Hãng AP đưa tin, Ngoại trưởng Retno Marsudi nêu trong cuộc họp trực tuyến từ thủ đo Jakarta rằng 49 ngư dân người Indonesia - trong độ tuổi từ 19 đến 24 - đã bị buộc lao động trung bình hơn 18 tiếng mỗi ngày trên 4 tàu cá của Trung Quốc.
"Chúng tôi lên án hành vi đối xử vô nhân đạo đối với các thuyền viên của chúng tôi làm việc cho công ty đánh bắt cá Trung Quốc," Ngoại trưởng Indonesia nói. "Căn cứ trên thông tin từ các thuyền viên, công ty này đã vi phạm quyền con người."
"Thời gian làm việc cũng là vô nhân đạo. Các thuyền viên phải lao động trung bình hơn 18 tiếng/ngày," bà nói.
Bà Marsudi nói rằng một số ngư dân của nước này hoàn toàn không được trả lương, hoặc không nhận được mức thù lao đã thỏa thuận. Công việc nặng nhọc trong điều kiện nghèo nàn của tàu cá đã khiến các thủy thủ bị ốm và làm ít nhất 3 thuyền viên Indonesia tử vong. Thi thể của những người này đã bị ném xuống Thái Bình Dương.
Bà Marsudi cho hay, hầu hết ngư dân Indonesia đã được hồi hương từ 4 tàu cá Trung Quốc, sau khi trải qua thời gian cách ly bắt buộc tại một khách sạn ở thành phố Busan, Hàn Quốc - nơi tàu cá của họ neo đậu.
Vụ bê bối về hoạt động của các tàu cá Trung Quốc nổ ra sau khi một số video được truyền thông địa phương ở Hàn Quốc đăng tải, gây bức xúc trong dư luận.
Hôm 5/5, một ngư dân Indonesia ẩn danh nói với đài MBC (Hàn Quốc) về những đối xử bất công mà họ phải chịu khi làm việc cho các tàu Trung Quốc. Đài này sau đó cho phát sóng đoạn video ghi lại cảnh thi thể một ngư dân Indonesia đang bị ném khỏi một con tàu.
Ngày 7/5, Ngoại trưởng Retno Marsudi đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta, ông Tiêu Thiên, để nêu quan ngại của chính phủ Indonesia về điều kiện sinh hoạt và làm việc trên tàu cá của Trung Quốc - bị nghi là nguyên nhân khiến 4 thuyền viên tử vong.
4 nạn nhân được đề cập nằm trong nhóm 46 thuyền viên quốc tịch Indonesia làm việc trên các tàu cá treo cờ Trung Quốc có tên Longxin 605, Longxin 629, Longxin 606 và Tian Yu 8. Hai người tử vong vào tháng 12/2019, một người vào ngày 31/3 vừa qua, và người còn lại vào ngày 27/4. Theo bà Marsudi, các thủy thủ chết vào tháng 12 và tháng 3 đã bị "thủy táng" bằng cách ném thi thể xuống biển.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết đã yêu cầu Đại sứ Tiêu Thiên làm rõ liệu việc an táng theo hình thức thả thi thể xuống biển có phù hợp với quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hay không, cũng như liệu điều kiện lao động "không thích hợp" trên các tàu này có phải là nguyên nhân dẫn đến những vụ thiệt mạng của thủy thủ hay không.
Xin mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus