Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết tại Hội thảo “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 13.9.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, trong những năm qua, Bộ GDĐT đã tích cực đổi mới phương thức, cách thức tổ chức thi, với sự điều chỉnh hợp lý trong quá trình triển khai. Đặc biệt năm 2015, Bộ GDĐT đã chính thức tiến hành kỳ thi chung mang tên kỳ thi THPT Quốc gia.
Tuy còn những bất cập năm 2018 nhưng có thể khẳng định, thành công đổi mới thi là tìm ra phương án thi THPT quốc gia hiện nay phù hợp, giảm áp lực xã hội nhưng vẫn có độ tin cậy nhất định để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Về phương thức tổ chức thi trong thời gian tới, ông Độ cho biết, Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương thức thi này cho đến năm 2020, những năm tiếp theo trên tinh thần kế thừa kết quả phương án thi các năm trước và khắc phục tồn tại năm nay.
“Để khắc phục những tồn tại của kỳ thi năm nay, Bộ GDĐT đã có những nội dung điều chỉnh như bổ sung nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, theo hướng phong phú hơn, chất lượng, chuẩn hóa, bảo đảm có dữ liệu, cơ sở để ra kỳ thi phù hợp, đạt mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy chế, khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, làm sao tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về công nghệ thông tin, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.
Ngoài ra, Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra; Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các sở để có kỳ thi chất lượng”, ông Độ nói.
Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng cho biết sẽ tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi. Đặc biệt, công tác chấm thi có sự điều chỉnh.
Giáo viên chấm thi, giảng viên đại học địa phương sẽ không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan.
TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội cho rằng: “Chúng ta cần xác định lộ trình duy trì phương thức kỳ thi này cho đến khi có thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới để tiếp tục đổi mới kỳ thi THPT quốc gia".
TS Phạm Tất Thắng. Ảnh: PV
Theo ông Thắng, kiểm tra đánh giá là khâu cuối cùng nhưng bản chất và yêu cầu là phải đổi mới chương trình, đổi mới cách thức giảng dạy, cuối cùng mới là kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu của xã hội đặt ra.
Góp ý tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh việc cử cán bộ làm công tác thi phải thực sự là người có chuyên môn, không nhất thiết phải là người có “vai, vế”.