoài tham quan du lịch, FAST đã được mở cửa cho các nhà khoa học nước ngoài sử dụng.