TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nói rằng, học sinh lớp 12 năm nay chịu nhiều áp lực hơn những năm trước. Thời gian ngắn được quay lại trường, học sinh nghiêm túc và cố gắng học tập, nhưng không thể “tiêu hoá” hết được khối lượng kiến thức bị hổng trong thời gian học trực tuyến. Đây là thách thức và áp lực cho cả học sinh và giáo viên.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Diệp An
Ông Lâm khuyên rằng, đã vào phòng thi, thí sinh cần cố gắng hết mình, không buông giữa chừng, không chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng. Trong khi đó, phụ huynh nên đồng hành với con trong kỳ thi, không nên đưa ra các yêu cầu. Đặc biệt, ông lưu ý phụ huynh vấn đề tâm lý sau kỳ thi. Phụ huynh không được tạo căng thẳng cho con em về mặt điểm số mà nên để thí sinh hiểu được rằng đã đến lúc các em chịu trách nhiệm với bản thân về những kết quả có được.
Không đẩy áp lực của người lớn sang trẻ em
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, năm nay là năm khó khăn nhất của học sinh lớp 12, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM. “Giáo viên cũng quá tải nên cảm xúc của họ với học sinh sẽ bớt thấu hiểu hơn so với những năm học khác. Thay vì động viên, khuyến khích làm giảm lo âu của học sinh, năm nay nhiều giáo viên bị cuốn vào nhiều công việc và chỉ lo đảm bảo nhiệm vụ ôn tập, bổ khuyết kiến thức cho học sinh”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, vốn dĩ học sinh đã không tự tin với bản thân do phải học trực tuyến dài; giáo viên lại không làm được việc giúp các em yên tâm hơn; bố mẹ sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 lại tập trung vấn đề thành tích, không chú ý con em có bị tổn thương tâm lý hay không nên không có sự hỗ trợ về tinh thần phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, đề thi giống như mọi năm, trong khi sự tự tin của học sinh giảm; tinh thần đã bị căng thẳng quá mức, ảnh hưởng đến sự tập trung, khả năng học tập nhưng các em lại không có được sự hỗ trợ tâm lý kịp thời, hiệu quả. Sau dịch COVID-19, áp lực tài chính của nhiều gia đình rất lớn nên những căng thẳng này tiếp tục đổ lên đầu những đứa trẻ.
Ông Nam cho rằng, đến thời điểm then chốt này, phụ huynh và giáo viên phải giúp học sinh tự tin hướng đến kỳ thi bằng cách giúp các em đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu của mình để có chiến lược làm bài thi phát huy hiệu quả tốt nhất. Với phụ huynh, cần làm cho các em hiểu rằng phía trước có rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Bố mẹ cũng cần chuẩn bị sức khoẻ cho con và kiểm soát được cảm xúc của bản thân, không để nỗi lo của người lớn phóng chiếu sang trẻ em.
Đề thi cơ bản, có sự phân hoá
Trao đổi với phóng viên trước kỳ thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, nói rằng, đề thi sẽ bao gồm các câu hỏi ở phần kiến thức cơ bản và một số câu hỏi có sự phân hoá đảm bảo phân hoá được thí sinh có năng lực khá, giỏi và không ra ở phần đã được tinh giản.
Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh đến điểm thi đúng giờ, tuân thủ quy chế; khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi đối với bài thi tự luận, phiếu trả lời trắc nghiệm đối với bài thi trắc nghiệm.
Ngày mai (6/7), hơn 1 triệu sĩ tử đến điểm thi làm thủ tục đăng ký dự thi, sửa chữa sai sót lần cuối để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 từ ngày 7-8/7.
Hà Linh